|
Cán bộ xã Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân. |
TS Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam nêu dẫn chứng từ hoạt động của Hội. Trong năm 2010, Hội triển khai thí điểm các dự án hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và trẻ mồ côi tại một số xã, phường khó khăn trong cả nước. Tuy nhiên, việc vận động, tổ chức ở các địa phương không đạt hiệu quả mong muốn bởi "hầu hết cán bộ được đào tạo từ các lĩnh vực khác, không có chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xã hội nên thiếu kỹ năng và sự chuyên nghiệp".
Ngành LĐ-TB&XH hiện cũng đang thiếu cán bộ làm công tác này ở cấp xã, một phần là do chưa có biên chế bổ sung vào cán bộ công chức cấp xã, một phần là do thiếu người có chuyên môn đảm trách. Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh bày tỏ: Cán bộ làm công tác lao động- xã hội cấp xã thường phải làm rất nhiều việc (như chính sách cho các đối tượng có công, chính sách an sinh xã hội...). Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhân lực nào được đào tạo về công tác xã hội, các mảng việc thường phải chia cho các bộ phận kiêm nhiệm.
Chị Bùi Thị Dung - cán bộ LĐ-XH ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng chia sẻ: Công tác xã hội đòi hỏi rất nhiều kỹ năng như thống kê (thống kê số trẻ dưới 6 tuổi, thống kê người thất nghiệp, thống kê đối tượng bảo trợ, người nghèo…) và thực hiện, giải đáp chính sách. Vì vậy, cán bộ công tác xã hội cần phải thường xuyên được cập nhật kỹ năng làm việc.
Nhóm cán bộ hỗ trợ các đối tượng yếu thế (người khuyết tật, trẻ mồ côi…) hiện hoàn toàn là kiêm nhiệm, làm theo kinh nghiệm chứ không có kiến thức chuyên nghiệp. Tại Trung tâm Sống độc lập Hà Nội, do định kiến đối với nghề và sự thiếu hiểu biết của xã hội về dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật đã khiến cho nhiều thanh niên khuyết tật không dám tới tìm hiểu thông tin học nghề, tìm kiếm việc làm.
Nhiều gia đình có người khuyết tật không muốn tiếp cận với hoạt động trợ giúp mà muốn tự chăm sóc con em mình… Nếu có cán bộ làm công tác xã hội chuyên nghiệp thì công tác tư vấn, vận động sẽ được làm tốt hơn.
Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 nhằm bổ sung cho những thiếu hụt nói trên. Thống kê chung cho thấy, cả nước đã có gần 40 trường ĐH-CĐ đào tạo nghề này và đã có mã nghề cho ngành công tác xã hội, nhưng chưa có cơ quan nào đứng ra kiểm định chất lượng đào tạo. Với chủ trương đẩy mạnh nhóm nghề này, nhất là đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã, ngành LĐ-TB&XH hy vọng sẽ lấp được lỗ hổng về nhân lực.
Hồng Phúc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.