Nghề giao báo giấy ở Thủ đô: Sáng nào cũng “chạy đua với bình minh”
Nghề giao báo giấy ở Thủ đô: Sáng nào cũng tất bật “chạy đua với bình minh”
Trung Hiếu - Thùy Anh
Thứ ba, ngày 19/03/2024 09:22 AM (GMT+7)
Luôn tay sắp xếp, phân loại các tờ báo in từ 4 giờ sáng, rồi lại tất bật vận chuyển tới các sạp báo, đó là công việc thường ngày của những người làm nghề giao báo giấy ở Thủ đô.
Người giao báo giấy và nhiệm vụ “chạy đua với bình minh”
4 giờ sáng, khi đường phố còn tĩnh lặng thì những người làm công việc giao báo ở Thủ đô đã “tề tựu” đông đủ tại một góc phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm) để sẵn sàng bước vào một ngày làm việc. Xe chở báo từ các nhà in vừa tới nơi, hơn 20 người gồm cả già, trẻ, gái, trai liên tục vận chuyển báo trên xe xuống đất rồi sắp xếp và phân loại.
Ông Khúc Duy Thuận (70 tuổi) là một trong những người có mặt sớm nhất tại nơi làm việc hôm nay. Nghề giao báo đã gắn bó với ông tròn 20 năm. Có lẽ vì đã quá “thạo việc” nên những tờ báo in còn vương mùi mực được ông rải ra xung quanh chỗ ngồi một cách thoăn thoắt. Không ngừng tay, ông Thuận tiếp tục xếp chúng thành từng chồng ngay ngắn trước khi dùng dây buộc lại để vận chuyển.
Dưới ánh đèn đường mờ ảo, đôi mắt của ông Thuận ánh lên niềm hạnh phúc khi nói đến công việc của mình: “Mỗi ngày tôi làm khoảng 3 tiếng. Tôi rất yêu công việc này vì nó là một cách để tôi rèn luyện sức khỏe, thứ hai nữa là giúp tôi có thêm thu nhập. Giờ lượng người đọc báo giấy ít đi nên doanh thu từ việc giao báo cũng không nhiều, tiền công mỗi tháng dao động từ 3 - 4 triệu đồng thôi. Nhưng chỉ cần còn người thích đọc báo giấy thì tôi vẫn yêu và chọn ở lại với nghề”.
Điểm nhận diện "thương hiệu" của ông Thuận là bộ quần áo rộng được sơ vin gọn gàng, đôi găng tay tối màu hở ngón để thuận tiện xếp báo, cặp kính lão gọng đen thỉnh thoảng được điều chỉnh lên, xuống cho vừa mắt cùng đôi giày vải sờn màu mà ông tự tin khoe rằng “rẻ tiền nhưng êm lắm, tôi đi vài năm rồi đấy”.
Người đàn ông 70 tuổi thể hiện sự lạc quan khi trò chuyện cùng phóng viên Dân Việt: “Mưa nắng là việc của trời, mưa thì tôi mặc áo mưa làm việc bình thường. Làm nhiều năm nên tôi cũng rút được kinh nghiệm là những hôm nào trời có biểu hiện mưa thì mình phải ngồi sát vào chỗ có mái che để làm sao báo không bị ướt, không có là lỗ vốn ngay (cười). Nếu trời cho tôi sức khỏe thì tôi sẽ làm công việc này thêm 15 - 20 năm nữa”.
Đang trò chuyện thì một người phụ nữ trung niên góp vui: “Bác Thuận gấp đôi tuổi cháu mà độ nhanh nhẹn thì vượt xa cháu luôn!”. Vừa cười, chị Nguyên (35 tuổi, làm nghề giao báo giấy) vừa tiếp lời: “Làm công việc này cũng là cách để tôi rèn luyện trí nhớ đấy, tôi đang “phấn đấu” để làm sao nhớ được các đầu báo chia đến mọi người mà không dùng giấy, bút. Chứ hiện giờ vẫn phải ghi chép liên tục để khỏi quên đấy”.
Chị Nguyên đánh giá, người làm công việc này phải nhanh tay, nhanh mắt và không thể thiếu sự siêng năng, kiên trì. “Việc phân loại báo như “chạy đua với bình minh” vậy. Đồng hồ điểm 6 giờ sáng là chúng tôi phải lên đường để vận chuyển đến sạp báo và các cơ quan, đơn vị rồi, vì chỉ chậm hơn một chút thôi thì khó mà tránh cảnh tắc đường, đi lại rất vất vả. Chưa kể, giao báo muộn thì các sạp cũng không có báo mới để bán”.
Niềm tin của người làm nghề giao báo: “Báo giấy sẽ không bao giờ biến mất”
Sau khi phân loại xong, từng chồng báo lớn nhỏ được những người giao báo buộc vào xe máy một cách cẩn thận rồi vận chuyển đi mọi nẻo của Thủ đô, có mặt trên khắp các sạp báo để phục vụ độc giả.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt lúc vừa chọn được sản phẩm báo in ưng ý tại một sạp báo trên phố Hàng Trống (Hoàn Kiếm), ông Nguyễn Huy Hiệp (72 tuổi) cho hay: “Tôi đọc báo giấy từ khi còn là học sinh phổ thông. Ưu điểm của báo giấy là chính xác và lưu lại được. Đọc báo giấy khiến tôi rất sảng khoái, thông tin sâu nên nhiều khi làm mình có phần thức tỉnh hơn so với tin, bài trên các loại hình báo khác. Thêm nữa, nó rất phù hợp với người có tuổi nên ngày nào tôi cũng qua đây tìm mua báo giấy”.
“Đặc biệt là những bài báo nêu các thông tin về cách chăm sóc sức khỏe thì tôi rất để ý vì giờ mình cũng có tuổi rồi, nhiều bệnh tật. Tôi sẽ lưu lại những tờ báo ấy để sau này lỡ chẳng may có ốm đau hay chấn thương gì thì có thể bỏ ra xem lại và áp dụng phương pháp điều trị”, ông Hiệp nói thêm.
Theo chân ông Thuận giao báo giấy đến một số sạp trên các con phố Hàng Trống, Phan Đình Phùng, Cửa Nam…, tới khi đằng sau yên xe không còn chồng báo nào, ông mới có được phút “thong thả” trong buổi sáng. Người đàn ông 70 tuổi nói với giọng tâm tình: “Nếu hỏi là dịp nào người dân mua báo giấy nhiều nhất thì câu trả lời sẽ là vào các thời điểm như đợt Tết, nghỉ hè hoặc những ngày lễ trọng đại của đất nước. Còn bình thường thì lượng bạn đọc cũng không nhiều như xưa vì giờ mạng Internet phát triển quá rồi”.
Chia tay phóng viên, ông Thuận quả quyết: “Tôi tin rằng báo giấy sẽ không bao giờ mất. Số lượng phát hành có thể là có lúc nhiều, có lúc ít, nhưng sẽ tồn tại vĩnh cửu vì báo giấy có giá thành rẻ, tính chính xác cao và đặc biệt đó là một nét văn hóa đẹp hằn sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.