Bài 1: Khi giáo viên bị phụ huynh ép quỳ, học sinh siết cổ
Giáo viên Phạm Thị H nằm viện sau khi bị tấn công.
Liên tiếp các vụ giáo viên bị bạo hành, lăng nhục bởi chính học trò, phụ huynh của mình.
Đắng cay... nghề giáo
Mới đây, ngày 28.2, tại Trường Tiểu học Bình Chánh, Bến Lức, Long An đã diễn ra vụ việc phụ huynh ép giáo viên quỳ gối 40 phút gây xôn xao dư luận. Cụ thể, trước đó, do một số học sinh nói chuyện trong lớp, nhắc nhở nhiều lần không được cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung – giáo viên lớp 4/3 đã bắt cả lớp phạt quỳ gối để răn đe. Biết được hình phạt này, phụ huynh của 4 học sinh trong lớp đã đến trường để yêu cầu cô Nhung giải thích về hình phạt của mình.
Trong cuộc họp có cả lãnh đạo trường và Ban đại diện phụ huynh, cô Nhung đã nhận thấy việc sử dụng hình phạt này chưa hợp lý nên đã nhận khuyết điểm và xin lỗi phụ huynh. Đáng nói, phụ huynh Võ Hòa Thuận đã yêu cầu cô Nhung phải quỳ gối đề xin lỗi. Mặc dù lúc đó cả hiệu trưởng, Ban đại điện phụ huynh và một số giáo viên trong trường đã can ngăn, giải thích, tuy nhiên, phụ huynh Thuận vẫn không chấp nhận vẫn yêu cầu cô giáo phải quỳ đủ 40 phút. Trước sức ép của phụ huynh, không còn đường lùi, cô Nhung đã phải quỳ gối 40 phút trước sự chứng kiến của nhiều giáo viên để... mọi việc được yên ổn.
Sự việc diễn ra ngay lập tức đã gây lên một “cú sốc” trong dư luận, đặc biệt là đối với các thầy cô giáo và học sinh. Nhiều người cho rằng, giáo viên phạt học sinh quỳ là không nên nhưng cô giáo đã nhận sai và xin lỗi. Tuy nhiên, phụ huynh đã dùng một hành động sai khác để sửa một hành động sai trong tâm thế... trả thù gây nên hậu quả nghiêm trọng.
Trước sự việc này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã phải có văn bản đề nghị UBND tỉnh Long An vào cuộc để bảo vệ danh dự cho nhà giáo. Ngày 9.3, Chi bộ ấp 6 Đảng ủy xã Nhựt Chánh (nơi ông Võ Hòa Thuận – phụ huynh bắt cô giáo quỳ, đang sinh hoạt Đảng) đã họp và thống nhất hình thức kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Thuận.
Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì ngày 2.3 tại Trường THCS Tân Thạch (huyện Châu Thành, Bến Tre) một học sinh lớp 8 đã có hành vi bóp cổ, đe dọa giáo viên tiếng Anh tại lớp.
Cụ thể, trong giờ tiếng Anh, cô C.T.. phát hiện một học sinh nữ đang học môn khác, cô giáo yêu cầu em không làm việc riêng trong giờ tiếng Anh. Mặc dù nhiều lần nhắc nhở, nhưng học sinh này vẫn không nghe, cô N đã thu vở môn học khác của học sinh này. Ngay lúc đó, nam sinh N.V.M.T ngồi phía sau văng tục với cô N. Cô N đã mời 2 giáo viên khác đang dạy ở lớp bên cạnh sang chứng kiến vụ việc và răn đe. Ngay lập tức, học sinh này đã vùng lên vừa chửi vừa bóp cổ cô giáo ngay trong lớp trước sự chứng kiến của 2 giáo viên khác và toàn bộ học sinh trong lớp.
Trả ơn thầy bằng... máu
Không dừng lại việc bị bắt quỳ, bị bóp cổ, trước đó, đã có không ít vụ việc nghiêm trọng nguy hại đến cả thể xác và tinh thần xảy ra đối với giáo viên mà đối tượng hành hung không ai khác chính là phụ huynh và học sinh – những người lẽ ra phải biết ơn công lao dạy dỗ của thầy cô.
“Theo điều 21 Nghị định số 138/2013 đã quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục: Giáo viên có thể bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học. Hình phạt bổ sung là đình chỉ dạy học từ 1 – 6 tháng.
Ngược lại Điều 19 cũng quy định: Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vu xúc phạm danh dự nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Thẩm quyền xử phạt là chủ tịch UBND quận, huyện và thanh tra các Sở GDĐT...
|
Chỉ trong năm 2017 đã diễn ra hàng chục vụ giáo viên bị hành hung bởi chính phụ huynh gây bức xúc. Điển hình là vụ việc tại Trường Tiểu học Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Ngày 19.10, khi thấy con trai (tên Đạt) là học sinh lớp 4A đi học về bị xây xát ở tay, phụ huynh tên Hiền đã cùng người nhà đến trường để “hỏi tội” học sinh đánh nhau với con mình.
Khi thấy Quân (học sinh gây gổ với con) ông Hiền đã liên tiếp đánh Quân đến ngất xỉu, thấy vậy, thầy hiệu phó trường đã xông vào can ngăn thì liền bị phụ huynh này đánh tới tấp. Chưa dừng lại đó, phụ huynh này còn xông tới đánh luôn cả thầy Trần Văn Phú – Hiệu trưởng trường đến rách mặt phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Con Cuông và khâu 5 mũi.
Trước đó, ngày 28.9 cũng xảy ra vụ việc một nhóm phụ huynh xông vào lớp 2C Trường Tiểu học Đặng Cương (huyện An Dương, TP.Hải Phòng) để chửi bới, tấn công cô giáo Phạm Thị H (26 tuổi). Lý do được cho rằng trước đó, cô giáo này đã nhắc nhở và dùng thước đánh vào tay một học sinh vì em này không mặc đồng phục và nói chuyện riêng trong giờ học.
Ngay sau đó, UBND huyện An Dương đã đề nghị công an huyện vào cuộc. Do sức khỏe yếu, bị áp lực lớn nên cô H đã bị ngất và phải vào điều trị tại Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng. Hiện sức khỏe cô giáo H chưa được cải thiện, vẫn hay mê sảng, nôn ói...
Tháng 3.2017, cô giáo Bùi Thị Huyền T – giáo viên dạy bộ môn khiêu vũ thể thao tại Hải Tân (TP.Hải Dương) còn bị phụ huynh của học sinh cũ của mình đánh và cắn đứt tai chỉ vì mâu thuẫn trong việc dạy học năng khiếu cho con mình.
Những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp trầm trọng trong mối quan hệ của phụ huynh – học sinh với giáo viên trong trường học. Nhiều người cho rằng, đây chính là hệ lụy của việc nhiều người đang coi giáo dục như một dịch vụ có thể “mua” được bằng tiền hoặc... thật nhiều tiền.
“Nhiều phụ huynh đã từng thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng “tôi đóng nhiều tiền cho con vào học trường này, thì con tôi phải được sự dạy dỗ, chăm sóc tốt nhất”. Từ đó, họ cho mình cái quyền được đòi hỏi giáo viên phải thế này, thế kia đối với con họ” – thầy Trần Hùng – giáo viên tại TP.Hải Dương chua chát nói.
Bà Hoàng Thị Phương (Định Công, Hà Nội)
“Hãy dạy con trước khi trách thầy cô”
Tôi thấy hành động của phụ huynh như vậy là vô giáo dục, tồi tệ! Nhưng không vì giáo viên là nhà giáo dục mà chúng ta bênh vực một cách mù quáng cho rằng hình phạt dù nặng đến đâu cũng là tốt cho đứa trẻ.
Là phụ huynh, tôi ủng hộ các thầy cô phạt học sinh quá lười học, ngỗ nghịch bằng roi vào mông, thước kẻ vào tay, khoanh tay đứng góc lớp, chép phạt, lao động công ích vất vả... Ngược lại, phụ huynh cũng thường xuyên quan tâm đến con và học cách kết hợp với thầy cô. Cha mẹ mà không tự đào tạo mình và đào tạo con mình trước thì đành bó tay.
Thầy giáo Vũ Đức Cảnh - giáo viên trường tiểu học Thúc Kháng, huyện Bình Giang (Hải Dương): “Hạ nhục giáo viên, con bạn học được gì?”
Là giáo viên, tôi rất buồn trước những vụ việc đau lòng xảy ra trong mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh. Thứ nhất: Hành động của cô giáo là sai so với quy định của ngành nói riêng và của pháp luật nói chung. Tôi không bênh cô giáo nhưng tôi có thể thông cảm với cô vì áp lực công việc. Bạn hạ nhục cô giáo trước mặt con bạn, con bạn sẽ học được những gì từ bạn? Trả lời câu hỏi này, tôi tin chắc các phụ huynh sẽ hiểu thày cô hơn.
PGS-TS Bùi Thị An - Đại biểu Qh khóa XIII – Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội “Người chịu tổn thương là con trẻ”
Các hành vi của trẻ có thể đúng hoặc sai, đưa ra hình phạt là cần thiết. Nhưng phạt thế nào để đủ răn đe, không ảnh hưởng đến việc học tập, tâm lý của trẻ, mà vẫn phù hợp với môi trường giáo dục thì nhà trường, giáo viên phải cân nhắc. Nếu hình phạt mình đưa ra khiến học sinh sợ đến mức không dám đi học thì hình phạt đó là chưa phù hợp. Để không ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, có rất nhiều phương pháp để kéo học sinh hứng thú hơn với học tập.
Nguyễn Thiêm (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.