Vua Trần Anh Tông mang 30.000 quân đánh vào đất Nguyên, kết quả ra sao?
Vua Trần Anh Tông mang 30.000 quân đánh vào đất Nguyên, kết quả ra sao?
A.T
Thứ tư, ngày 21/09/2022 15:44 PM (GMT+7)
Trong thế kỷ 13, nhà Trần đã 3 lần đánh bại đạo quân xâm lược Nguyên Mông. Tuy nhiên, ít ai biết là sang thế kỷ 14, vua Trần Anh Tông đã đánh sang đất Nguyên và bắt sống đến 2.000 tù binh mang về.
Dưới triều đại nhà Trần, quân Đại Việt đã 2 lần xuất kích đánh vào tận trong đất Trung Quốc. Lần đầu là năm 1241 dưới triều vua Trần Thái Tông khi nhà vua ngự giá thân chinh theo đường thủy tiến ra vùng biển Quảng Ninh rồi Bắc phạt. Sử chép: "Vua thân hành cầm quân đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình của nước Tống phía đường bộ, vượt qua châu Khâm, châu Liêm, tự xưng là Trai Lang, bỏ thuyền lớn ở trong cõi, chỉ đi bằng các thuyền nhỏ Kim Phụng, Nhật Quang, Nguyệt Quang. Người châu ấy không biết là vua, đều sợ hãi chạy trốn. Đến sau biết là vua mới chăng xích sắt giữa sông để chặn đường thủy. Khi trở về, vua sai nhổ lấy vài chục cái neo đem về".
Thời điểm đó, ta vào đất Tống nhưng là đánh loạn quân mà triều Tống không quản được nên nhà Tống đang lúc suy yếu cũng không dám có ý kiến gì. Còn đến lần sau vào năm 1313, khi ta cất quân đánh sang đất Nguyên thì đang trong lúc nhà Nguyên còn khá cường thịnh. Do vậy, tính chất cuộc chiến sau còn đáng ca ngợi nhiều hơn.
Nguyên nhân của sự kiện này cũng là do quan quân nhà Nguyên o ép. Tuy rằng dưới triều Nguyên Thành Tông, triều đình Nguyên chủ trương hòa hoãn với Đại Việt nhưng bọn quan lại ở biên ải lại không. Những năm 1311 - 1312, quan lại biên giới nhà Nguyên ở châu Quy Thuận đã năm lần sang cướp ở lộ Thái Nguyên, bắt 5.000 dân đưa sang Trung Quốc. Tri châu châu Dưỡng Lợi là Triệu Giác bắt những người buôn bán ở châu Tư Lang của nước ta, chiếm 1.000 khoảnh ruộng và lấy một lọ vàng.
Nếu ta tiếp tục để yên không có phản ứng thích đáng thì bọn quan lại bên biên giới nhà Nguyên sẽ càng phóng túng, được đằng chân, lân đằng đầu và tiếp tục lấn đất cướp dân. Còn nếu dùng sứ giả đi biện bạch thì ngày tháng dây dưa và vấn đề không giải quyết được thấu đáo. Trước việc quân Nguyên xâm chiếm biên giới, nhà Trần đã kiên quyết trừng trị bằng biện pháp quân sự. Thực sự đây không phải là nước cờ phiêu lưu mà được tính toán rất kỹ. Với những thông tin tình báo quan trọng, ta biết rằng triều Nguyên lúc đó có nhiều vấn đề phải lo nên không ngay lập tức dám động binh với Đại Việt. Tuy nhiên, việc tích trữ lương thảo, kho tàng ở biên giới để chờ thời điểm thuận tiện mới dấy binh cũng là mối nguy cho nước ta.
Cần nhớ là thời trước khi Hốt Tất Liệt qua đời đã kịp ra lệnh chuẩn bị đạo quân để xâm lượt Đại Việt lần thứ 4 với quy mô hơn 50 vạn người, 1.000 thuyền, 70 vạn khí giới, 35 vạn thạch lương, 2 vạn thạch thức ăn cho ngựa, 21 vạn cân muối và cả tiền lương cho quân lính (mỗi người 2 đĩnh tiền). Dù kế hoạch sau đó bị hủy bỏ nhưng chúng vẫn để lại kho tàng tích trữ đáng lo cho nước ta. Chính vì vậy, quân Trần khi đó kéo sang đánh Nguyên để thực hiện kế nhất tiễn hạ song điêu: một mặt trừng trị bọn quan quân nhà Nguyên và mặt khác phá hủy các cơ sở có thể là mối nguy cho Đại Việt trong tương lai gần.
Cũng cần lưu ý rằng đánh sang đất giặc để chủ động phòng chống chiến tranh cũng được Hưng Đạo Vương nhắc nhở với các vua Trần trước khi qua đời. Đại Việt sử ký toàn thư chép vào 1300, thời điểm Hưng Đạo Vương ốm, vua Trần Anh Tông có đến thăm. Vua hỏi rằng: "Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào". Vương trả lời: "Ngày xưa Triệu Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế "thanh dã", đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế.
Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản [binh] chế trường [trận] là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, cóđược đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".
Hưng Đạo Vương đã 2 lần nhắc vua Anh Tông việc quân Nam chủ động đánh vào đất Bắc để giữ bờ cõi. Cũng qua lời của Hưng Đạo Vương thì có thể thấy chủ trương quân sự nhà Trần là biến hóa, không chỉ biết ngồi chờ giặc đến rồi mới thực hiện kế vườn không nhà trống. Khi cơ hội thuận lợi thì sẵn sàng ra tay trước như Triệu Vũ Đế, Lý Thường Kiệt.
Tháng giêng năm Quý Sửu (tức đầu năm 1313) quân ta theo nhiều đường sang miền nam Trung Quốc. Từ biên giới tỉnh Hà Giang bây giờ, hơn 3 vạn quân ta, trong đó có hơn 3 nghìn quân kỵ, đánh sang châu Trấn Yên (thuộc Quảng Tây), đốt phá các kho tàng rồi về. Trên biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, quân ta chia làm 3 đạo tiến vào châu Quy Thuận (nay là huyện Tĩnh Tây, thuộc Quảng Tây). Khi vào đến Quy Thuận, quân nhà Trần không rút quân về mà tiếp tục đóng quân lại thăm dò phản ứng.
Triều đình Nguyên được tin, lo ngại, lệnh cho hành tỉnh Hồ Quảng phát binh đi đánh. Hành tỉnh Hồ Quảng là cơ quan chuyên tổ chức các đạo quân đi xâm lược Việt Nam trước đây. Nhưng lần này, mặc dầu có lệnh của triều đình, không thấy hành tỉnh Hồ Quảng có hành động gì. Từ đó có thể thấy bọn quan quân biên giới nhà Nguyên chỉ giỏi gây sự khi ta nhún nhường, còn khi đại quân ta sang thì không dám vọng động.
Tháng tư âm lịch. để trừng trị bọn lấn chiếm, vua Trần Anh Tông thân cầm quân đánh sang châu Dưỡng Lợi thuộc Quảng Tây, bắt hơn hai nghìn quân Nguyên đem về nước. Trước áp lực quân sự của Đại Việt, triều đình nhà Nguyên thực sự kinh sợ và phải chịu nói chuyện một cách nghiêm túc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.