Đón đầu làn sóng đầu tư
Cuối năm 2011, chị Phùng Thị Tám (xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội) tham gia lớp học may công nghiệp 3 tháng do Phòng LĐTBXH phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức tại xã. Chị cho biết: “Trước kia em đi làm thuê ở một số nơi, sau đó về nhà chủ yếu trồng rau màu. Thấy chị em trong xã phổ biến về lớp học nghề miễn phí, em đăng ký ngay. Kết thúc khóa học, em được Công ty Tân Phú Mỹ nhận vào làm với mức lương khởi điểm 2,5 – 3 triệu đồng/tháng”.
|
Học viên thực hành may công nghiệp tại Quỳnh Phụ, Thái Bình. |
Ông Đỗ Quang Trung – Phó phòng LĐTBXH huyện Ba Vì cho biết: Trước khi mở lớp may, phòng cũng đã tìm hiểu nhu cầu lao động trong khu vực và nhận thấy các doanh nghiệp ngành may xuất khẩu đang có xu hướng chuyển dịch về địa bàn huyện, trong đó riêng xã Tản Hồng, Vật Lại đang có 3-4 công ty. Vì vậy, huyện tập trung mở một số lớp đào tạo nghề may để đón đầu “làn sóng” đầu tư của ngành may và tạo việc làm cho lao động nữ.
Ông Trương Quang Lượng – Giám đốc Công ty sản xuất phân phối Tân Phú Mỹ, một trong những doanh nghiệp mạnh dạn mở công ty để nhận số lao động sau đào tạo vào làm việc với mức lương khởi điểm 2 – 2,5 triệu đồng/người/tháng- cho biết: “Khảo sát thấy nguồn lao động nữ ở đây khá lớn, đã được đào tạo nghề, tôi mạnh dạn mở công ty sản xuất các mặt hàng xuất khẩu”. Hiện công ty có 250 lao động, trong đó 60 chị em tham gia khóa học nghề ngắn hạn 3 tháng theo Đề án 1956.
Không phù hợp với tất cả
Cũng cuối năm 2011, huyện Văn Chấn (Yên Bái) tổ chức lớp học may cho hơn 40 học viên. Tuy nhiên, trên địa bàn chưa có doanh nghiệp may nên chỉ có một vài chị làm nhì nhằng ở gia đình. Gia đình chị Lò Thị Huệ có một cửa hàng may nhỏ ở thôn Nà Kè, xã Gia Hội, huyện Văn Chấn. Chị cho biết: “Trước tôi đã mở được cửa hàng may, giờ học thêm chút kỹ năng, may đẹp hơn, có thêm đồng ra đồng vào. Nhưng nhiều chị em khác, đã quên nghề rồi vì không có chỗ làm”.
Tương tự, hàng trăm lớp học may mở ra ở các huyện miền núi, chẳng hạn như ở huyện Yên Thế (Bắc Giang)- dù có liên kết với một số doanh nghiệp may ở Hà Nội để tạo việc làm sau đào tạo, nhưng số lao động đi làm, hoặc trụ lại với nghề không nhiều.
“Khi đào tạo, các trung tâm dạy nghề cần gắn với đầu ra là doanh nghiệp may trên địa bàn. Nếu không có thì không đào tạo”.
Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên
(Tổng cục Dạy nghề)
Với các lớp dạy nghề dệt may của các tỉnh vùng ven Hà Nội và TP.HCM thì bị đánh giá là “thừa” khi mà doanh nghiệp dệt may ở các khu công nghiệp luôn khát lao động và sẵn sàng nhận lao động chưa biết nghề để đào tạo, thậm chí còn trả cả lương thử việc trong quá trình làm nghề.
Thực tế này cũng đặt ra vấn đề, có nên hỗ trợ 100% kinh phí cho các lớp dạy nghề may, bởi với các doanh nghiệp ngành may, nếu không có nguồn lao động, thậm chí họ phải tự bỏ tiền ra đào tạo trong bối cảnh thiếu lao động. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền- Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, chia sẻ, theo xu hướng chung là khó tuyển lao động ở thành phố, May 10 đã xây dựng 3 nhà máy lớn ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Hưng Hà (Thái Bình), Thiệu Hóa (Thanh Hóa).
2 năm qua, doanh nghiệp này đã đào tạo cho gần 2.600 lao động may mặc theo Đề án 1956. “Đến nhà máy chỉ cần đăng ký học nghề thì lao động sẽ được hỗ trợ ngay tiền ăn ca, có sản phẩm thì sẽ có thu nhập; như vậy, khi doanh nghiệp tham gia đào tạo thì kinh phí Nhà nước chỉ hỗ trợ phần mở lớp”- bà Huyền chia sẻ.
Ngô Xuân - Lê An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.