Tâm sự người nghệ nhân già
Ông là Trần Duy Liễu (thôn Ngọc Tiên, xã Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình). Sinh ra trên vùng quê lúa, có lẽ từ thủa nhỏ khi vắt vẻo trên lưng trâu hay ngả lưng trên những triền đê mỗi chiều ngắm con sông Hồng mênh mông thả hồn theo tiếng sáo diều vi vu, ông Liễu đã có tâm hồn say mê âm nhạc. Cũng như bao đứa trẻ khác cùng thời, ông cũng khoét sáo, làm diều thả chơi trên đồng trong những buổi chăn trâu, cắt cỏ.
Ông Trần Duy Liễu đang chỉnh sửa đàn Nhị cho khách hàng
14 tuổi, sau những lần chen lấn ngồi bên cạnh ban nhạc chiếu chèo sân đình ở quê, ông Liễu bắt đầu tự mày mò chế tạo và tự học chơi đàn nhị, đàn hồ (to hơn nhị nhằm tạo âm bè trầm), dần dà ông xin học truyền tay với những tay đàn trong xã, trong huyện.
Sau khi nhuần nhuyễn, ông quay sang tập thổi sáo, kèn alto, chơi đàn guitar... rồi tham gia vào đội văn nghệ xã Vũ Tiến, phục vụ những buổi họp hành, cổ động trong những ngày đầu miền Bắc hừng hực khí thế bắt tay vào xây dựng Xã hội chủ nghĩa.
Nhưng không thể cứ đánh theo kiểu chỉ tập vài bài "tủ", phải biết chơi đa dạng hơn, nhiều bài hay hơn. Vấn đề nảy sinh là chẳng ai trong đội biết nhạc lý hiện đại Tây phương mà chủ yếu vẫn nhẩm nhạc theo ngũ cung cổ truyền: Thương, Giốc, Vũ, Chủy, Cung. Với vai trò đội trưởng, ông lặn lội lên thị xã Thái Bình, sang Nam Định tìm mua bằng được sách dạy nhạc dù rất hiếm vào thời điểm đó.
Năm 1957, ông dồn tiền, vay mượn thêm mua bằng được một chiếc đài bán dẫn Trung Quốc - một tài sản theo ông là quý hơn vàng khi đó bởi hiếm, đắt và đặc biệt là không có nguồn cung cấp pin để sử dụng. Kể từ khi có đài, hàng tuần cả đội lại tập trung tại sân nhà ông học nhạc lý, nghe hát dân ca... qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cuộc sống trai trẻ với máu nghệ sĩ đưa ông đến với những chuyến đi bè mảng, lênh đênh sông nước đưa vầu, luồng, nứa, gỗ... về xuôi. Những đêm nằm rừng, những lần giao lưu, gặp gỡ người dân tộc vùng cao đã giúp ông am hiểu tường tận về cách làm, cách sử dụng những loại nhạc cụ dân tộc đơn sơ nhưng có âm thanh vô cùng huyền diệu. Từ đó ông mày mò tìm hiểu, học cách chế tạo sáo nứa, sáo trúc, đàn, khèn... của bà con dân tộc và dắt lưng vốn kha khá kiến thức về những bộ môn này.
Lần hồi giở những cây nhị, cây sáo cổ có, kim có, đang làm dở hoặc đang sửa chữa, ông khoe một cây nhị Trung Quốc đã 200 năm tuổi và một đôi sáo cổ cũng đã có hơn 200 năm.
Ông cho biết đã có thâm niên hơn 30 năm làm sáo, nhị hoàn toàn theo phương pháp thủ công và kinh nghiệm. "Đã có rất nhiều người đến học cách làm, học cách chơi đàn nhị, đàn bầu, sáo trúc... nhưng chưa có mấy ai thành công, một phần bởi thanh niên bây giờ không còn quan tâm lắm đến cổ nhạc, phần vì họ thiếu kiên nhẫn nên khó luyện thành nghề. Rồi cũng chẳng mấy chốc mà mai một đi"- ông Liễu tâm sự.
Bí kíp "có một không hai"
Về bí quyết làm sáo, theo ông Liễu chủ yếu trên thị trường là sáo làm bằng nứa, nhưng tiếng âm tốt nhất, thánh thót và véo von nhất là sáo làm bằng cây trúc đá. Tuy nhiên sáo trúc khó làm hơn vì có nhiều đầu mặt do khoảng cách giữa các đầu mặt của trúc đá tương đối ngắn, không dài như nứa, ngoài ra trúc đá cũng dày hơn, thịt gỗ vừa có độ mềm vừa có độ dẻo. Trước khi làm phải chọn hạ những cây trúc già, thẳng, chặt bỏ cành, phơi nắng hàng năm.
Một bí quyết cực kỳ quan trọng trong qua trình khoét tạo sáo trúc là khoét 2 lỗ định âm phần cuối sáo. Theo ông Liễu, làm sáo phải biết thẩm thấu âm thanh thuộc hàng cao thủ, thấy cái nào hỏng thì vứt bỏ, không cố sửa chữa làm mất âm chuẩn của cây sáo.
Với đàn nhị, đàn hồ thì phức tạp hơn. Nhị bao gồm rọc nhị, bát nhị, tay vĩ và 2 suốt chốt dây. Rọc nhị thường được làm bằng gỗ tốt như táu, lim, độ dài tùy theo từ 80-90cm là đẹp. Bát nhị là chi tiết trọng yếu tạo âm, người chơi cầu kỳ phải "thửa" bằng gỗ cây bàng, thường dùng gỗ mít có đường kính nội tâm từ 7-7,5cm.
Một bí quyết không kém phần quan trọng là da bịt mặt nhị. Với kinh nghiệm làm đàn nhị, đàn Hồ hàng chục năm, ông Liễu cho rằng bịt mặt nhị bằng da trăn, da kỳ đà tạo nên âm thanh chuẩn và sử dụng bền nhất, tới cả chục năm, hiện do khan hiếm nên việc bọc nhị chủ yếu dùng da trâu thuộc hoặc da ếch. Sau khi bịt da lên bát nhị, dùng sơn ta hoặc keo gắn đều các góc tạo độ căng cho da. Dây đàn nhị thường làm bằng cước hoặc 2 dây của đàn guitar.
Khâu cuối cùng của phần làm đàn nhị, đàn hồ là làm vĩ kéo. Cần vĩ được làm bằng trúc hoặc gỗ tạo độ cong tùy theo. Trước đây dây vĩ được làm bằng lông đuôi ngựa se lại, nay thay thế bằng cước sợi nhỏ. Và một chất xúc tác không thể thiếu nhằm tạo ma sát giúp đàn nhị phát ra âm thanh đó là rắc bột nhựa thông lên dây vĩ, chính chất ma sát đặc biệt này giữ độ bền cho dây vĩ và tạo ra những âm thanh mê hoặc khi kéo vĩ.
"Nói là vậy nhưng để làm ra một cây Nhị phải mất 4 ngày với nhiều công đoạn. Hiện người đặt mua Nhị cũng giảm nhiều mà người làm ra cũng ngày càng hiếm. Tôi rất mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm mình có cho ai đó yêu nghề, nhưng khó hơn mò kim đáy bể"- ông Trần Duy Liễu nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.