Với người Việt Nam, mùa xuân thường kéo dài đến hết tháng giêng, với rất nhiều lễ hội dân gian. Ở đó, các phong tục, tập quán và văn hóa của người Việt được biểu hiện qua các hoạt động cộng đồng.
Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng và Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Người Việt thường nói: Chén trà là đầu câu chuyện, vậy câu chuyện đầu năm Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng chia sẻ cùng bạn đọc báo Dân Việt là gì?
- Tôi là người tập Thiền, nên năng lượng chánh niệm là năng lượng vô cùng quan trọng, giống như một chiếc đèn pha ô-tô dẫn đường trong bóng tối. Năng lượng đó giúp chúng ta luôn ý thức được điều mình nói, việc mình làm để không tổn thương người khác. Vì thế, mỗi buổi nói chuyện, tôi thường nói với mọi người về phương pháp chế tác chánh niệm khi thưởng trà. Làm thế nào có được sự bình an trong tâm hồn, đó là đích cuối cùng của con người, mà theo đạo Phật, hạnh phúc đích thực chính là an lạc trong thân và an lạc trong tâm.
Khi chúng ta có được thân, tâm an lạc thì hạnh phúc đích thực có mặt. Vì thế, tôi thường nói với mọi người làm thế nào để chế tác được sự an lạc trong tâm mặc dù cuộc sống ngoài kia vần vũ những bôn ba, sóng gió nhưng trong tâm chúng ta bao giờ cũng an lạc.
Nhiều năm nghiên cứu và quảng bá trà, anh có đánh giá như thế nào về vẻ đẹp của trà Việt?
-Trong giới làm trà, nhiều người còn mặc cảm trà Việt Nam không nổi tiếng như trà của Trung Quốc, Nhật Bản, thậm chí có những phủ nhận về nét đặc sắc riêng của trà Việt Nam, nhưng tôi tự hào về trà và những đặc sắc riêng của nó. Đó là lý do tôi có thể tự tin mang văn hóa trà đi khắp thế giới.
Khi đi ra nước ngoài truyền bá về trà, tôi trình bày bằng cả sự đam mê, với niềm tự hào dân tộc. Những buổi nói chuyện về trà có rất nhiều khách tham dự. Ngay cả những người làm trà nước ngoài cũng bị thu phục bởi trà đạo của Việt Nam. Bằng chứng, năm 2016 Việt Nam tham gia festival trà quốc tế tổ chức ở Krakov - Ba Lan, tôi được ngành trà Việt Nam mời sang nói chuyện 3 buổi. Mỗi buổi nói chuyện, tôi chỉ truyền đạt được khoảng 60% thông điệp muốn truyền tải vì khả năng ngôn ngữ có hạn, nhưng bản thân những người làm trà Việt Nam và quốc tế đã bị mê hoặc. Điều đặc biệt, có rất nhiều người làm trà trên thế giới đến dự, thậm chí có tới 60 - 70% người dự cả 3 buổi nói chuyện.
Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng biểu diễn trà đạo trước Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình
Ngay tại Hà Nội, Hiên trà Thường Xuân năm nào cũng tiếp những đoàn Trà Sư của Nhật Bản sang giao lưu. Nếu như trà Việt Nam không có điểm hấp dẫn thì chắc họ chỉ đến giao lưu 1 lần, chứ không thể quay lại nhiều lần. Hàng tuần, Hiên trà đều có 3 đến 4 buổi nói chuyện với khách đến thưởng trà của châu Âu, châu Mỹ. Điều đặc biệt là kể từ khi tôi gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh để tu tập Thiền và có những giác ngộ về đạo Phật, thì cái nhìn của tôi về trà cũng khác.
Những buổi nói chuyện trà với khách nước ngoài, tôi không chỉ giới thiệu với họ về nghệ thuật uống trà Việt Nam mà còn hướng dẫn họ những phương pháp chế tác chánh niệm, chế tác hạnh phúc an lạc qua việc uống trà, chia sẻ với họ về nghệ thuật thiết lập tình thân, hóa giải hận thù bằng cách uống trà. Khách phương Tây họ rất mê, nhiều người bất ngờ khi khi thấy trà Việt Nam tuyệt vời như thế.
Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng bắt tay Nhật Hoàng trong tiệc trà do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đãi.
Từ việc uống trà giúp tâm mình tĩnh, hiểu mình, hiểu người hơn, giúp cho tình thân được bền chặt. Đó cũng là lý do năm 2017 lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước thay vì tiếp khách quốc tế bằng yến tiệc đã tổ chức tiệc trà. Năm 2017 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Nhật Hoàng và Hoàng hậu hay tiếp Chủ tịch nước CHND Trung hoa - Tập Cận Bình, thì tôi vinh dự được dâng trà trong buổi tiệc đó.
Khi dâng trà mời những vị nguyên thủ quốc gia, tôi không chỉ dâng mời họ hương sắc, vị đượm của trà Việt, mà còn dâng lên họ cả năng lượng của sự an lạc, hạnh phúc. Chính vì thế, những buổi thưởng trà giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với các vị khách quý là những tiệc trà ấn tượng, ấm cúng, thân tình. Tôi nghĩ chỉ có trà mới mang lại cảm giác hồn hậu, an lạc.
Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng dâng trà tại tiệc chiêu đãi giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình
Theo tôi, muốn phát triển trà Việt Nam thì không chỉ quan tâm đến sản xuất nhiều loại trà đặc sản, điều rốt ráo nhất hiện nay là làm thế nào để truyền bá được văn hóa trà, bởi trà Việt là một sản phẩm đặc biệt, là sự kết tinh cả vật chất và tinh thần. Nếu chúng ta chỉ chú ý vào vật chất nghĩa là chỉ chú ý làm sao sản xuất trà ngon mà không quan tâm đến quảng bá văn hóa thì khó có được thị trường trà Việt rực rỡ như Nhật Bản hay Trung Hoa.
Mục tiêu của anh năm 2018 trong việc quảng bá văn hóa trà Việt Nam là gì?
-Có rất nhiều dự định và tôi vẫn phải tiếp tục làm sao truyền bá vẻ đẹp của văn hóa trà Việt Nam đến mọi người, nhưng sẽ là một năm hướng đến lớp trẻ. Bên cạnh việc giúp cho lớp trẻ yêu trà Việt Nam, qua đó bảo tồn văn hóa trà truyền thống, còn hướng dẫn cho lớp trẻ giúp tâm mình an lạc.
Thực trạng lớp trẻ bây giờ rơi vào stress quá nhiều, nhiều gia đình mối quan hệ giữa cha, mẹ, con cái rất lỏng lẻo, thậm chí có những gia đình bố mẹ gần như không thể đối thoại được cùng con cái. Vì thế, tôi muốn qua việc uống trà giúp các bạn trẻ có được phương pháp tĩnh, giải tỏa stress, thiết lập truyền thông với gia đình. Để làm tốt việc này, tôi hướng đến các trường đại học và các trường phổ thông trung học, mở đầu là chương trình dành cho toàn thể giao viên, phụ huynh và học sinh tại Trường Alpha.
Không chỉ truyền bá trà đạo của Việt Nam, anh còn là một nhà báo với rất nhiều cuốn sách "dậy sóng dư luận". Nhiều người nhờ đọc sách mà họ đã “ngộ” ra, dừng lại nghiệp xấu, tạo phước báu để chuyển từ nghiệp xấu thành nghiệp thiện. Có người chìm trong khổ đau nhưng nhờ đọc “hạnh phúc đích thực”, cuộc trò chuyện của anh với Thiền sư Thích Nhất Hạnh mà họ tìm cho mình những hóa giải khỏi khổ đau.
- Cái lớn nhất của người làm báo viết văn không phải chỉ là được bạn đọc đón nhận mà điều quan trọng hơn, đó là những tác phẩm ấy đã nuôi dưỡng, làm thay đổi cuộc đời của nhiều người. Năm 2018, tôi tiếp tục ra mắt tập 3 và 4 của loạt phóng sự về Nhân quả mà năm 2017 đã phát hành tập 1 và 2 mang tên “Phật pháp nhiệm màu”.
Bât kỳ một tác phẩm nào, không riêng của tôi khi xuất bản, chắc chắn có những dư luận trái chiều, nên chuyện phản đối của mọi người thì mình đón nhận, lắng nghe, nếu đúng mình tiếp thu. Ví dụ có một độc giả lớn tuổi nói: “Sướng ơi!, cô rất muốn cho con gái cô đọc cuốn sách về nhân quả, nhưng có nhiều đoạn mô tả chuyện trai gái kỹ quá, cô không dám... nếu có thể được thì nên lược bớt”. Đó là ý kiến hay, chính vì thế mà tập 2 tôi đã có điều chỉnh lược bớt. Mặc dù xét về góc độ nghiệp vụ báo chí thì những chi tiết đó không phải xấu. Cũng có người khi đọc tít cuốn sách nghĩ rằng “Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu” thì nó như một cuốn kinh sách về Phật, chứ họ không hiểu rằng đây là một tập phóng sự xã hội được viết lại những câu chuyện có thật ở cuộc đời này và được quán chiếu từ gốc độ nhân quả của đạo Phật.
Là người học thiền thì mỗi việc mình nói, mỗi hành động mình làm đều phải cân nhắc xem có đúng không, có thiện không, có tốt cho mọi người không... và bản thân tôi tin những điều tôi viết. Trước khi thành sách nó đã là những bài báo được đăng tải trên báo Tuổi trẻ và Đời sống. Khi đăng trên báo thì đó là cách tốt nhất để kiểm chứng thái độ của bạn đọc đón nhận thế nào. Khi chia sẻ với những ý kiến của độc giả nhận định cuốn sách có những đoạn “tục tĩu, dâm ô” cần phải hủy. Nếu đúng như vậy thì khi đăng báo bạn đọc đã tẩy chay rồi. Và thậm chí có những đồng nghiệp báo chí chứng kiến có những buổi ra mắt sách mà có độc giả đã phô-tô loạt bài in thành 300-400 cuốn để tặng mọi người, khi họp báo họ mang đến tặng tôi thì tôi thấy đấy chính là trả lời cho nội dung tác phẩm của mình.
4 cuốn sách là những vấn đề lớn được anh tổng hợp và sâu chuỗi từ những trải nghiệm?
- Mỗi tập đi sâu vào một vấn đề. Ở Tập 1, đi sâu vào nghiệp báo sát sinh, nạo phá thai. Tập 2 là một vệt những bài viết liên quan đến nghiệp báo về phá đình, chùa, mồ mả. Tập 3 đi sâu vào vấn đề mồ mả nhiều hơn, bởi ở Việt Nam, đời sống tâm linh rất quan trọng, bởi văn hóa tâm linh có từ ngàn đời và ăn sâu vào tâm thức người Việt. Không phải ngẫu nhiên ông bà ta xưa có câu: “sống là nhờ vào mồ mả, chứ không ai sống nhờ vào bát cơm”, thế nhưng vấn đề mình ứng xử với tổ tiên đã khuất như thế nào, không phải ai cũng biết và cũng không phải ai cũng có hành xử đúng.
Tôi nghĩ bổn phận của người cầm bút và là một Phật tử thì phải giúp cho mọi người có cái nhìn đúng và hành xử đúng. Vì thế, Nhân quả tập 3 xoay quanh chủ đề về mồ mả và từ chuyện mồ mả hướng cho mọi người có thái độ đúng với việc ứng xử với cái chết. Tập 4 là những bài viết xoay quanh vấn đề chuyển nghiệp của rất nhiều những tạng nghiệp khác nhau. Nhờ chánh pháp đã chuyển nghiệp cho họ, khi họ may mắn tìm đến đạo Phật. Ở đây, tôi muốn nhận mạnh: nếu trong cuộc đời, không may bạn tạo nghiệp xấu thì hãy sớm tỉnh thức, dừng lại để tu tâm, tích đức, chuyển nghiệp cho cuộc đời đẹp đẽ.
20 năm nghiên cứu về tâm linh và là nhà báo, tôi đề cao thực chứng - đó là những trải nghiệm khi đi tìm hài cốt cùng các nhà tâm linh hàng đầu Việt Nam, các Thượng tọa, Hòa thượng, Pháp sư... có những vấn đề trong kinh kệ chúng ta cũng cần phải xem lại, bởi qua trải nghiệm, tôi thấy không hẳn như thế. Thậm chí tôi gặp gỡ những vị chân tu cả một đời ép xác hành đạo với mong muốn giải thoát mà không được. Nói như vậy không phải để “dọa” mọi người, nhưng tu rất khó và nếu như kiếp sống này mình còn tham sân si, sân hận, ham muốn... thì khi chết đi có 2 tiếng đồng hồ mời các nhà sư đến cúng thì làm sao có thể siêu thoát dễ dàng được.
Tôi cũng đang hoàn thành cuốn sách về thực dưỡng, bởi những năm gần đây, phương pháp thực dưỡng Ohsawa được nhiều người quan tâm. Cuốn sách của tôi là những trải nghiệm được thu thập từ những cuộc gặp gỡ trao đổi với rất nhiều những người bị mắc bệnh nan y như ung thư, xơ gan cổ chướng... những bệnh nhân “vô phương cứu chữa”, mặc dù có những người bản thân hoặc gia đình họ là những bác sĩ đầu ngành, nổi tiếng của Việt Nam và cũng nhiều người đã ra nước ngoài chữa trị bằng nhiều phương pháp, nhưng vô vọng. Họ tìm đến phương pháp thực dưỡng như cứu cánh cuối cùng và thành công.
Cuộc sống này thật đáng sợ nếu chúng ta có sức khỏe, có tiền bạc, công danh nhưng chúng ta không có tình yêu thương! Chỉ khi có tình yêu thương ta mới biết hiến tặng tình yêu thương cho mọi người.Tôi mong mọi người có một năm dồi dào sức khỏe, thân tâm an lạc, hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.