Người Việt xưa quan niệm về tục đi Lễ đầu xuân là việc hệ trọng, nó liên quan đến cả năm trong đời sống của bản thân và gia đình. Từ ngày xưa, người Việt nói chung và người theo đạo Phật nói riêng thường rất hồ hởi, phấn chấn khi xuất hành ngày đầu Xuân bằng việc đi Lễ chùa, cầu sức khỏe, bình an cho gia đình trong một năm mới.
Đi Lễ đầu Xuân là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Ảnh Internet
Đi Lễ đầu năm vốn là nét đẹp văn hóa của người Việt
Ngày nay, việc đi Lễ đầu năm chẳng còn giữ được nét đẹp cổ xưa, có chăng còn lại rất ít mà hầu hết đã bị "thương mại hóa", làm mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn có của việc đi Lễ đầu xuân, vãn cảnh chùa, hay du xuân. Nhà nghiên cứu Dân tộc nhạc học Dương Đình Minh Sơn cho biết: “Trước kia, người đến chùa, đi Lễ, đặc biệt nữ giới thì thể hiện được bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc bằng những bộ trang phục như: áo tứ thân, tay cầm chiếc nón quai thao, chân đi guốc mộc; với nam giới, các anh khóa và thanh niên thì vận bộ đồ trắng, chân đi guốc, các cụ già thì mặc áo kép: trong áo trắng ngoài áo lương màu xanh lam, quần trắng tay kẹp ô, chân đi guốc. Đó là tâm thức trong việc khởi đầu về văn hóa của người Kinh trong những dịp đi Lễ đầu xuân năm mới của dân tộc.
Người ta tìm về các địa điểm như: đền miếu, chốn linh thiêng của làng xã, vùng, miền... Ngôi đền không lớn, nhưng đủ uy nghi chốn linh thiêng, quanh đền với những cây cổ thụ cao to như tại: Phủ Dầy ở Nam Định, đền bà Chúa Kho ở Bắc Ninh... Tại thềm bái, trước bàn thờ thánh, mọi người xếp hàng nghiêm ngắn, lòng thành hướng đến cõi linh, hai bàn tay úp lại, riêng nam giới các ngón đan chéo với nhau và lạy bốn lạy, vái bốn vái, rồi dâng câu khấn cúng riêng của từng người, đến cuối câu thì bằng âm “xít” cho hơi hít vào - tức là đưa tâm linh vào hướng nội. Giờ phút ấy, tâm hồn ai nấy đều thoát tục thăng hoa, hòa nhập với cõi linh, nơi cao minh của thượng giới.
Đi Lễ đầu năm đang ngày một trở nên xô bồ dòng người chen chúc đổ về đền Bà Chúa Kho để "vay tiền" hoặc "xin lộc". (Ảnh Internet)
Từ quá khứ nhìn về hiện tại thì thấy thực trạng của việc xuất hành đi Lễ đầu năm hiện nay đang trở lên xô bồ. Người ta chen lấn, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp lên nhau để tranh phần đứng Lễ. Đi Lễ không mang một tâm thức tâm linh linh thiêng mà chỉ nghĩ đến việc mưu cầu đạt được thành tựu cho riêng mình bằng cái tâm "sân si". Thậm chí, có người "sân hận" thì việc đi Lễ đầu năm đâu còn mang ý nghĩa và nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt, nhất là phần trang phục không được chú ý nghiêm trang. Theo như nhà nghiên cứu Dương Đình Minh Sơn “nữ giới mà không đóng bộ áo dài thì còn ý nghĩa gì trong việc đi Lễ đầu xuân nữa – đấy là nói về người khá giả, còn người túng thiếu thì cũng không được mặc quần đùi để vào chốn linh thiêng, nơi chùa chiền, đền, miếu. Trang phục chỉnh tề sẽ tạo cho con người nghiêm trang, đứng đắn hơn”.
Xin chữ - nét đẹp văn hóa truyền thống ngày đầu Xuân.
Những điều cần biết khi đi lễ
Người xưa quan niệm “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, vì thế việc kiêng kị không thể xem nhẹ trong ngày đầu xuân. Theo sử sách lưu truyền thì có hàng mấy chục điều kiêng kị mà nhân dân đã và đang thực hiện, còn theo nhà nghiên cứu Dương Đình Minh Sơn: “Nói về ý nghĩa của việc kiêng xuất hành ngày lẻ đặc biệt là các ngày thuộc hằng số 5.
Tục đi Lễ đầu xuân mang yếu tố tâm linh trong tâm thức người Việt, nhưng hiện tại lại biến chuyển và theo xu thế văn hóa dân gian. Quan niệm đó đã làm lu mờ bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc. Nhiều người coi thường chuyện đi lễ, dẫn đến sự xô bồ, thiếu tôn trọng thần linh. Những người quan tâm đến nền văn hóa cổ truyền của dân tộc thấy đau lòng vô hạn! - Nhà nghiên cứu Dương Đình Minh Sơn. |
Tục truyền có câu: Mùng 5 - 14 - 23 đi chơi cũng lỗ huống là đi buôn. Đó là kiêng văn hóa hằng số lẻ, đặc biệt là hằng số 5, vì trong các ngày ấy khi cộng lại đều thuộc hằng số 5 như mùng 5 là số kiêng, còn ngày 14 thì 1+4 = 5 và 23 thì 2+3 = 5; hoặc chớ đi ngày 7 cớ về ngày 3 đi chơi cũng lỗ huống là đi buôn thì 7+3=10 là 2 con số 5. Vì dân tộc ta là theo văn hóa hằng số chẵn 2-4-8 như đôi rồng, hoặc tứ linh, tứ bình, tứ quý và 8 vật trưng bày ở đền thờ quan Võ. Nói như thế để thấy, người xưa chơi chữ quả là tài tình”.
Phong tục, tập quán là bản sắc văn hóa cổ truyền - bộ mặt của một dân tộc. Chỉ cần nhìn vào bản sắc văn hóa sẽ cho đối phương biết ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Nếu phong tục tập quán bị thay đổi - bản sắc văn hóa không còn thì dân tộc đó coi như đã biến mất. Vậy, ngày nay, phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam đang bị thay đổi quá nhiều. Đơn cử như tục vái lạy. Nếu chỉ chắp tay cúi lạy 3 hoặc 5 lạy thì đó là văn hóa của nhà Phật; hay như việc đi dự Lễ hội đầu xuân mà trang phục không nghiêm ngắn là điều tối kỵ và đó là theo quan niệm văn hóa dân gian.
Châu thổ sông Hồng nơi địa linh - nhân kiệt, và Lễ hội đầu xuân hàng năm đã xuất hiện, khởi đầu là dòng Lễ hội Vòng đời, nay gọi là Lễ hội Múa Mo (kiêng tên húy) mà theo Nhà nghiên cứu Dương Đình Minh Sơn gọi là Lễ hội Nõ Nường. Dòng Lễ hội Vòng đời ấy, được vua Hùng cho ghi làm hoa văn trên Thần Đồng Ngọc Lũ. Qua cuộc Lễ hội Vòng đời đầu xuân ấy, với trang phục ngày hội và vận hành vòng tròn ngược chiều quay của kim đồng hồ, điều đó thể hiện cả dân tộc hướng theo cánh chim Lạc bay, tức là hướng theo chủ ý của vua Hùng đang trị vì nhà nước Văn Lang. Là người nghiên cứu về văn hóa cổ truyền của dân tộc, chúng tôi ao ước bản sắc văn hóa của dân ta được hướng theo những di sản mà Tổ tiên của chúng ta từng tạo dựng và ghi lại trên Thần Đồng Ngọc Lũ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.