Nghệ nhân và giới sưu tầm mong mỏi có một bảo tàng gốm Bình Dương
Trần Khánh
Thứ hai, ngày 28/11/2022 11:00 AM (GMT+7)
Việc hình thành bảo tàng gốm Bình Dương là mong muốn chung của các nhà quản lý cũng như những người đã gắn bó với nghề gốm truyền thống, nhằm lưu giữ và bảo tồn những giá trị quý giá của ngành gốm sứ.
Tại triển lãm gốm Nam bộ đang tổ chức ở TP.Thuận An, Bình Dương (từ 23-29/11), niềm mong mỏi có một bảo tàng gốm Bình Dương càng trở nên cháy bỏng.
Nghề gốm Bình Dương
Ông Lý Ngọc Bạch - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương kể, từ thế kỷ thứ 19, cộng đồng người Hoa di dân đến Bình Dương ngày một đông. Họ mang nghề làm gốm đến đây từ vùng Cù Lao phố (Biên Hòa) và Bến Nghé (Gia Định).
Gốm sứ Bình Dương hiện nay tập trung chủ yếu ở các vùng Thuận An, Tân Uyên và Thủ Dầu Một. Đây cũng là nơi đã hình thành nên 3 làng gốm truyền thống nổi tiếng cả nước, đó là làng gốm Lái Thiêu, Tân Phước Khánh và Chánh Nghĩa.
Bình Dương được xem là cái nôi của nghề làm gốm ở Nam bộ. Trước đây, gốm xứ Bình Dương được người dân ở Nam Bộ yêu quý vì nó phục vụ đắc lực cho cuộc sống sinh hoạt. Và gốm xứ Bình Dương cũng đẹp một cách trọn vẹn ở cả hình dáng, chất lượng và màu sắc hoa văn.
Lớp thợ gốm sứ Bình Dương hôm nay vẫn cần mẫn biến đất thành vàng, biến bùn thành báu vật. Tháng 3/2021, nghề gốm Bình Dương được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tuy nhiên Bình Dương vẫn chưa có nơi đủ lớn để lưu giữ và bảo tồn những giá trị quý giá của ngành gốm sứ. Việc hình thành 1 bảo tàng gốm là mong muốn chung của các nhà quản lý cũng như những người đã gắn bó với ngành nghề truyền thống lâu đời này, ông Bạch chia sẻ.
Tại triển lãm gốm Nam bộ đang tổ chức ở TP.Thuận An, Bình Dương (từ 23-29/11), hơn 450 hiện vật của 67 nhà sưu tập tư nhân đến từ các tỉnh, thành được đưa về trưng bày. Đó là những sản phẩm gốm đặc sắc của vùng đất Lái Thiêu xưa, TP.Thuận An ngày nay nói riêng và của cả miền Đông Nam bộ nói chung.
Ông Đinh Công Tường, nhà sưu tầm gốm sứ nổi tiếng đến từ TP.HCM cho biết, những hiện vật được trưng bày lần này góp phần quảng bá nghề gốm truyền thống ở TP.Thuận An đến với công chúng yêu gốm gần xa.
Triển lãm lần này đã phần nào phục vụ nhu cầu khu thưởng lãm của công chúng. "Là nhà sưu tầm, bản thân tôi rất mong muốn có một nhà bảo tàng để lưu giữ tốt hơn những giá trị truyền thống quý báu của cả một vùng đất", ông Tường nói.
Theo bà Văn Thị Thùy Trang, Phòng Quản lý du lịch và gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Bình Dương), trong giai đoạn hiện nay, việc bảo tồn nghề gốm ở Bình Dương đang gặp thách thức giữa việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế. Vì thế, Bình Dương cần có những chính sách ưu tiên và giải pháp mạnh để phát huy tốt nhất giá trị di sản văn hóa phi vật thể này.
Bà Trang cho rằng, tỉnh cần chú trọng đẩy mạnh việc sưu tầm tư liệu, hiện vật liên quan nghề gốm Bình Dương xưa và nay. Việc tiếp theo là hướng đến đầu tư xây dựng bảo tàng chuyên đề: Nghề gốm Bình Dương.
Hiện nay Bảo tàng Bình Dương đang lưu giữ một số lượng lớn đồ gốm thủ công truyền thống, khoảng 1.800 hiện vật. Không gian trưng bày khá nhỏ nên việc trưng bày rất phần hạn chế.
Chính vì thế, để phát huy nghề gốm truyền thống có hiệu quả cần xây dựng một bảo tàng chuyên đề về gốm sứ Bình Dương.
"Việc hình thành bảo tàng gốm sẽ là một bức tranh tổng thể về lịch sử cũng như những giá trị quý báu mà nghề gốm mang lại trong tiến trình phát triển vùng đất và con người Bình Dương", bà Trang chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.