Nghệ nhân Ưu tú Ksor H’nao, người Gia Rai ở làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku, Gia Lai là một trong những nghệ nhân nổi tiếng về tạc tượng gỗ ở Tây Nguyên. Hầu hết những bức tượng điêu khắc gỗ Tây Nguyên được trưng bày ở Làng Văn hoá Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) đều do một tay ông làm ra.
Niềm đam mê đối với điêu khắc có từ những ngày ông còn nhỏ. Bất cứ khúc gỗ nào với đủ hình dáng, kích thước đều được ông tận dụng để đẽo, tạc theo những sở thích riêng. “Nhà không ai theo nghề tạc tượng nhưng mình nhìn thấy thích quá nên vẫn đi theo người già, nghệ nhân trong làng để học. Cái hay nhất ở tạc tượng gỗ là có qua tượng gỗ có thể hình dung đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như nội tâm của người chế tác tượng gửi gắm trong linh hồn của tượng” – ông Ksor H’nao chia sẻ.
Ngoài điêu khắc, Nghệ nhân Ưu tú Ksor H’nao (trái) còn rất am hiểu các phong tục của dân tộc Gia Rai. ảnh: S.N
Tượng gỗ dân gian là phải có hồn, người nghệ nhân phải biết thổi hồn vào bức tượng khiến cho những bức tượng đơn sơ, hoang dã bỗng trở nên sống động, thấm đẫm linh hồn. Những nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm chỉ cần nhìn qua vân gỗ, thớ gỗ, lựa sắc độ đậm nhạt của lõi gỗ để tạo ra bộ mặt nám sạm đầy nắng gió của nhân vật. Tinh tế hơn nữa là dùng sắc độ của cây gỗ để tạo mảng miếng đậm nhạt trên tác phẩm.
Hầu hết các bức tượng do ông điêu khắc đều gắn với những hình ảnh sinh hoạt đời thường: Phụ nữ giã gạo, dệt vải, đàn ông săn bắn, cả gia đình đi rẫy, già làng, chơi nhạc cụ, uống rượu cần… Mỗi bức tượng đều là tâm huyết của Ksor H’nao. Năm 2015, ông đoạt giải Nhất với tác phẩm “Mẹ ôm con” tại Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên tổ chức tại TP.Buôn Ma Thuột.
Cùng với thời gian, biến đổi trong đời sống, ai cũng muốn làm kinh tế nên việc tạc tượng ít dần. Ksor H’nao cũng giống như nhiều nghệ nhân khác luôn trăn trở muốn truyền lại những kinh nghiệm quý báu của mình cho con cháu. “Ngày xưa còn có nhiều không gian để thể hiện điêu khắc như dựng nhà mồ, làm nhà rông.
Lớp trẻ nhìn người già làm mà tự thấy yêu thích, quan tâm. Giờ mình phải chủ động tìm người để dạy lại, truyền lại những nét văn hoá của dân tộc mình, chứ không là mai một hết” – Nghệ nhân Ksor H’nao chia sẻ. Anh Kpuih Quách (làng Le 2, xã Ialang, huyện Đức Cơ), một trong những học viên được học lớp tạc tượng do Nghệ nhân Ksor H’nao dạy cho hay: Dù lần đầu cầm rìu, búa với từng nhát đục đẽo ngỡ ngàng, lúng túng và vụng về lắm nhưng qua chỉ dạy tận tình của thầy, mình thấy tự tin, càng học càng bị cuốn hút, say sưa với điêu khắc gỗ./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.