Niềm tự hào của buôn làng
Được nghe Rơ Chăm Tih chơi đàn T’rưng với các học trò của mình, với những âm thanh thánh thót phát ra từ các nhạc cụ cùng với vẻ mặt say mê, đầy hứng khởi của người diễn, người nghe cảm nhận như được đắm chìm trong không khí đậm chất Tây Nguyên. Kết thúc bài nhạc, Nghệ nhân Ưu tú Rơ Chăm Tih chia sẻ: “Tình yêu đối với âm nhạc, văn hoá của người Gia Rai đã ngấm vào mình từ khi rất nhỏ. Mẹ mình kể rằng, từ khi chưa biết đi đã được mẹ địu trên lưng để tham gia các lễ hội của làng. Mẹ múa cồng chiêng, mình cũng nhịp theo trên lưng mẹ. Đến lúc lẫm chẫm biết đi, được người lớn cho một chiếc chiêng nhỏ. Khi bị lấy đi, mình khóc rồi bỏ ăn, bỏ ngủ đến độ người lớn phải trả lại”.
Nghệ nhân Rơ Chăm Tih (đầu tiên bên phải) trình diễn nhạc cụ Gia Rai với các học trò. Ảnh: L.S
Ngày xưa, mình muốn học cách chơi và chế tác nhạc cụ, phải tự tìm đến các nghệ nhân, tự quan sát, tìm tòi... Nhưng bây giờ chỉ cần em nào yêu thích, đến với mình, mình sẵn sàng chỉ lại hết kinh nghiệm”.
Nghệ nhân Ưu tú Rơ Chăm Tih
|
Ngày nhỏ Tih cũng nghịch ngợm, hiếu động nhưng kiểu nghịch của anh khác hẳn so với bạn bè. Anh suốt ngày lân la gần người già trong làng để xem chế tác nhạc cụ và ngồi hàng giờ để nghe các cụ già kể khan, cùng học làm nhạc cụ. Đến năm 12 tuổi, anh đã có thể chơi và chế tác được một số nhạc cụ đơn giản. Năm đó anh cũng giành được Huy chương Vàng cho đoàn Gia Lai tại liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc diễn ra ở Huế.
Đến năm 24 tuổi, anh đã có thể chơi thành thạo và chế tác được hầu hết các nhạc cụ của người Gia Rai. Tên tuổi của Rơ Chăm Tih càng được biết đến khi anh tham gia nhiều cuộc thi và hoạt động biểu diễn trong và ngoài nước. “Đi trình diễn cùng các dân tộc khác ở trong và ngoài nước, mới thấy họ yêu thích và trân trọng văn hoá của dân tộc mình như thế nào. Mình là người Gia Rai, mình càng phải giữ lấy cái vốn quý của dân tộc mình chứ” - Tih nói.
Khơi dậy niềm đam mê
Từ tình yêu với nhạc cụ dân tộc, anh Rơ Chăm Tih mở lớp để dạy thanh niên trong làng cách chế tạo và sử dụng nhạc cụ dân tộc, vừa để bán, vừa quảng bá văn hoá của dân tộc mình.
Ban đầu nghe Tih nói, nhiều người không tin, cho rằng mấy cái nhạc cụ bằng tre này làm sao bán được. Nhưng dần dà họ thấy sản phẩm làm ra có người mua nên bắt đầu tham gia cùng anh chế tạo nhạc cụ, thậm chí cả thanh niên làng khác cũng chung tay góp sức. Về sau, Tih mạnh dạn thành lập hợp tác xã sản xuất nhạc cụ truyền thống để đưa sản phẩm đến với nhiều người hơn.
Anh Ksor Thơm, làng Chuét 1, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku là 1 trong 2 người theo học thầy Rơ Chăm Tih đã thành nghề, hiện đang liên kết với thầy mở xưởng của riêng mình, chia sẻ: “Mới đầu mình vì yêu thích nên muốn học cho biết thôi. Nhưng càng tìm hiểu càng mê. Thích học nhạc cụ nào, thầy chỉ cho nhạc cụ đó. Đến lúc thành nghề rồi, vì đam mê nên mình liên kết với thầy để mở xưởng làm nhạc cụ tại nhà. Sản phẩm tiêu thụ không ổn định do tuỳ vào đặt hàng của khách, nhưng làm đều đều vẫn có thu nhập” – Ksor Thơm chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.