Nghệ nhân vừa được Hàn Quốc trao danh hiệu Nghệ nhân Âm nhạc Cung đình: "Tôi từng ngỡ ngàng khi được Nhật hoàng bắt tay"
Nghệ nhân vừa được Hàn Quốc trao danh hiệu Nghệ nhân Âm nhạc Cung đình: "Tôi từng ngỡ ngàng khi được Nhật hoàng bắt tay"
Ngọc Hoàng - Trang Anh - Phương Anh
Thứ năm, ngày 20/06/2024 15:39 PM (GMT+7)
NSND Bạch Hạc là một trong hai nghệ sĩ của Việt Nam được Liên hiệp Nghệ nhân Văn hóa Hàn Quốc trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Âm nhạc Cung đình”. Bà đã có những trải lòng với Dân Việt về niềm vui sau 40 năm miệt mài cống hiến cho nghề.
Vinh danh Nghệ nhân Âm nhạc Cung đình (Gugak Masters Designation) là một dự án của Liên hiệp Nghệ nhân Văn hóa Hàn Quốc. Ban cố vấn quốc tế bao gồm các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực di sản văn hóa đến từ Úc, Bulgaria, Canada, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Hàn Quốc, Kyrgyzstan, Na Uy, Uzbekistan và Việt Nam. Với mong muốn nâng cao vị thế của các nghệ sĩ có nhiều đóng góp đáng kể cho âm nhạc truyền thống và nghề thủ công ở cấp quốc gia và quốc tế, tổ chức đã lựa chọn ra 6 cái tên nghệ sĩ châu Á để trao danh hiệu "Nghệ nhân Âm nhạc Cung đình".
Các tiêu chí lựa chọn nhấn mạnh sự xuất sắc về kỹ năng và khả năng làm chủ, sự sáng tạo và đổi mới cũng như sự cống hiến cho giáo dục và cố vấn. Các Nghệ nhân Âm nhạc Cung đình được chọn sẽ hợp tác với các Nghệ nhân văn hóa để quảng bá và phát triển đổi mới di sản phi vật thể của làng văn hóa toàn cầu. Đến nay, có 2 nhân Việt Nam được vinh danh là Phan Thị Bạch Hạc và Huỳnh Đức Tiễn.
NSND Phan Thị Bạch Hạc là một trong hai nghệ sĩ được Liên hiệp Nghệ nhân Văn hóa Hàn Quốc trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Âm nhạc Cung đình”. Ảnh chụp màn hình.
PV Dân Việt đã có cơ hội trở về thành phố Huế cổ kính để gặp gỡ nghệ nhân Phan Thị Bạch Hạc và nghe bà chia sẻ chuyện đời – chuyện nghề.
Bà nói gì về danh hiệu "Nghệ nhân Âm nhạc Cung đình" mà Liên hiệp Nghệ nhân Văn hóa Hàn Quốc trao tặng cho bà sau 40 năm gắn bó với nghề?
- Tôi gắn bó với nghề nghệ thuật Tuồng và ca múa hát Cung đình đến nay cũng được 40 năm với rất nhiều vai trò và vị trí khác nhau trong nhà hát Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế. Thực ra, danh hiệu này đến rất tình cờ đối với tôi. Khi có thông báo tiếp nhận hồ sơ từ tổ chức, tôi cũng mạnh dạn làm hồ sơ và cũng không nghĩ gì nhiều. Sau đó, họ thông báo tôi được chọn. Tôi sẽ đến Hàn Quốc để nhận danh hiệu này vào tháng 6 hoặc tháng 7 tới.
Đây có được xem là một dấu mốc, một bước ngoặt trong chặng đường dài gắn bó với âm nhạc truyền thống của bà?
- Đây là niềm vinh dự rất lớn đối với tôi trong suốt 40 năm làm nghề, đặc biệt là sau khi bàn giao công việc quản lý và quay trở lại làm chuyên môn. Nó như một niềm an ủi cho người nghệ sĩ. Đây cũng như một minh chứng cho sự vươn xa của nghệ thuật Cung đình Huế ra thế giới do nó là danh hiệu được khu vực châu Á - Thái Bình Dương công nhận. Từ danh hiệu ấy, tôi cũng có những suy nghĩ làm thế nào để bảo tồn được bộ môn nghệ thuật này trong tương lai.
Cơ duyên nào đưa bà đến với Tuồng và ca múa hát Cung đình?
- Cơ duyên của tôi tới với nghề rất ngẫu nhiên. Ban đầu, tôi thi vào Trường Quốc gia Âm nhạc để học Thanh nhạc. Khi vào học được có 15 ngày, tôi tình cờ thấy một đoàn Nhã nhạc Cung đình ở bên cạnh ngày nào cũng tập luyện hăng say khiến tôi rất hào hứng. Ngày nào, đoàn tập tôi cũng tôi qua và tự nhiên tôi có một niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn này. Vài tháng sau, tôi thấy thông báo thi tuyển vào đoàn. Hồi đó gia đình cũng khó khăn, mà bên này lại có lương nên tôi nghĩ vào đoàn sẽ có lương giúp đỡ gia đình. Thế nên tôi thi và đậu. Sau đó, càng học tôi lại càng thấy yêu nghề hơn… và mới đó thôi mà đã được 40 năm rồi.
Là một người có năng khiếu từ nhỏ, bà gặp khó khăn gì khi theo đuổi nghệ thuật Cung đình không?
- Tất nhiên cũng nhiều khó khăn vì lúc trẻ mình chưa hiểu gì về nghệ thuật cung đình. Đó là một bộ môn rất khó. Bên cạnh chất giọng đã được rèn luyện khi còn học thanh nhạc, nghệ thuật Cung đình có những điệu múa theo hình thức kể chuyện buộc tôi phải học hỏi không ngừng. Càng làm nghề càng tìm thấy nhiều niềm vui và niềm đam mê vì thế cũng tăng lên. Khi mình đã đam mê, học được nhiều thứ rồi thì luôn muốn làm được nhiều thứ cho nghề.
Trong mắt bà, Tuồng và ca múa hát Cung đình những thú vị hay đặc biệt gì mà khiến bà mê tới vậy?
- Tuồng Cung đình là những vở tuồng trình diễn cho vua xem. Những vở tuồng Cung đình là những vở về tích cổ như: Sơn hậu, Tề thiên đại thánh, Tam quốc diễn nghĩa... Tuồng cung đình có một số nguyên tắc biểu diễn luôn phải tuân thủ. Ví như diễn viên khi diễn cho khán giả thì xoay vòng thế nào cũng được nhưng khi diễn cho vua thì phải quay mặt lên, ít khi được xoay lưng lại vua hay người diễn tuồng không được chỉ tay thẳng mặt vua…
NSND Bạch Hạc là người được đánh giá có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ.
Suốt 40 năm miệt mài với nghệ thuật sân khấu truyền thống, đâu là vai diễn để lại trong bà nhiều kỷ niệm nhất?
- Điệu múa đầu tiên mà tôi được học cũng là điệu múa tôi nhớ nhất Lân mẫu xuất lân nhi. Năm 2009, nhân dịp tháp tùng Chủ tịch nước sang thăm Nhật Bản, buổi trình diễn của tôi được Nhật hoàng rất là thích, đến mức tôi được bắt tay với Nhật hoàng. Mà sau đó tôi mới biết ông chưa bắt tay với nghệ sĩ nào trước đó. Không hiểu sao lần nào diễn xong tiết mục ấy thì đều có những tiếng vỗ tay, cảm giác rất bất ngờ và kỳ lạ. Nó làm tôi yêu nhiều hơn, để tôi đi theo nghề này.
Được biết, thời gian bà hoạt động với vai trò Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, bà cùng các cộng sự đã thực hiện nhiều dự án để phục dựng các bài múa Cung đình. Tính đến nay đã có bao nhiêu bài múa được "hồi sinh"?
- Nói về số lượng thì có khoảng 20 bộ hồ sơ nhã nhạc, múa Cung đình và Tuồng. Quay trở lại từ năm 1982-1983, tôi được một số nghệ nhân truyền đạt lại các điệu múa tới nay vẫn chưa được khôi phục để thể hiện lại do cơ sở pháp lý không được rõ ràng mà chỉ được truyền miệng cho nên tôi chưa dám mạnh dạn tạo lập hồ sơ. Chỉ khôi phục lại để đưa vào tiết mục biểu diễn mà thôi. Ví dụ như: Hoàng Hoa Chi, Thanh Hoa Chi, Tiên Đào... Năm 2010, tôi chính thức chuyển qua nghiên cứu cùng với một số nghệ nhân. Đằng sau một bộ hồ sơ không chỉ có riêng cá nhân tôi mà còn có ê-kíp cùng các chuyên viên của phòng nghiên cứu. Đến nay tôi vẫn tiếp tục hoàn thiện những bộ hồ sơ ấy.
Nghệ nhân Bạch Hạc giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế.
Bà có niềm tin là bộ môn nghệ thuật truyền thống này sẽ được lớp nghệ sĩ trẻ lưu giữ không?
- Khoảng 50/50. Trong các buổi hội thảo, họp báo nói rất nhiều nhưng mà đi ra thực tế thì nhỏ giọt, cho nên nguy cơ mai một rất dễ. Chế độ chính sách cho các nghệ sĩ trẻ làm nghề truyền thống cần phải được lên kế hoạch vì họ không chỉ chạy theo đam mê, họ còn phải mưu sinh để sống. Phải luôn quan tâm nghệ sĩ đi theo nghề truyền thống, đến lúc đó họ mới ở lại được. Hiện nay đã có nhiều người chọn làm nghề khác, có tiềm năng hơn chọ.
Lứa tuổi của tôi hiện nay cũng đã lớn, 60 tuổi là đã về hưu, nếu như không có lớp trẻ để truyền lại thì nguy cơ bị mai một. Vì thực tế, truyền lại vai diễn, truyền lại cách múa, truyền lại một làn điệu không phải là ngày một ngày hai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.