Nghề shipper mùa dịch: Thu nhập tăng cao, hiểm nguy cũng tăng cao
Nghề shipper mùa dịch: Thu nhập tăng cao, hiểm nguy cũng tăng cao
Quang Dân
Thứ năm, ngày 27/05/2021 17:20 PM (GMT+7)
Từ khi Hà Nội chỉ cho phép bán hàng mang về, số lượng đơn hàng giao trong ngày của shipper tăng cao. Chủ yếu là đơn hàng đồ ăn tập trung vào buổi sáng và buổi trưa.
Trước việc xuất hiện nhiều ca dương tính Covid-19 trong cộng đồng, từ 12 giờ ngày 25/5/2021, Hà Nội tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Thu nhập tăng cao, hiểm nguy cũng tăng cao
Quy định này khiến nhiều người đã thay đổi thói quen, thay vì ra hàng quán để ăn uống, thì bây giờ chuyển sang đặt hàng online và người giao hàng (shipper) sẽ đem đến tận nơi. Nhờ vậy, bán hàng online rất thịnh hành và các đơn hàng của shipper cũng tăng vọt.
Theo ghi nhận của Dân Việt, những ngày này, lưu lượng người di chuyển trên các tuyến phố tại trung tâm TP Hà Nội thưa thớt hơn. Đáng chú ý, sự xuất hiện của shipper mặc áo Grab, Now hay là Beamin chiếm số lượng không nhỏ trên các tuyến phố.
Trao đổi PV, anh Hồ Sỹ Đức (27 tuổi, Hà Nội) đối tác của ứng dụng giao hàng Beamin cho biết, hai ngày nay, từ khi Hà Nội chỉ cho phép bán hàng mang về, số lượng đơn hàng giao trong ngày của anh tăng cao, do đó, tài xế nhanh chóng đạt đủ điều kiện để nhận thưởng từ phía công ty.
Theo anh Đức, với Beamin, các mốc thưởng bao gồm, shipper chạy được 6 đơn trong ngày sẽ nhận được 30.000 đồng; 10 đơn số tiền thưởng là 65.000 đồng; 15 đơn là 105.000 đồng; 25 đơn là 190.000 đồng; 35 đơn là 275.000 đồng; 35 đơn là 335.000 đồng và 40 đơn là 380.000 đồng. Bên cạnh đó, thưởng đơn xa 5.000 đồng/đơn từ 3km-5km và 10.000 đồng/đơn cho từ 5km trở lên.
"Từ khi dịch bùng phát trở lại, số lượng đơn hàng tăng gấp đôi, có ngày lên tới 30 - 35 đơn. Chủ yếu là đơn hàng đồ ăn tập trung vào buổi trưa và buổi sáng. Cộng với tiền từ phí giao hàng, thu nhập cũng cao hơn so với trước", anh Đức cho hay.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Ước (28 tuổi, Hà Tĩnh) chia sẻ, đối với Grab, phí giao hàng sẽ được tính trên quãng đường di chuyển, đơn hàng online sẽ có mức tính là 7.000 đồng/km và phải trả chi phí cho Grab là 20%, phần còn lại là thu nhập của shipper.
Như vậy mỗi đơn hàng giao thành công tài xế sẽ nhận được khoản thù lao khoảng 12.000 - 25.000 đồng tùy khoảng cách. Những ngày này nếu chăm chỉ chạy chở khách thêm ngoài giao đồ, một tài xế có thể có thu nhập từ 500.000 - 700.000 đồng (chưa trừ chi phí xăng xe, ăn uống- PV).
Anh Ước chia sẻ thêm, tuy số lượng đơn hàng nhiều, nhưng chủ yếu tập trung vào khung giờ trưa và tối nên thời gian chờ lấy hàng lâu, do vậy, trên thực tế, năng suất lao động của shipper không tăng lên không đáng kể. Bên cạnh đó, vì vắng khách, nên nhiều tài xế chuyển sang chạy Grab Food, tính cạnh tranh cũng cao hơn.
Ngoài ra, bởi đặc thù tính chất công việc phải di chuyển, tiếp xúc với đông người nên nghề shipper tiềm ẩn nhiều rủi ro lây nhiễm dịch. Công việc mỗi ngày giáp mặt hàng chục khách hàng nên nếu lơ đãng có thể rước bệnh cho mình và cộng đồng.
Nỗi khổ quán lớn, quán bé
Không chỉ những người làm dịch vụ ship đồ ăn, nhiều hàng quán cho biết nhờ lượng người đặt đồ ăn online tăng mạnh nên thu nhập cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Chị Quỳnh Trang (26 tuổi, Hà Nội), chủ quán Góc bánh canh Tam Bảo tại số 1, ngõ 40, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, dịch bùng phát, quán đã nhanh chóng chuyển sang chế độ bán hàng online thông qua kết nối ứng dụng với dịch vụ giao hàng cũng như đẩy mạnh tương tác trên FB.
"Giai đoạn này, nói quán làm ăn ổn thì là nói dối, nhưng mà cũng gọi là tạm. Phần khách quen đã gắn bó với Góc bánh canh Tam Bảo từ trước, nên đặt hàng qua hotline của quán, phần nữa khách đặt hàng qua ứng dụng như Grab, Beamin, Be..", chị Trang nói.
Tương tự, quản lý Highlands Coffee trên đường Mễ Trì (Hà Nội) thông tin, lượng khách đặt online tăng, nhưng nhìn chung không thể bằng thời điểm chưa bùng phát dịch.
Trong khi đó, những quán ăn nhỏ hơn, vốn từ trước đến nay có lượng khách hàng chủ yếu là khách vãng lai lại đang gặp khó khăn với việc tiếp cận dịch vụ bán hàng online.
Chị Vũ Thị Nhung (38 tuổi, Hà Nội) chủ quán Bánh chả cá Đà Nẵng (Mễ Trì Thượng, Hà Nội) chia sẻ, dù có kết nối với ứng dụng giao hàng, song có thể vì quán nhỏ, chưa có thương hiệu nên lượng khách đặt rất ít, thu không bù chi trong những ngày quán không được nhận khách như hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.