Nghệ sĩ “chân đất” thi tài

Thứ hai, ngày 25/07/2011 20:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tuy hát hò chỉ là việc phụ nhưng mỗi lần tham gia biểu diễn tại những đêm liên hoan văn nghệ hoặc hội diễn nghệ thuật quần chúng, họ đều dành thời gian để tập luyện để không bị... “đụng hàng”.
Bình luận 0

Tại Hội diễn nghệ thuật năm 2011 của công nhân, lao động Tập đoàn Cao su Việt Nam - khu vực các tỉnh phía Bắc vừa diễn ra tại Sơn La, chúng tôi có dịp được tiếp xúc với nhiều "nghệ sĩ" thuộc các công ty cổ phần cao su từ Hà Tĩnh trở ra.

img
Một tiết mục múa Thái của đoàn Lai Châu.

Niềm vui giản dị

Tiếng là "công nhân viên chức" nhưng thật ra các diễn viên không chuyên này hầu hết là nông dân chân lấm tay bùn, rành đường cày, cây cuốc, con dao hơn là cầm đàn, cầm micro. Trong số họ có cả những lao động vừa bước vào tuổi 18 và trở thành công nhân cao su được vài tháng như trường hợp của Tẩn Thanh Thuỷ- thiếu nữ dân tộc Thái, thuộc Công ty cổ phần Cao su Lai Châu; lại có người như chị Nguyễn Hồng Thanh của đoàn Sơn La thì chỉ ít ngày nữa là hết tuổi lao động...

Diễn viên múa Tẩn Thị Lanh (đoàn Lai Châu) cho biết: "Chúng em vốn là dân văn nghệ bản, tức là văn nghệ không chuyên nghiệp, đồng thời là văn nghệ không có thu nhập nên muốn biểu diễn hay thì phải tự mình học hỏi, luyện tập, đầu tư trang phục. Nhiều lúc ở trên nương hay đồ xôi trong bếp em vẫn luyện giọng hát, dáng đi cho mình. Mỗi người phải tập luyện và tìm cho mình được 5- 7 tác phẩm "ruột" để tham gia biểu diễn khi cần thiết thì mới tránh được "đụng hàng" vì văn nghệ bản phong phú lắm".

Trao đổi với những "nghệ sĩ chân đất" này, chúng tôi được biết họ đến với cuộc hội diễn này chỉ bằng một niềm vui giản dị: Hát cho quên lao động mệt nhọc, múa cho cái tay cầm cuốc cầm cày khỏi mỏi chứ không mong là sẽ được giải thưởng. Anh Mùa Sinh Chống- người độc tấu tiêu kiêm diễn viên múa của đoàn Điện Biên, cho biết: "Tuy hát hò chỉ là "việc phụ" vì nó không mang lại được nguồn thu nhập đủ sống cho mình nhưng mỗi lần tham gia biểu diễn, dù là ở bản hay đi dự liên hoan khu vực như thế này, chúng em đều dành nhiều thời gian cho việc luyện tập, chuẩn bị”.

Mặc dù là những nghệ sĩ nghiệp dư nhưng dưới ánh đèn sân khấu, họ không hề lúng túng mà còn tỏ ra chuyên nghiệp hơn, "say nghề" hơn với các động tác uyển chuyển, giọng hát, tiếng đàn đều điêu luyện.

Âm vang dòng nhựa trắng

Đó là chủ đề hội diễn nghệ thuật và cũng là âm hưởng mà nó để lại với khán giả. 200 diễn viên với 40 tác phẩm của những đoàn nghệ thuật không chuyên đến từ 8 tỉnh đã thật sự mang đến hội diễn một đời sống tinh thần đặc sắc của người trồng cao su. Bên cạnh các tác phẩm truyền thống với nội dung ca ngợi công ơn Đảng, Bác Hồ, quê hương đổi mới; hát múa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số... các đoàn nghệ thuật đã sáng tạo nhiều điệu múa, bài hát, vở kịch mới về hoạt động phát triển cây cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc: "Cây cao su về bản", "Kén rể", "Hương rừng cao su"...

Người dân chúng tôi mong mỏi có nhiều đợt hội diễn thế này để được thưởng thức văn hóa của nhiều dân tộc trong vùng Tây Bắc và các vùng miền khác.

Sau khi hội diễn kết thúc, các "nghệ sĩ chân đất" lại trở về với cuộc sống thường nhật của họ ở các bản làng, lại vui vẻ đi làm nương, chăm sóc cây cao su. Chị Lò Thị Hằng- diễn viên đội văn nghệ bản Tông, xã Chiềng Xôm (Sơn La) cho biết: "Âm hưởng của hội diễn như vẫn còn nguyên trong chị em Hội văn nghệ bản Tông chúng tôi và đã cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm quý trong biểu diễn nghệ thuật".

Chị bảo, tuy công việc đồng áng bận rộn nhưng đội văn nghệ bản, người dân trong bản Tông vẫn dành thời gian để theo dõi hết cả 3 ngày hội diễn và rút ra bài học cho mình về hoá trang, phục trang, dàn dựng tiết mục để những đêm văn nghệ bản sẽ hấp dẫn bà con hơn...

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem