NSND Anh Tú qua đời trưa 20.12, hưởng dương 57 tuổi. Sự ra đi của nghệ sĩ Anh Tú để lại nhiều thương tiếc với bạn bè, người thân. Từ rất sớm, các nghệ sĩ miền Bắc đã có mặt tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) để tiễn đưa nghệ sĩ Anh Tú về nơi an nghỉ cuối cùng.
Có mặt từ sớm tại nhà tang lễ, NSND Lê Khanh đôi mắt đỏ hoe chia sẻ, chị và NSND Anh Tú là bạn cùng khoá, chị là người ít tuổi nhất lớp, khi vào học mới 16 tuổi. Cả hai đã có khoảng thời gian bên nhau quá dài, từ ngồi học trên giảng đường, tập luyện rồi sau này là vào cùng nhà hát, đóng cặp với nhau ở nhiều vở diễn. Nhiều lúc Lê Khanh còn nói đùa với Anh Tú là hai đứa thời gian ở bên nhau còn hơn ở với gia đình.
"Tôi và Anh Tú dù học cùng khoá nhưng mỗi người có một tính cách, cách cảm nhận, diễn khác nhau và tạo dấu ấn riêng qua từng vai diễn, vở kịch. Anh Tú là người nghệ sĩ đam mê bất tận nghệ thuật giống như thiêu thân vậy. Người cứ lao vào làm việc, lao vào sáng tác nghệ thuật, xả thân mà không nghĩ đến bản thân.
Vì vậy khi nghe tin Anh Tú bị bệnh phải nhập viện, tôi thấy vừa giận vừa thương. Giận vì anh ấy không biết giữ sức khoẻ, không yêu quý bản thân để đến mức tổn hại đến sinh mệnh của mình. Còn thương vì Anh Tú là nghệ sĩ tài năng trên sân khấu. Anh ấy có thể vào các loại vai khác nhau, từ hiền đến ác, dữ dằn… Từ thời kỳ trẻ mới bước vào sân khấu, Anh Tú được vào các vai trong trẻo bởi gương mặt thư sinh, đến già hơn chút nữa là vai nhiệt huyết, khát vọng, kiểu chàng trai đam mê, dám nghĩ dám làm, như: “Tôi đi tìm tôi”; “Cuộc đời tôi”… Tiếp đến khi đã ở tuổi trung niên có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm, thì anh Anh Tú vào những vai gai góc, trắc ẩn cần thể hiện nội tâm như trong “Rừng trúc”; “Vũ Như Tô”; “Âm mưu tình yêu”…
Nghệ sĩ Lê Mai, nghệ sĩ Lê Khanh viếng NSND Anh Tú.
Anh Anh Tú vẫn hay chia sẻ với tôi là anh luôn trăn trở, muốn khôi phục, lấy lại được không khí nghệ thuật chính thống, sân khấu kịch tâm lý hiện đại.
Thời điểm anh Anh Tú nhận lời sang làm Phó Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam là thời điểm anh ấy có thể chủ động đi con đường mình định. Ước mơ, tâm sức được anh làm việc trong thời điểm này. Dường như tác phẩm được ra đời trong thời điểm này.
Gia đình NSND Anh Tú không kìm được nước mắt trong tang lễ của anh.
Tôi biết anh Anh Tú khi ở cương vị này gặp rất nhiều áp lực, luôn trăn trở là làm thế nào để duy trì truyền thống vẻ vang của Nhà hát Kịch Việt Nam mà không bị so sánh giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ.
Cũng thời điểm này, khi cả hai không còn ở chung Nhà hát Tuổi trẻ, thi thoảng nhớ anh tôi lại sang Nhà hát Kịch Việt Nam thăm anh. Mỗi lần sang chơi thăm anh, thấy anh lại một gầy hơn, da sạm hơn, râu để dài hơn, nhìn anh tôi xót lắm và tôi chỉ có thể nói với anh một câu, anh có đam mê với công việc, làm việc thì cũng cố gắng giữ sức khoẻ. Còn anh thì nói với tôi: Khi nào rảnh thì lại sang chơi với anh nhé.
Nói ra thì có vẻ như lại bảo có vẻ hơi quá, nhưng đúng như là anh biết mình không còn thời gian vậy".
Nghệ sĩ Trung Anh viếng NSND Anh Tú
Nghệ sĩ Trung Anh gương mặt trầm buồn, xót xa trước sự ra đi của người đồng nghiệp. Anh bảo, anh biết bệnh tình của NSND Anh Tú bị nặng là vào ngày Giỗ tổ, khi nhìn thấy Anh Tú khuỵu chân và rất mệt. Lúc đó mọi người đều yêu cầu Anh Tú đi bác sĩ ngay.
"Lần đầu nhập viện của Anh Tú, tôi đến thăm cậu ấy vẫn lạc quan và nói với tôi, tới đây cố gắng về nhà hát để làm vở mới nhé. Sau đó, trước khi NSND Anh Tú hôn mê, tôi đến thăm Tú và thấy cậu ấy vẫn rất đam mê với công việc, trong đầu lúc nào cũng đầy ắp các ý tưởng, sẽ làm cái này, cái kia. Cụ thể Anh Tú định cuối năm nay sẽ dựng vở mới".
Xót xa, thương tiếc trước sự ra của người em, đồng nghiệp, nghệ sĩ Trung Anh bảo, khi nghe tin Anh Tú hôn mê anh cũng vội vàng vào bệnh viện gặp Tú, tuy nhiên lúc đó Anh Tú đã không biết gì nữa rồi.
Ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL có mặt tại đám tang của NSND Anh Tú
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ thì chia sẻ, chị xem kịch anh đóng với nhiều vai chính. Xem vở diễn anh làm đạo diễn chị thấy ngất ngây cảm phục một tài hoa. Dù không phải quá thân để ngày nào cũng gặp nhau hay trò chuyện trên điện thoại nhưng mỗi khi gặp anh Anh Tú, anh em chào theo kiểu bên này đấm vai bên kia một cái không thừa một câu nói xã giao. Và lần nào anh Anh Tú cũng nói: “Viết kịch bản sân khấu cho anh đi em. Truyện ngắn của em, nhiều cái hợp sân khấu”.
Nhưng nữ nhà văn cảm thấy tiếc bởi chị luôn lỡ hẹn với anh Anh Tú. “Giờ thì không còn nghe được giọng nói ma lực của anh. Không nhìn được vào đôi mắt vời vợi đầy tâm tư cho sân khấu, phim ảnh của anh. Hôm nay đọc tin anh ra đi, chỉ biết ngồi lặng và rét. Tự nhiên rét run và buồn quặn ruột, mắt đầy nước giữa một ngày Hà Nội nắng hanh vàng đẹp vô cùng. Mọi người đang chuẩn bị đón Tết. Phố phường rộn rã cờ hoa. Dòng đời ngoài kia xuôi ngược. Những rạp hát vẫn sáng đèn. Và những vở diễn cháy cùng đạo diễn, diễn viên...
Nghệ sĩ Xuân Bắc tại đám tang
Ai cũng phải sống và đi tiếp con đường của họ. Vui, buồn, hạnh phúc hay đắng cay, chỉ ý nghĩa khi ta còn sống và những sản phẩm ta để lại cho đời sau thay vì bị nguyền rủa bởi những điều ác ta làm, và con cháu ta ở lại gánh hậu quả. Với Anh Tú, anh không còn người anh, người nghệ sĩ tài hoa mà tôi đã quen thân, người gắn bó cùng tôi từ phim “Của để dành” đến “Ánh sáng trước mặt”, mà là một nghệ sĩ bất tử”, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nghẹn ngào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.