Nghệ sĩ ra đi trong đại dịch Covid-19: Để lại khoảng trống, hẫng hụt trong lòng khán giả
Nghệ sĩ ra đi trong đại dịch Covid-19: Để lại khoảng trống, hẫng hụt trong lòng khán giả
Minh Thi
Thứ sáu, ngày 19/11/2021 14:15 PM (GMT+7)
Trong khi TP.HCM và cả nước đang hướng đến lễ tưởng niệm đồng bào và những cán bộ, chiến sĩ qua đời vì Covid-19, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM cũng rục rịch chuẩn bị lễ tưởng niệm dành riêng cho các nghệ sĩ ra đi trong đại dịch.
Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.476 người dân, cán bộ và chiến sĩ và trong đó có không ít nghệ sĩ. Họ ra đi trong niềm tiếc thương của công chúng.
Đầu tiên là sự ra đi của nữ ca sĩ Lệ Thu ở Mỹ, một giọng ca gạo cội ghi dấu ấn với nhiều tình khúc sâu lắng.
Chưa hết bàng hoàng, công chúng lại phải nói lời tiễn biệt với những tên tuổi như: Ca sĩ Phi Nhung, Y Jang Tuyn, Phương Quế Như, Đình Hùng, Phi Hải, NSƯT Khải Hoàn, NSƯT Lâm Bửu Sang, nghệ sĩ Bạch Mai, Kim Thủy, nhà văn Nguyễn Quốc Trung, nhà văn Lê Thành Chơn, nhà thơ Trương Đạm Thủy, đạo diễn Lê Văn Tĩnh, rocker Trung Thành Sago, họa sĩ Lê Thánh Thư, nghệ sĩ Kim Phượng, nhạc sĩ Thanh Châu, Thanh Dung, đạo diễn Nguyễn Tấn Lực, diễn viên Hứa Kiệt Luân, đạo diễn - nhà quay phim Tường Lê...
Nhắc đến những ngày ở ngưỡng đỉnh dịch, người dân TP.HCM lại nhớ đến hình ảnh của các nghệ sĩ hăng hái lao vào làm từ thiện, giúp người nghèo lúc khó khăn cũng như hỗ trợ cho các y bác sĩ tuyến đầu trong các bệnh viện dã chiến.
Nổi bật lên trong số đó có nữ ca sĩ Phi Nhung, người đáng lẽ trở về Mỹ nhưng nán lại TP.HCM một thời gian vì chị nghĩ: "Sài Gòn đang tổn thương như thế này, nhiều người còn khổ vì dịch, mình ở lại, có khi lại có ích. Khi mọi thứ ổn hơn, mình đi đâu cũng không áy náy".
Mọi việc riêng đều gác lại, Phi Nhung đã làm hết sức mình trong những ngày ấy, đóng góp cho quỹ vắc-xin, gửi gạo cho người nghèo, tham gia nấu ăn cho bếp ăn tình thương giúp người vô gia cư. Cuối cùng, chị không qua khỏi bệnh nặng vì mắc Covid-19 trong quá trình thiện nguyện và phải sớm rời xa đàn con nuôi của mình. Khán giả không chỉ tiếc thương giọng ca sáng, đẹp, buồn như Phi Nhung, mà còn tiếc thương một nhân cách luôn yêu thương, sẵn sàng vì người khác như chị.
Còn nếu nói về hoàn cảnh gây sốc nhất trong giới nghệ sĩ thì vẫn là Bình Tinh khi cô mất 4 người thân trong vòng một tháng. Đó là nghệ sĩ - soạn giả Bạch Mai (mẹ), nghệ sĩ Kim Phượng (dì), nhạc sĩ Thanh Châu và Thanh Linh (cậu). Chỉ trong 2 tháng, đoàn tuồng cổ Huỳnh Long đã mất 4 nghệ sĩ gạo cội. Họ đều là trụ cột của đoàn tuồng cổ.
Giờ đây, Bình Tinh gắng thay mẹ, dì và các cậu gánh vác đoàn Huỳnh Long, giữ gìn và kế thừa nghệ thuật truyền thống của tiền nhân để lại.
Những ai mê nhạc Pháp một thời sẽ không thể quên được ca sĩ Đình Hùng – Trưởng ban nhạc Flamenco Gipsy Fire. Ông nổi tiếng với các bài nhạc sôi động, gắn bó nhiều năm với Đoàn ca nhạc nhẹ Sài Gòn, cùng thời với Cẩm Vân Khắc Triệu, Kim Yến, Trang Kim Yến, Hồng Hạnh, Đình Văn, Thanh Hoa, Lê Tuấn… Cách đây 3 năm, ban nhạc của ông biểu diễn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ khiến du khách nước ngoài thích thú. Không may, ông đã ra đi vì Covid-19.
Theo ca sĩ Cẩm Vân, chị nhớ mãi con người nghệ sĩ Đình Hùng luôn mang lại tiếng cười, niềm vui cho mọi người, truyền năng lượng tích cực cho đồng nghiệp, đi diễn ở đâu cũng được nhiều khán giả yêu mến.
Để lại khoảng trống trong nghệ thuật
Những đóng góp của nghệ sĩ Bạch Mai cùng các chị em của bà với đoàn tuồng cổ là rất lớn, không thể phủ nhận được. Còn ở sân khấu ca nhạc, sự ra đi của Lệ Thu, Phi Nhung khó có ai thay thế. Bên cạnh đó, nữ ca sĩ "Bông điên điển" còn có công dẫn dắt các ca sĩ nhí.
Còn Y Jang Tuyn lại là trường hợp khác. Nam ca sĩ người Bana thường hát livestream động viên mọi người lạc quan vượt qua dịch bệnh, truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng. Y Jang Tuyn có giọng hát đậm chất đại ngàn Tây Nguyên, từng đoạt giải cuộc thi Sao Mai và Tiếng hát Truyền hình TP.HCM, là biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM. Anh ra đi khi còn khá trẻ, còn có thể đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.
Họa sĩ Lê Thánh Thư qua đời, để lại tiếc thương cho giới mộ điệu hội họa. Ông không chỉ nổi tiếng trong nước, mà còn được Yukio - một nhà sưu tập có tên tuổi người Nhật, đánh giá cao. Bản thân Yukio sở hữu hơn 500 tác phẩm của họa sĩ Việt Nam, nhưng ông thú nhận, Lê Thánh Thư là họa sĩ mà ông thích nhất.
Họa sĩ Lê Thánh Thư nhận được nhiều giải thưởng mỹ thuật; tác phẩm của ông thuộc bộ sưu tập tư nhân ở khoảng 20 nước và góp mặt trong một vài bảo tàng quốc gia như Việt Nam, Singapore…
Tranh của ông, như họa sĩ Lê Uyên Huy nhận xét, "kích thích người xem bằng hình họa cuốn hút với không gian thoáng và lối vẽ trừu tượng riêng". Trước khi cầm cọ, ông là nhà thơ. Và dường như ông linh cảm về cuộc ra đi của chính mình: "Không có gì phía trước/ Chẳng còn gì phía sau/Tôi huýt sáo bài ngụy âm lạc loài trên rẫy đầy gai mắc cỡ/ Và đi không nói/ Tôi chẳng còn đợi ai/ Nơi mảnh vườn um khói".
Còn nhà văn quân đội Nguyễn Quốc Trung lại luôn giữ cho mình độ nóng của ngòi bút. Không chỉ viết về chiến tranh với các tiểu thuyết Biên giới, Bên vùng thốt nốt, Đất không đổi màu, Người trong cõi người … ông còn viết về thế sự và là cây bút tinh tế khi viết về tình yêu. Cuốn tiểu thuyết Người đàn bà khóc mướn viết về mối tình của một người lính tình nguyện Việt Nam với cô gái từng là đào hát làm vũ nữ hoàng gia.
Nhà văn Phùng Văn Khai nhìn nhận: "Văn hóa và đức tin chính là vẻ đẹp cao nhất của con người qua ngòi bút Nguyễn Quốc Trung. Nó không chỉ sống động mà đã đạt tới tầm biểu tượng. Đây chính là cuốn sách tạo nên dấu mốc thương hiệu văn chương Nguyễn Quốc Trung".
Sự ra đi của những nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ, nhà thơ… khiến nhiều người giật mình nhìn lại, phải chăng lúc họ còn sống, những gì họ viết, sáng tạo và những gì họ cống hiến cho đời đôi khi chưa được trân trọng đúng mức, và còn những bàn cãi, phán xét, thậm chí cả thị phi gieo rắc khi họ vừa nằm xuống? Hãy yêu thương, trân trọng những gì mà các văn nghệ sĩ đã gửi lại cho đời, bởi cho dù họ mất đi, lời ca tiếng hát, tác phẩm của họ vẫn còn đó…
Lễ tưởng niệm các văn nghệ sĩ qua đời do dịch Covid-19 dự kiến sẽ diễn ra tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM. Lễ tưởng niệm nhằm chia sẻ về nỗi đau mất mát với người thân, gia đình và tri ân những đóng góp cống hiến của các văn nghệ sĩ.
Để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm diễn ra được tốt nhất, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM đề nghị lãnh đạo các Hội thành viên và các đơn vị trực thuộc rà soát danh sách văn nghệ sĩ đã mất do Covid-19, gửi về văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM trước ngày 30/11, đồng thời gửi kèm file word qua email vplhh@yahoo.com.vn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.