Nghệ sĩ thảng thốt tiếc nhớ "mẹ chồng tôi" Thu An

Thứ tư, ngày 05/10/2011 06:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Biết tin NSƯT Thu An qua đời, NSƯT Trần Lực, Chiều Xuân đều ngỡ ngàng thảng thốt. Chỉ nhắc đến tên nghệ sĩ Thu An là thấy hiện ra những bà mẹ quê nghèo chân lấm bùn, tay dắt trâu bước cao bước thấp...
Bình luận 0

NSƯT Thu An ốm nặng đã lâu, sau một cơn bạo bệnh, mỗi bữa bà chỉ còn ăn được một chút bột như đứa trẻ. Con cái thương bà, càng xót xa hơn khi nhìn thấy mẹ mình - người suốt đời chỉ thích được đi đóng phim, đi làm từ thiện, giờ phải nằm lặng yên một chỗ. Và 19 giờ 30 phút ngày 3.10, bà đã mãi mãi lên đường ở tuổi 89, cho một chuyến đi xa.

img
NSƯT Thu An trong quán nước chè ở phố Hoàng Hoa Thám.

Bà mẹ quê nghèo

Đạo diễn, NSƯT Trần Lực bồi hồi nhớ lại: “Bộ phim đầu tiên tôi được làm chung với bà là “Chuyện tình bên dòng sông” vào năm 1991. Hồi đó, điện ảnh còn khó khăn biết bao nhiêu mà tình người thì ấm áp. Hai tháng trời chúng tôi đóng đô ở thị trấn Ba Đồn (Quảng Bình) sống cùng nhau như một gia đình.

Hồi đó, bà đi làm phục trang cho đoàn phim, giúp cho người bạn thân là đạo diễn Đức Hoàn. Cánh diễn viên trẻ chúng tôi gọi bà là “u”, giống như thể bà là mẹ của cả đám, việc gì bà cũng lăn vào làm, chuẩn bị quần áo cho từng người, thấy diễn viên đói thì bà nấu cho ăn, tất cả các diễn viên như tôi, chị Lê Khanh ngồi quây quần ấm áp.

Lúc ấy, nụ cười của bà hạnh phúc lắm, trông không khác gì một bà mẹ quê kiếm đủ miếng ăn để nuôi đàn con đang tuổi lớn. Cứ có bà xuất hiện ở đâu là chỗ ấy vui tưng bừng hết cả lên”.

NSND Trần Phương đang nằm trên giường bệnh vì bị tai nạn khi làm đạo diễn phim “Tướng Nguyễn Bình” cũng vô cùng xúc động khi biết tin NSƯT Thu An qua đời: “Chị ấy cùng lứa với chúng tôi, tôi vẫn còn nhớ những ngày đi làm phim cùng chị, được chị quan tâm, lo lắng cho đời sống của anh em diễn viên như người mẹ, người chị. Không nề hà việc gì, ai cần giúp đỡ gì là chị có mặt, tất cả là để cho phim hay hơn, tốt hơn.

Một con người như thế thật sự là của hiếm trong làng điện ảnh. Tôi giờ nằm bó bột một chỗ, tang lễ chị chắc cũng không thể đến được, xin gửi đến chị một lời chào vĩnh biệt của người em, một đồng nghiệp”.

Người nông thôn ở phố

Thu An không xuất thân từ nông thôn, bà là con gái Hà Nội chính gốc, nhưng từ dáng hình bà, khuôn mặt bà, không có nét nào mà không gợi cho người ta cảm giác ấm áp bình dị của người thôn quê. Hình ảnh bà dắt trâu bước thấp bước cao trong phim “Mẹ chồng tôi”, hình ảnh bà tất tả đi tìm con dâu trong đêm mưa, bao dung với những vấp ngã của cô con dâu, khán giả sẽ không bao giờ quên được một hình ảnh đẹp đến vậy về bà mẹ Việt.

Nhớ lại lần chuyện trò gần nhất trước khi ngã bệnh, bà tâm sự với chúng tôi: “Cả đời làm phim, bác chưa một lần dùng nước mắt giả, nhiều đạo diễn muốn nhanh cứ hay bảo đạo cụ “bơm” cho diễn viên vài giọt nước mắt. Bác thì nghĩ khác, muốn khán giả đồng cảm với mình, thì diễn viên phải có cảm xúc thật, đừng bao giờ quan niệm “diễn xuất” là một nghề mà phải thực sự sống trong nó, “diễn mà không phải diễn”.

Sống ở giữa con phố Hoàng Hoa Thám nhộn nhịp, bà ngồi ở quán chè chén ngay trước nhà, chẳng có vẻ gì là một “diễn viên điện ảnh”, ai trông thấy cũng sà vào hỏi thăm, uống chén nước trà để được nghe bà kể bao nhiêu chuyện “vân vi” quanh cái nghiệp đóng phim.

Có lần bà khoe với chúng tôi: “Bác có cả một tay nải toàn áo quần của các bà già ở nông thôn, cũ kỹ, có cái có cả miếng vá, lúc nào cũng để sẵn ở góc nhà, chỉ cần có đạo diễn gọi là mình dẹp quán hàng để lên đường ngay. Đạo diễn làm phim cần vai bà cụ ở nhà quê, ai mà chẳng nhớ ngay đến bác, đó cũng là một hạnh phúc không diễn viên nào có được”.

Một đời đóng phim đã tới gần trăm bộ, bà chẳng có vai chính nào, toàn vai phụ, có vai chỉ mấy chục giây thoáng qua màn ảnh, nhưng không bao giờ bà nề hà so bì gì về chuyện đó. Bà bảo không có những người chuyên đóng vai phụ như mình, ai cũng đòi đóng vai chính cả thì phim có là phim nữa hay không.

Đạo diễn Trần Lực cho biết: “Tôi kính trọng những vai diễn phụ đó của “u”, nếu không có diễn xuất tuyệt vời của “u”, làm sao vai diễn của tôi, hay các diễn viên khác như Chiều Xuân, Lan Hương, Thu Hà... “bật” lên nổi.

Bà là một tấm gương lớn cho diễn viên điện ảnh thế hệ sau soi vào, bởi tình yêu điện ảnh của bà lớn lắm, không gì so sánh nổi. Bà lấy cái vất vả khổ cực của chuyện đóng phim để làm hạnh phúc, giờ tìm đâu được người thứ hai như thế?”.

Giờ đây người Hà Nội đi qua đường Hoàng Hoa Thám đoạn gần dốc Bưởi sẽ không bao giờ thấy bà với mái tóc trắng như cước ngồi giữa những chén chè bốc khói nữa. Quán hàng nước gắn bó với bà mấy chục năm, gần đây phải đóng cửa vì bà bảo: “Giờ người ta hay cho các thứ linh tinh vào chè, tôi không bán nữa, phải tội khách uống”.

Quán đã then cài, bàn ghế lạnh hơi, giờ thì thêm người biệt bóng. Thôi thì hãy cứ tự dối lòng, rằng bà lão ấy chắc lại lên đường đi đóng phim, dăm bữa nửa tháng, bà cụ sẽ lại về.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem