Nghệ sỹ indie Tuấn Gà - tình yêu trở lại

M.Hằng Thứ hai, ngày 27/02/2023 10:53 AM (GMT+7)
Đêm 24/2, giỗ đầu của nhạc sỹ Nguyễn Tuấn (Tuấn Gà) với đêm nhạc tưởng nhớ Tuấn diễn ra tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội. Âm nhạc của Tuấn lại vang lên, từ tinh khôi như bồ câu hạt thóc, tiếng chim sẻ non, đến ám ảnh thân phận những cô gái điếm, người nhiễm HIV, chiếc xe đòn, con tò vò, con gà con rết...
Bình luận 0

Tuấn Gà là một câu chuyện truyền cảm hứng của một nghệ sỹ indie xuất hiện đầu những năm 2000, khi khái niệm này còn lạ lẫm trong âm nhạc Việt. Cuộc đời và sự nghiệp của Tuấn ngắn ngủi, nhưng là một dấu ấn kỳ lạ, một tài năng khác biệt.

Sinh năm 1977 tại Hải Phòng, Tuấn Gà đến với âm nhạc khá muộn, khi đã ở tuổi xấp xỉ 30 và không hề được học hành chuyên nghiệp. Cả học văn hóa, anh cũng chỉ dừng lại ở lớp 5, lớp 6. Những sáng tác đầu tiên anh viết từ khi còn chưa biết nhạc lý, anh "ghi âm" trong đầu, vậy mà gia tài của Tuấn có cả trăm bài hát, cực kỳ độc đáo, cuốn hút.

Nghệ sỹ indie Tuấn Gà - tình yêu trở lại - Ảnh 1.

Nguyễn Tuấn, tức Tuấn Gà, một trong những nghệ sỹ indie thế hệ đầu với tài năng đặc biệt của âm nhạc Việt Nam sau 1975. Ảnh: L.A.

Tôi may mắn để được ké là một trong những khán giả đầu tiên và thường xuyên của Tuấn Gà. Suốt nhiều năm, từ những ngày đầu tiên Tuấn từ Hải Phòng lên Hà Nội hồi đầu những năm 2000.

Vì tò mò mà tôi đòi đi theo gặp, khi được nghe kể về Tuấn: Một tay làm nghề xăm mình ở Hải Phòng, vốn chẳng biết nốt nhạc nào, mười mấy tuổi vượt biên rồi vào trại tị nạn ở Hong Kong và học guitar từ một người bạn khiếm thị trong trại, rồi trở về, đam mê sáng tác đến bỏ bê cả cuộc sống đời thường, những bài hát vốn không được ghi ra giấy mà bằng trí nhớ.

Lần đầu tiên nghe Tuấn hát, có lẽ chính là bài về con gà mà sau thành nickname của Tuấn. Âm nhạc, lời hát chẳng giống ai, giọng hát chẳng giống ai, đến giờ tôi vẫn nhớ những luyến láy của Tuấn: "Ngày cưới tôi cũng con gà/ Một chõ xôi với con gà/ Mẹ rước cô tóc đuôi gà/ Kết duyên tôi…" Chẳng ai nghĩ những con gà chết trong dịch cúm lại thành bài hát, chỉ vì Tuấn lo một ngày nào đó không còn tiếng gà nữa. Bài hát nghe vừa buồn cười, vừa thương phát khóc.

Tuấn viết lời hay cực kỳ. Như một nhà văn, như một nhà thơ. Lúc thì trào phúng, lúc thì mơ mộng tinh khôi, lúc thì ám ảnh day dứt. Dịu dàng như Bồ câu hạt thóc, hay "nghe liu riu liu riu tiếng chim sẻ non". Lại có lúc không thể nghĩ những thân phận con người, từ những người lao động nghèo, cô gái điếm, người nhiễm HIV, áo quan, những chạng vạng đêm ngoại ô, những sống chết lại có thể đi vào bài hát của Tuấn, như "Gái bán than", "Chiếc xe đòn", "Mỗi nhà mỗi cảnh"…

Đôi khi tôi nghĩ, liệu Tuấn có biết mình viết lyrics, viết những câu nhạc đầy tha thiết và có thể khiến người khác phát khóc đến thế không? Tuấn có thể hát không ngừng nghỉ, hàng tiếng đồng hồ, tự đệm guitar ào ạt, tự huýt sáo lảnh lót.

Mỗi lần gặp Tuấn, thường là quán Tứ Hải ngoài đê Âu Cơ, lần nào Tuấn cũng hỏi chị thích nghe bài gì. Một trong những bài tôi thích nhất của Tuấn có lẽ là "Áo cũ dây phơi": "Áo cũ đâu cần tôi/ Áo cũ tôi đâu cần/ Tôi chỉ là dây phơi/ Chầm chậm nghe mưa rơi…"

Cả cái đêm nhạc ở quán bar chuyên rock nào đó trên Hồ Tây, trong không gian tối om với quầng đèn trắng loang loáng quét qua, giữa lúc nghỉ, Tuấn cũng hỏi tôi chị thích nghe bài gì. Tôi dự ít nhất 3 đêm nhạc của Tuấn, một lần quán bar ở Hồ Tây, một lần ở một không gian nghệ thuật nho nhỏ nào đó không nhớ nữa và đêm nhạc Rời tổ ở L'Espace Tràng Tiền năm 2015. 

Tuấn có nhiều đêm nhạc hơn thế, thế là quá thành công với một nghệ sĩ độc lập, tự sáng tác, tự làm tất cả. Trong cái đêm Rời tổ, tôi nhớ mãi hình ảnh Lan Anh, người vợ thứ hai, người đồng hành với âm nhạc của Tuấn suốt nhiều năm, Lan Anh đứng ở cánh gà, áo trắng, rất gầy, cái gáy mảnh mai chăm chắm nhìn ra sân khấu đầy lo lắng. 

Tuấn sống đầy bản năng, bất cần, ngang ngạnh, chắc cũng tự làm đau mình và làm đau những người khác. Tôi biết một vài khúc gồ ghề trong đời sống, sự nghiệp, kinh tế của Tuấn - nhiều dấu ấn trong âm nhạc nhưng lúc nào đời sống cũng chật vật, tiềm ẩn những bất thường. Nhưng vẫn còn âm nhạc để mà sống và để bạn bè yêu mến Tuấn.

Những năm cuối cùng tôi ít gặp Tuấn hơn, nhưng vẫn biết hết về Tuấn, biết cả việc Tuấn ốm mà không chịu chữa bệnh, cũng cảm thấy giận Tuấn vì điều đó. Tôi rất quý Tuấn và cứ tiếc cho Tuấn nhiều thứ. Giá bớt ngang ngạnh hơn, bớt cái tôi đi… Nhưng cuộc sống không có những "giá như". Hồi Tuấn mất là Hà Nội đang bùng phát dịch Covid. Một ngày có 2 sự kiện quan trọng: Nga đưa quân vào Ukraine và Tuấn Gà mất.

Sau đận ấy Lan Anh bảo rồi em và bạn bè anh Tuấn sẽ tập hợp lại các tác phẩm của anh ấy.

Và đúng giỗ đầu của Tuấn, diễn ra liveshow "Nếu tôi có một tình yêu". Một thời gian chuẩn bị ngắn như thế, hẳn Lan Anh đã cực kỳ vất vả. Nhưng luôn có những người bạn yêu quý nhạc của Tuấn.

Nhạc sỹ Huyền Trung, người đã nói rằng: "Cuộc đời và âm nhạc của Tuấn truyền cảm hứng và tác động mạnh mẽ tới mọi người, trong đó có tôi", dù bận trăm công nghìn việc nhưng khi nói tới đêm nhạc, đã nhận lời và không lấy tiền.

Nghệ sỹ indie Tuấn Gà - tình yêu trở lại - Ảnh 2.

Vũ Đinh Trọng Thắng, ban nhạc Ngọt, thể hiện "Áo cũ và dây phơi" của Tuấn Gà. Ảnh: M.H.

Tất cả các ca sỹ, nhạc công tham gia chương trình đều là bạn bè, hoặc tự nhận mình là đàn em của Tuấn Gà. Vũ Đinh Trọng Thắng, ban nhạc Ngọt, nghệ sỹ indie thế hệ 9x, nói anh đã tìm thấy sự đồng cảm với Tuấn Gà khi được hát lần đầu tiên cùng anh Tuấn trong đêm nhạc Rời tổ 10 năm trước, lúc Thắng mới vào nghề. Giờ vẫn nguyên sự đồng cảm ấy khi Thắng Ngọt cầm guitar thể hiện "Áo cũ dây phơi", "Phố Xanh", "Hà Nội cúc vàng", rất mộc, như Tuấn lúc  ôm guitar ngồi hát mê mải trong quán cafe. Thắng Ngọt bảo, có 2 điều không bắt chước được anh Tuấn, là cách anh huýt sáo, và chơi guitar, chỉ có thể tái tạo lại mà thôi.

Thành Phong, một ca sỹ từ Hải Phòng, khiến người xem xúc động. Giống Tuấn quá, từ bộ vest, đến cách hát, đến những âm tiết Hải Phòng, đúng một Tuấn Gà lúc nào cũng háo hức với âm nhạc.

Tuấn luôn ở hai thái cực trong sáng tác – trong veo nhất là anh và đau đớn, u ám nhất cũng là anh. Tôi trào nước mắt khi nghe Minh Châu hát "Chiếc xe đòn", "Gái bán than" - cũng là những bài hát tôi thích nhất của Tuấn về thân phận con người.

Có một bài hát của Tuấn do Trúc Linh – con gái đầu lòng của anh thể hiện. Ngày Tuấn rời bỏ Hải Phòng, Trúc Linh có lẽ mới đang học mẫu giáo. Tuấn rất yêu con gái, Trúc Linh như một ánh sáng của Tuấn – hình như có lần Tuấn viết thế trong một bài hát, bài thơ anh dành cho con.

Nghệ sỹ indie Tuấn Gà - tình yêu trở lại - Ảnh 3.

Các ca sỹ tham gia đêm nhạc "Nếu tôi có một tình yêu". Ảnh: M.H.

Đêm nhạc còn có những "tri kỷ âm nhạc" của Tuấn, như Đinh Mạnh Ninh, Tuấn Dũng, Nhật Huyền, Kính Cận Band…, hay sự ủng hộ không giới hạn của nhóm M6 mà một thời Tuấn Gà là thành viên. 15 bài hát  như một lời tiễn biệt, cũng như sự gặp lại, bởi ngày Tuấn mất, nhiều bạn bè vẫn phải tự cách ly vì Covid-19.

Nghe lại đây giọng hát của Tuấn, nhìn lại đây hình ảnh của Tuấn. Chỉ người thì đã ở một cõi rất xa. Những ai vốn quen nghe Tuấn tự hát những bài của chính mình, giờ nghe các ca sỹ khác hát bài của Tuấn, chắc có lúc thấy chưa thật đã, thấy thèm gặp lại cái chất lãng tử, ngang tàng, có lúc ngây thơ rồi lại bùng nổ, tự do đến cùng của Tuấn. Nhưng rồi lại thấy mọi sự đúng là phải thế: Các bài hát của Tuấn xứng đáng được lan tỏa nhiều hơn, xứng đáng được nhiều người hát và thuộc hơn, để những nghệ sỹ indie - nghệ sỹ độc lập - những kẻ một mình cặm cụi từ sáng tác đến sản xuất tác phẩm của mình, không còn phải cô đơn, và nhiều trường hợp, đỡ chật vật trong cuộc sống và sự nghiệp.

Đêm nhạc "Nếu tôi có một tình yêu" cũng là sự kiện mở đầu cho các hoạt động cộng đồng, mà cốt lõi là "Quỹ phát triển âm nhạc Nguyễn Tuấn", với toàn bộ kinh phí được dùng vào việc sản xuất và lan tỏa các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn, đồng thời đóng góp một phần để hỗ trợ một số nghệ sỹ indie trẻ đang trên con đường phát triển âm nhạc.

Nguyễn Tuấn sinh năm 1977 tại Hải Phòng, mất ngày 24/2/2022. Anh được coi như một trong những nghệ sỹ indie thế hệ đầu với tài năng đặc biệt của âm nhạc Việt Nam sau 1975.

Năm 2006, Tuấn tham gia chương trình Bài hát Việt với tác phẩm "Em là ai", ca sĩ Khắc Hiếu thể hiện. Cũng chính ca khúc này, năm 2007, được thí sinh Nguyễn Phước Vũ Bảo hát trong đêm chung kết cuộc thi "Tiếng hát truyền hình TP Hồ Chí Minh" và được nhận giải cao nhất cuộc thi.

Tháng 7/2007, "Tiếng Gáy Thời Gian" của Nguyễn Tuấn tham dự Bài hát Việt và nhận được "Giải phối khí hiệu quả" với sự hợp tác cùng nhạc sỹ phối khí Trần Đức Minh.

Năm 2008, Tuấn gia nhập nhóm M6 (gồm Ngô Tự Lập, Nguyễn Lê Tâm, Trần Đức Minh, Nguyễn Thắng, Nguyễn Vĩnh Tiến , Giáng Sol…), Tuấn có nhiều sản phẩm cùng M6 như album "Hà Nội M6 phố" (2010) , album "Những đường bay" và vol 3 "Đêm nhiệt đới".

Năm 2011, Tuấn tự tách mình khỏi M6, vào Sài Gòn chơi nhạc tự do. Thời gian này Tuấn viết nhạc phim cho bộ phim "Lục lạc huyền bí" của đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh. Trong thời gian chỉ khoảng 20 ngày, Tuấn đã viết và thu âm xong 8 ca khúc cho bộ phim. Sau nhiều năm, kể cả khi tách khỏi bộ phim, các ca khúc vẫn trở thành những tác phẩm độc lập và có chỗ đứng trong lòng khán giả, tiêu biểu như: Rời tổ, Phượng mơ, Hướng dương cổ tích, Giảng đường như mơ…

Năm 2012, Tuấn trở ra miền Bắc, chọn Hà Nội làm nơi sinh sống và hoạt động nghệ thuật cho đến khi qua đời.

Tuấn có nhiều đêm nhạc độc đáo và khác biệt, để lại ấn tượng lớn trong lòng khán giả Thủ đô và khán giả cả nước như: "Vào ngay rạp xiếc thú" cùng Nguyễn Thắng tại American Club(2012), "Tiếng gáy thời gian" tại Sumvilla (2013), "Hà Nội cúc vàng" tại Jam bar Café (2013), "Đêm ngoại ô" tại Hanoi rock city (2014), "Rời Tổ" tại L'espace Hà Nội (2015)…

Tháng 11/2021, tiết mục "Thánh Chân đất Việt" do Nguyễn Tuấn đồng sáng tác được Huy chương bạc Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc 2021. Tháng 10/2022, ca khúc "Bồ Câu hạt Thóc" của Nguyễn Tuấn được chọn làm ca khúc dự thi tại Vòng Chung kết toàn quốc Giải Sao Mai 2022 dòng nhạc Thính phòng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem