Nhạc sĩ Tuấn Gà (Nguyễn Tuấn) vĩnh biệt cõi tạm vào hồi 3h25' sáng 23/2, ở tuổi 45. Trên trang cá nhân, nhiều bạn bè gửi lời thương tiếc tới người đàn ông tài hoa nhưng đoản mệnh. Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến viết: "Vĩnh biệt em, một cựu thành viên của nhóm tác giả M6. Những tác phẩm xuất sắc của em như : "Tiếng gáy thời gian", "5 hồi chuông ký ức", "Áo cũ dây phơi", "Bồ câu hạt thóc".... sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng".
Trong khi đó, ca sĩ Đinh Mạnh Ninh chia sẻ: "Hẹn gặp lại anh ở một cuộc đời khác. Em biết dù ở thế giới nào, không gian nào thì anh vẫn sẽ cất vang tiếng gáy dù cuộc đời không phải lúc nào cũng là sớm bình minh…".
Nguyễn Tuấn sinh năm 1977 trong một gia đình khá giả ở Hải Phòng. Thuở ấu thơ, anh cùng cha mẹ và một số người dân xứ Cảng vượt biên, gặp nạn đắm thuyền dạt vào Trung Quốc, Sau biến cố, Nguyễn Tuấn từng cõng em đi ăn xin, sau đó, sống trong trại tị nạn dành cho người Việt tại HongKong.
Năm 1992, Nguyễn Tuấn cùng gia đình trở về quê hương. Anh viết ca khúc đầu tiên mang tên Cảm xúc giao mùa vào năm 17 tuổi. Năm 1997, anh tham gia ban nhạc The Ocean của Đại học Hàng Hải và tham dự Liên hoan các ban nhạc sinh viên toàn quốc, tổ chức các đêm nhạc riêng.
Tới năm 1998, Tuấn Gà từ bỏ âm nhạc. Anh tập trung vào kinh doanh, với công việc chính là nghề xăm. Cho đến một ngày, anh sơ ý để mũi kim đâm vào tay mình và sau đó nghe tin vị khách qua đời vì HIV. Tuấn Gà quyết định quay lại với đam mê và cho ra đời hàng loạt tác phẩm chất lượng, được người nghe yêu thích và đón nhận.
Năm 2006, Nguyễn Tuấn tham gia chương trình Bài Hát Việt với ca khúc Em là ai. Đây cũng là ca khúc góp phần giúp Nguyễn Phước Vũ Bảo giành giải Nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình. Năm 2008, anh gia nhập nhóm M6 với các nhạc sỹ như Trần Đức Minh, Ngô Tự Lập, Giáng Son, Nguyễn Thắng, Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Tuấn... Anh đóng góp cho nhóm nhiều nhạc phẩm giá trị như Bồ câu hạt thóc, Áo cũ dây phơi.
Âm nhạc của Nguyễn Tuấn chân thực, bình dị, với khả năng sử dụng ngôn từ nổi trội. Không nhiều người viết có thể đưa vào ca khúc những câu từ vừa bình dân, nhưng cũng giàu sức gợi tả: "Lỏng buông xe điếu, cái mắt nheo vào, nhả khói ra", "Đìu hiu trong gió/Nỗi nhớ quê nhà tuột phấn son", "Lại xem con rết, cắn chết con nhện, bà lão ơi", "Gà thấy đau xót trong lòng tiếng Ô Kê"... Người nghe nhạc của anh dễ dàng đắm chìm vào một thế giới vừa phiêu du, lãng mạn, vừa trào phúng, đậm chất đời.
Được nhiều khán giả yêu thích nhưng Tuấn Gà không nghĩ tới việc kiếm tiền từ âm nhạc. Anh sống bản năng, lập dị, ngại nói về mình. Cũng bởi vậy, Tuấn Gà thường được coi là gương mặt tiêu biểu của giới indie, thay vì nghệ sĩ của các sân khấu lớn.
Trong cuộc sống riêng, nhạc sĩ Tuấn Gà cũng gặp những gập ghềnh, khi hôn nhân tan vỡ. Trúc Linh - cô con gái đầu lòng của anh từng xuất hiện trong chương trình “Ba là nhất” và chia sẻ nỗi buồn khi thấy bố đi xây dựng cuộc sống mới. Chỉ tới sau này, cô mới hiểu và thương bố nhiều hơn.
Cuộc dạo chơi của Tuấn Gà tại trần thế đã vội vã kết thúc ở tuổi 45, khi có lẽ, tại đâu đó, những giấc mơ của anh còn dang dở. Thế nhưng, trong nhiều thế hệ người nghe, sẽ còn đó một Tuấn Gà kiêu bạt, dị thường và quá đỗi tài hoa, với “Tiếng gáy cưỡi mây hồng, đồng vọng trong gió đón ngày mới đến!”
Ca khúc "Tiếng gáy thời gian" do nhạc sĩ Tuấn Gà trình bày. (Clip: Youtube nhân vật)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.