Nghe theo "anh cả", 9 nông dân Hải Dương lập hợp tác xã, nuôi lợn cho ăn thảo dược bán đắt tiền
Nghe theo "anh cả", 9 nông dân Hải Dương lập hợp tác xã, nuôi lợn cho ăn thảo dược bán đắt tiền
Thứ năm, ngày 14/12/2023 17:47 PM (GMT+7)
Nông dân Bùi Văn Lĩnh ở khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa (Chí Linh, Hải Dương) đã có nhiều sáng tạo trong sản xuất, liên kết cùng nhiều nông dân cùng làm giàu.
Tháng 5/2023, Hợp tác xã Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm sạch ANECO chính thức ra mắt với 9 thành viên đều là nông dân của khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa (Chí Linh). Ông Bùi Văn Lĩnh là thành viên sáng lập được bầu làm Giám đốc điều hành.
Ông chia sẻ, các thành viên hợp tác xã đều là chủ các trang trại, gia trại chăn nuôi gà đồi, lợn ở khu dân cư Cầu Dòng. Nhiều năm nay 9 thành viên đều luôn gắn bó, liên kết sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cùng nhau vượt khó…
Ông Lĩnh chia sẻ, nhiều giai đoạn thị trường biến động tiêu cực đối với người chăn nuôi. Giá cám có lúc tăng gấp rưỡi, ở mức 370.000 đồng/bao 25 kg, trong khi lợn hơi có lúc chỉ trên 40.000 đồng/kg; chưa kể những thời điểm có bệnh dịch hoành hành…
Để ứng phó khó khăn, ông Lĩnh đã lên ý tưởng thành lập và vận hành Hợp tác xã ANECO nhằm gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau, hướng tới sản xuất thực phẩm sạch và tạo kênh tiêu thụ ổn định. Trong dịp tổ chức lễ hội Festival Chí Linh-Hải Dương 2023, các sản phẩm chính của hợp tác xã đã được tăng cường quảng bá như thịt sạch và các loại giò, chả, nem chua, xúc xích… chế biến từ thịt lợn nuôi bằng thảo dược.
Ông Bùi Văn Lĩnh ở khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa (Chí Linh, Hải Dương) luôn bám sát hoạt động của hợp tác xã, mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm để khẳng định thương hiệu trên thị trường.
“Trong 3 ngày lễ hội, chúng tôi đã bán trên 1 tấn sản phẩm chế biến. Những sản phẩm này vừa được TP Chí Linh công nhận đạt OCOP 3 sao. Đó là cơ sở để hợp tác xã tiếp tục hoàn thiện thương hiệu, gắn mã QR truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Lĩnh cho biết.
Sau hơn 6 tháng hoạt động, bước đầu các thành viên Hợp tác xã ANECO duy trì nguồn nguyên liệu khoảng 1.200 lợn thịt và trên 200 lợn nái để chủ động nguồn lợn giống. Trên cơ sở đó, hợp tác xã hiện xuất bán bình quân khoảng 300 kg thành phẩm/ngày. Ngoài 1 quầy hàng bán trực tiếp tại chợ Sao Đỏ (Chí Linh), hợp tác xã đã tạo dựng website và kết nối để các thành viên tăng cường bán hàng trên mạng; đồng thời phân phối sản phẩm qua các đại lý ở các khu đô thị OCEAN Park Hưng Yên, Sala Hà Đông, quận Hoàng Mai (Hà Nội), tại ngã ba Gia Lộc (huyện Gia Lộc) và một số cộng tác viên bán hàng tại TP Hải Dương.
Được coi là “anh cả” của nhóm anh em trước kia và nay là Hợp tác xã ANECO, ông Lĩnh đã có 2-3 năm mày mò thử nghiệm để hoàn thiện công thức tự sản xuất thức ăn gia súc bằng nông sản và thảo dược sẵn có.
Các loại hạt ngô, mạch, khô đậu, các thảo dược như quế, hồi, yến chi, tỏi, thảo quả... được ông Lĩnh mua về phối trộn theo tỷ lệ thích hợp cho từng loại vật nuôi, từng độ tuổi và có hướng dẫn sử dụng cụ thể cho thành viên trong nhóm.
Những thành quả hôm nay của ông Lĩnh là quá trình đúc rút kinh nghiệm trong hơn 20 năm lăn lộn mưu sinh. Những năm đầu thập niên 90, sau khi rời quân ngũ về lập nghiệp tại quê hương ở xã Lê Hồng (Thanh Miện), do cuộc sống khó khăn, lại có người quen chỉ vẽ, ông Lĩnh và gia đình đã lên Cầu Dòng nhận khoán 1 ha đồi rừng khi Nông trường Chí Linh chuyển đổi hoạt động.
Ông và gia đình đã kiên trì vượt bao thăng trầm… thậm chí có lúc trắng tay do dịch bệnh. Nhưng với tính cần cù, sáng tạo, gia đình ông dần tạo dựng được cơ ngơi hiện tại. Trang trại của gia đình ông hiện có 6.000 m2 vườn đồi trồng nhãn, na, vải, gần 2.000 m2 chuồng trại nuôi 700 lợn thịt và 120 lợn nái, khoảng 400 con gà thả đồi… với tổng nguồn thu khoảng 5 tỷ đồng/năm.
Ở tuổi 55, ông Bùi Văn Lĩnh, người nông dân từng là người lính vẫn luôn đau đáu phát triển chăn nuôi và chế biến thực phẩm sạch. “Về lâu dài, hy vọng sản phẩm của hợp tác xã chúng tôi có thể có chỗ đứng vững chãi trong các siêu thị…” ông Lĩnh nói.
Theo ông Nguyễn Đình Luyện, một thành viên hợp tác xã ANECO, thời gian nuôi lợn bằng thức ăn thảo dược tự tạo thường kéo dài hơn, khoảng 6 tháng/lứa so với 4 tháng/lứa nuôi bằng cám công nghiệp. Nhưng giá thành thức ăn rẻ hơn khoảng 2.000-3.000 đồng/kg, trong khi giá bán sản phẩm cao hơn khoảng 10-15% so với thịt lợn nuôi bằng cám công nghiệp, nên hiệu quả kinh tế tương đương nhau.
Cái lợi lớn nhất khi chăn nuôi bằng thảo dược là tăng sức đề kháng của vật nuôi, hạn chế phải dùng kháng sinh, hóa chất vệ sinh chuồng trại nên giảm được chi phí. Chất thải từ vật nuôi không hôi. Thực phẩm từ vật nuôi bằng thảo dược được nhiều người tiêu dùng đánh giá ngon, thơm hơn.
"Nhiều năm liền ông Lĩnh đã được công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố", ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Kinh tế TP Chí Linh cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.