Nuôi chim bồ câu bổ dưỡng, đẻ sòn sòn, ông nông dân Hải Dương lãi nửa tỷ/năm
Nuôi loại chim bổ dưỡng, đẻ sòn sòn, ông nông dân Hải Dương có doanh thu nửa tỷ/năm
Nguyễn Việt
Thứ bảy, ngày 09/12/2023 12:54 PM (GMT+7)
Bộn bề bao việc từ nuôi cá ao, cá lồng trên sông, đến kinh doanh vật liệu xây dựng, ai cũng nghĩ ông Nguyễn Văn Tuệ, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) sẽ nghỉ ngơi tuổi già. Đùng cái ông "bày vẽ" nuôi chim bồ câu. Ai cũng nghĩ ông nuôi chơi, không ngờ lại cho lãi cao.
"Bày vẽ" nuôi chim bồ câu, tưởng nuôi chơi, ai ngờ lãi cao
Khi chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Tuệ, 63 tuổi, thôn Linh Khê, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương), người nhà cho biết, ông đang bận việc lắp đặt, sửa chữa máy móc ở ngoài bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng của gia đình bên sông Kinh Thày.
Ngồi đợi ông trong căn biệt thự bề thế, khang trang của gia đình lão nông này, chúng tôi thầm cảm phục ý chí làm giàu của ông.
Khi trò chuyện với ông Tuệ được biết, năm 2020, ông mới bắt đầu nuôi chim bồ câu, khi đó ông đã 60 tuổi. Độ tuổi này, nhiều người đã không thiết gì đến việc làm ăn nữa mà tính đến việc nghỉ ngơi, vui thú tuổi già bên con cháu.
Ông Tuệ đến với nuôi chim câu xuất phát từ một lần đến thăm bạn. Gia đình người bạn này nuôi chim bồ câu Pháp phát triển khá tốt.
Thấy vậy ông quyết định "tậu" vài chục đôi về nuôi thử. Những con chim phát triển tốt nhưng khi đến tuổi sinh sản lại không đẻ trứng. Lúc đó, ông khá chán nản, mặc dù được ghép đôi cẩn thận mà chúng vẫn cứ "ngây" ra.
Ông Nguyễn Văn Tuệ, thôn Linh Khê, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương năm 2020 phát triển nuôi chim bồ câu Pháp. Hiện ông đang nuôi 1000 đôi chim bố mẹ. Ảnh: Nguyễn Việt.
Tìm hiểu, ông Tuệ mới "vỡ" ra nguyên nhân chim không sinh sản là do ông chứ không phải do chim. Do khi đó, ông chưa có kinh nghiệm phân biệt chim đực, chim cái thành thử ghép nhầm.
Lúc thì ghép 2 con chim đực, lúc lại ghép 2 con chim cái với nhau, thành thử các cặp chim sau khi ghép đều "tịt", không một lần "đơm hoa kết trứng".
Sau đó, ông được bạn bè nuôi chim bồ câu thành công hướng dẫn cách phân biệt chim đực, chim cái, ghép đôi, ấp trứng.
Khi đã ghép thành công, chim đẻ trứng và ấp trứng nở thành chim non, ông Tuệ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây chuồng trại rộng hàng trăm mét vuông, mua 400 cặp chim bồ câu Pháp về nuôi.
Trong quá trình nuôi, ông Tuệ luôn đặc biệt quan tâm đến việc phòng trừ dịch bệnh cho chim. Ông lắp đặt 7 chiếc quạt để mùa hè bảo đảm chuồng chim không nóng bức, luôn thoáng mát.
Mặt khác, ông thường xuyên kiểm tra và có nhiều biện pháp phòng trừ dịch bệnh kịp thời, để bảo đảm sức khoẻ cho hàng nghìn con chim trong chuồng.
Ông Tuệ, nông dân nuôi chim bồ câu giỏi ở xã Thanh Quang, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) kiểm tra trứng ấp trong lò. Ảnh: Nguyễn Việt.
Ông Tuệ cho biết: Nuôi chim bồ câu không quá vất vả, trong quá trình nuôi, tôi nhận thấy chim hay mặc bệnh nấm diều.
Để phòng trừ bệnh này, tôi thường xuyên quan tâm đến khâu vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, máng ăn.
Thức ăn cho chim ăn tôi cho lượng cám vừa đủ để chim ăn hết khẩu phần.
Không để thức ăn thừa lưu cữu hoặc khi thấy còn thức ăn cũ phải dọn bỏ đi và cho thức ăn mới vào. Khi bảo đảm được điều này, chim ít bị dịch bệnh.
Để phục vụ, việc sản xuất con giống, tỷ lệ trứng nở thành chim đạt cao, ông Tuệ đầu tư mua máy ấp trứng, với công suất ấp đạt 1000 trứng mỗi lần ấp.
Khi trứng nở thành chim non, ông Tuệ một mặt nuôi để bán chim thương phẩm, một mặt ông lựa chọn những con chim đực, chim cái khoẻ mạnh, đẹp mã để làm chim bố mẹ, để tăng số lượng chim bố mẹ trong trại.
Hiện nay, trại chim bồ câu của gia đình ông Tuệ đạt 1000 cặp chim bố mẹ.
Clip: Lão nông ở Hải Dương "bày vẽ" nuôi chim bồ câu, tìm "bí quyết" ghép đôi sinh sản, mỗi năm thu nửa tỷ đồng. T/h: Nguyễn Việt.
Với quy mô nuôi 1000 cặp chim bồ câu bố mẹ và với tỷ lệ ấp nở đạt kết quả cao, thời gian nuôi ngắn từ 45 – 50 ngày được xuất bán.
Vì vậy mỗi tháng ông Tuệ bán 250 đôi, với giá 160.000 đồng/đôi. Mỗi năm ông xuất bán 6000 con chim, thu về 480 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí ông Tuệ bỏ túi 300 triệu đồng.
Ông Trần Quang Toản, cán bộ Hội Nông dân huyện Nam Sách cho biết: Theo cá nhân tôi đánh giá mô hình này đầu tư hợp lý, bởi vì vốn đầu tư không nhiều, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thứ hai, với mô hình nuôi như này, ít dịch bệnh xảy ra, đấy cũng là ưu điểm của mô hình. Thứ ba, về áp dụng khoa học kỹ thuật cũng không đòi hỏi kỹ thuật cao lắm thì có thể dễ nhiều người thực hiện. Nếu bà con nào có nhu cầu hoặc muốn đầu tư làm tôi nghĩ không khó.
Không nguôi khát vọng làm giàu
Không chỉ có mảng nuôi chim bồ câu ông Tuệ còn làm nhiều lĩnh vực khác như: Nuôi cá ao, nuôi cá lồng, kinh doanh bến bãi vật liệu xây dựng.
Trò chuyện với lão nông này mới thấy khát vọng làm giàu, khát vọng đổi đời chưa bao giờ nguôi. Khát vọng đó được thực hiện từ khi ông còn trẻ đã có ý chí vươn lên, năng động xoay sở làm ăn, không cam chịu đói nghèo và cho đến khi ông đã có tuổi. Khát vọng đó vẫn không giảm ngay cả khi ông đã có đủ đầy tất cả, cuộc sống sung túc, giàu có, ở nhà biệt thự đắt tiền.
Ông Tuệ bên khu chuồng chim bố mẹ nuôi chim con. Ảnh: Nguyễn Việt.
Năm 1982, sau 5 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tuệ xuất ngũ về làng khi đó mới 22 tuổi.
Không như nhiều trai làng cắm mặt vào đồng ruộng cấy cây lúa, củ khoai đắp đổi qua ngay và chấp nhận cuộc sống đạm bạc, thiếu thốn, Nguyễn Văn Tuệ hướng ngay vào việc làm kinh tế.
Với lợi thế nhà ở cạnh sông Kinh Thầy, Tuệ kinh doanh vật liệu xây dựng là cát xây dựng. Nhiều năm sau này, việc kinh doanh được mở rộng bằng việc mua lại bến bãi để phát triển quy mô lớn hơn, với doanh thu hàng tỷ đồng.
Không dừng lại ở việc làm bến bãi, khoảng năm 2008 ông Tuệ thầu ao nuôi cá với diện tích rộng 30 nghìn m2 để nuôi cá rô phi.
Sau đó, ông nhận thấy mặt nước, dòng chảy của sông Kinh Thầy phù hợp với việc nuôi cá lồng. Nghĩ là làm, năm 2010, ông Tuệ là một trong những người đầu tiên làm lồng bè để nuôi cá trên sông. Hiện, ông có 46 lồng để nuôi cá rô phi, cá chép.
Theo ông Tuệ cho biết, hiện nay hằng năm từ cá ao và cá lồng ông thu hoạch được trên 60 tấn cá bán ra thị trường. Sau khi trừ chi phí ông cũng lãi được trên 300 triệu đồng.
Năng động, nhạy bén và chăm chỉ làm ăn nên kinh tế gia đình ông ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng khấm khá, sung túc. Sau nhiều năm tích luỹ, ông Nguyễn Văn Tuệ đã xây một ngôi biệt thự bề thế, khang trang, nuôi con cái học hành đầy đủ và trưởng thành.
Khi được hỏi, ông có định hướng gì cho việc phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh gì không?
"Kế hoạch nuôi chim này, tôi đang định hướng mở thêm 1000 đôi nữa. 1000 đôi này sẽ mở theo hướng ra sông. Tức là nó sẽ nằm trên mặt lồng cá. Dưới mình nuôi cá, trên mình nuôi chim. Tôi đang có hướng như thế", ông Tuệ cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.