"Nghệ thuật" trồng dưa kim quả to, sai trĩu của nông dân Vĩnh Bảo

KS. Trần Thị Liên Thứ năm, ngày 28/03/2019 06:05 AM (GMT+7)
Xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) là địa phương có bề dày kinh nghiệm trồng dưa kim ở miền Bắc nước ta. Mỗi vụ sản xuất, diện tích trồng dưa kim của xã lên đến 50ha, năng suất từ 8 tạ đến 1 tấn/sào Bắc Bộ, giá bán cũng luôn cao nhất trong khu vực.
Bình luận 0

Thăm quan những cánh đồng trồng dưa nơi đây, chúng tôi nhận thấy từ cách làm luống, bố trí mật độ, cách đặt cây trên luống đến việc định số nhánh, số lá trên thân là cả một “nghệ thuật” mà bấy lâu nông dân nơi đây dày công tích lũy. Xin chia sẻ những kinh nghiệm này để bà con tham khảo.

img

Kỹ thuật lên luống mái nhà, trồng dưa ở chính giữa cho bò sang hai bên của nông dân Tân Hưng. Ảnh: T.T.L

Với cách làm luống, trồng dưa kim như trên, vụ thu đông vừa qua, nhiều hộ dân ở Tân Hưng đã thu về trên 100 triệu đồng chỉ với 1 mẫu dưa.

- Cách lên luống trồng cây: Nông dân Tân Hưng lên luống trồng dưa kim lại theo kiểu mái nhà (cao ở giữa thoải về hai bên mé luống).Vị trí đặt bầu cây cũng là chỗ cao nhất của luống (giữa luống), khác hẳn cách làm truyền thống (đặt cây vào mé luống để dưa bò dần ra giữa cho đến mé luống bên kia).

Chiều rộng của luống từ 1,8 - 2m nhưng mật độ trồng thì cao hơn: Cây cách cây 20 - 25cm (mật độ 500 - 550 cây/sào). Lên luống cao ở giữa (chỗ vị trí đặt cây) sẽ có tác dụng làm cho gốc dưa sau này không bị thối, hỏng do bị đọng nước sau mưa, vì vốn dĩ cây dưa kim có bộ rễ, thân, gốc yếu hơn các loại dưa khác.

- Cách định số nhánh, số lá/cây và định hướng bò cho dưa: Vì trồng ở giữa luống với mật độ dày hơn thông thường và để ngọn dưa bò sang hai bên như đan, nên nông dân Tân Hưng không để nhánh dưa bò dài như truyền thống. Mỗi cây dưa chỉ để 15 - 17 lá/thân chính và để thêm 3 chèo, mỗi chèo 1 - 2 lá. Tổng số lá/cây sẽ có khoảng 21 - 22 lá.

img

Dưa kim Vĩnh Bảo (Hải Phòng) nổi tiếng thơm ngon. 

Trên một gốc dưa thường chỉ để 1 thân. Hai dây dưa liền nhau cho bò ngược chiều về hai phía (so le) để dưa phủ kín luống và dây dưa không bị chồng chéo nhau. Hướng ngọn về hai bên như vậy cũng sẽ giúp cho việc tuyển quả sau này được dễ dàng. Số quả/luống sẽ nằm dàn đều về hai phía chứ không cùng một hàng như phương pháp truyền thống. Quả nọ không tiếp giáp quả kia nên đầy đủ ánh sáng và to đều, dựng quả thuận lợi, màu quả đẹp hơn…

Anh Dương Văn Hùng - nông dân trồng dưa xã Tân Hưng cho biết: Ban đầu khi chuyển từ trồng dưa hấu sang dưa kim, chúng tôi cũng làm luống, đặt cây như trồng dưa hấu, song dưa kim được lai tạo và cùng dòng với dưa lê nên thân chính không cần bò dài.

Vì vậy nhiều người đã mày mò trồng thử ra giữa luống và không làm luống cao giữa. Sau khi gặp một số bất lợi (dưa hay bị thối gốc sau mưa, lá um tùm làm quả không đẹp, không to, dây dưa chồng chéo khiến sâu bệnh gây hại nhiều...), nông dân Tân Hưng đã rút kinh nghiệm và dần khắc phục.

Với thân dưa, để bò từ giữa luống ra 2 bên sẽ hạn chế về chiều dài hơn so với trồng vào một mé luống. Vậy thì việc tuyển quả sẽ như thế nào? Anh Hải - một đại lý chuyên cung ứng vật tư cho nông dân trong vùng giải thích: Khác với trồng một mé, khi trồng ở giữa luống đòi hỏi vị trí tuyển quả sẽ phải gần gốc hơn.

Theo đó, nông dân sẽ lấy quả từ lá thứ 5 - 8 (cách trồng thông thường lấy quả từ lá 8 - 10). Song, với cách để 3 chèo (mỗi chèo từ 1 - 2 lá nữa) thì vẫn đảm bảo cho một gốc dưa có 21 - 22 lá. Số lá đó đủ để quang hợp và nuôi quả để quả to, mã đẹp. Cuối vụ dưa vẫn phủ kín hết bề mặt luống là đủ để quả phát triển thuận lợi và chín ngọt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem