Phát ngán với rau VietGAP?
Với diện tích canh tác gần 9ha rau xanh được trồng theo quy trình VietGAP, mỗi tháng HTX Phước Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn rau xanh các loại. Thế nhưng, theo đại diện HTX, chỉ có khoảng 40% trong số này được bán cho siêu thị, một số bếp ăn, số còn lại các xã viên phải bán qua thương lái với giá bán như các loại rau thông thường khác.
Lâu ngày nhiều hộ trồng rau không còn mặn mà với mô hình trồng rau VieGAP, rau an toàn (RAT), số hộ dân tham gia trồng RAT tại HTX ngày càng giảm. Thay vì tiếp tục đăng ký sản xuất an toàn, nhiều xã viên đã xin rút ra khỏi HTX để quay về trồng rau theo phương pháp truyền thống”- vị đại diện HTX cho biết.
Thành viên HTX Rỗng Tượng (Tây Ninh) thu hoạch khổ qua trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.ảnh: T.Đ
Hiện HTX đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng sơ chế rau với diện tích hơn 400m2, được chia thành từng khu xử lý, như bể ôzôn diệt khuẩn, hệ thống máy vắt ly tâm, sắp xếp đóng gói dán nhãn… Theo bà Nguyễn Thị Bé (xã Tân Hải, Tân Thành, BR-VT), trước đây bà từng cung cấp rau an toàn cho HTX Phước Hải. Thấy không có lợi nhuận, lại tốn nhiều công sức nên từ năm 2014, bà đã chuyển sang trồng rau theo phương pháp cũ. “Tôi và một số nông dân bán rau cho HTX phải quay về với phương pháp trồng truyền thống để bán cho thương lái” - bà cho biết.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế và tạo động lực thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ RAT trong những năm tới, Sở đã hoàn tất Đề án “Sản xuất , sơ chế và tiêu thụ RAT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”, nhằm hướng đến sản xuất hàng hóa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong tỉnh và cưng ứng cho các tỉnh lân cận, nhất là thị trường TP.HCM.
|
Chủ tịch HĐQT HTX Rau an toàn Thắng Lợi (xã Phước Hưng, huyện Long Điền, BR-VT) Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, mỗi tháng HTX cung ứng ra thị trường khoảng 30 tấn RAT. Tuy nhiên, RAT của HTX chỉ bán được cho các thương lái và cũng với giá ngang với rau thông thường nên lãi không cao. “Để duy trì sản xuất RAT, chúng tôi phải đi vận động từng hộ trồng RAT nhưng cũng chỉ với số lượng cầm chừng”- ông Bình nói.
Được biết, năm 2014 HTX có 81 thành viên nhưng hiện chỉ còn lại 45 thành viên tham gia sản xuất, cung ứng rau an toàn.
Tình hình này cũng đang xảy ra tại Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau Hưng Việt (phường Ninh Thạnh, TP.Tây Ninh). Anh Bình – Tổ trưởng THT cho biết, cái khó nhất của các thành viên là đầu ra cho sản phẩm. Rau VietGAP sản xuất ra bán cho siêu thị 5 – 10 kg/ngày trong khi THT sản xuất ra cả tấn rau/ngày. “Các thành viên trong THT phải bán rau cho các thương lái với giá rau như rau thông thường”- anh nói.
Vẫy vùng trong khốn khó
Theo Sở NNPTNT tỉnh BR-VT hiện tổng diện tích trồng rau trên địa bàn tỉnh khoảng 7.600ha, trong đó diện tích RAT hơn 800ha với 38 vùng. Sở đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho 22 tổ, với diện tích hơn 100ha. Đồng thời, đầu tư 6 nhà sơ chế rau an toàn. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 4 nhà sơ chế hoạt động, 2 nhà sơ chế tại HTX Thắng Lợi (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) và ở xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ) đã ngừng hoạt động.
Theo ông Trịnh Đức Toàn - Phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản BR-VT, mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi hiện nay còn khá mới mẻ nên việc tiêu thụ sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn ở khâu phân phối, lưu thông, quảng bá. Tới đây, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện của đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, đồng thời công bố rộng rãi các cơ sở RAT trong chuỗi để đưa sản phẩm RAT đến gần hơn người tiêu dùng trong tỉnh.
Trong khi đó, tại Tây Ninh, nhằm thực hiện Đề án “Quy hoạch sản xuất, phát triển, tiêu thụ RAT trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020”, Sở NNPTNT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, chuyển giao KHKT và hướng dẫn xây dựng các mô hình RAT theo hướng VietGAP cho nông dân. Mặc dù vậy, cứ đến khâu tiêu thụ sản phẩm là nông dân lại bị “tắc” vì hầu như RAT chỉ bán cho thương lái với giá ngang rau thông thường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.