Rau an toàn, VietGAP nghẽn đầu ra, nông dân xin chuyển canh tác truyền thống

Thứ ba, ngày 14/06/2016 13:27 PM (GMT+7)
Đa số các HTX sản xuất rau củ quả VietGAP trong liên hiệp, mỗi ngày chỉ mới cung cấp cho các siêu thị, đơn vị phân phối nhỏ lẻ trên địa bàn TP.HCM từ 500 kg – 2 tấn rau các loại. Sản lượng lớn rau, củ, quả còn lại nông dân phải loay hoay tìm cách bán chợ.
Bình luận 0

img

Hầu hết các HTX RAT, VietGAP ở Long An đang phải loay hoay kiếm đầu ra cho xã viên.

Long An đang thực hiện đẩy mạnh mở rộng vùng SX rau an toàn (RAT) đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, nhiều vùng RAT của tỉnh lại đang gặp khó khăn.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, diện tích gieo trồng RAT của tỉnh hiện đạt 6.320ha, trong đó, diện tích đăng ký SX theo tiêu chuẩn VietGAP là 90 ha. Hiện toàn tỉnh đã có 13 HTX được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện SX và sơ chế RAT, số HTX nói trên tập trung ở các huyện như Cần Đước, Cần Giuộc và Đức Hòa.

Huyện Cần Giuộc là địa phương được UBND tỉnh quy hoạch diện tích trồng RAT nhiều nhất trong tỉnh với trên 1.800 ha. Toàn huyện có 22 tổ SX và 7 HTX trong lĩnh vực trồng RAT, 739 nông dân tham gia trồng rau với diện tích 314 ha. Trong đó đã có 6 cơ sở được cấp giấy chứng nhận theo quy định gồm HTX Phước Hiệp, Phước Thịnh, Tân Kim, Tân Vạn Hưng, Hoàng Mỹ và tổ RAT Hưng Phát xã Phước Hậu.

Năm 2014, Long An đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận VietGAP cho các HTX RAT Phước Hòa, Phước Hiệp và HTX sản xuất - kinh doanh rau củ quả an toàn Tân Hiệp. Ngoài ra, Sở NN-PTNTLong An đã thực hiện Dự án "Mở rộng vùng RAT đạt tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Phước Hậu của huyện Cần Giuộc, xã Long Khê, huyện Cần Đước và xã Đức Lập Hạ, thuộc huyện Đức Hòa.

Việc đẩy mạnh mở rộng vùng RAT đạt tiêu chuẩn VietGAP đã giúp nâng tầm trình độ SX của nông dân trồng rau màu tỉnh. Tuy nhiên, mặc dù diện tích SX rau được chứng nhận VietGAP của tỉnh Long An liên tục tăng, nhưng việc tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm rau, quả VietGAP của các HTX trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Kiều Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX tỉnh Long An cho biết, đa số các HTX sản xuất rau củ quả VietGAP trong liên hiệp, mỗi ngày chỉ mới cung cấp cho các siêu thị, đơn vị phân phối nhỏ lẻ trên địa bàn TP.HCM từ 500 kg – 2 tấn rau các loại. Sản lượng lớn rau, củ, quả còn lại nông dân phải loay hoay tìm cách bán chợ.

Lý giải nguyên nhân rau VietGAP Long An chưa tiếp cận được vào thị trường TP.HCM, trong khi nhu cầu của người dân thành phố đang tăng mạnh, ông Dũng cho hay, về mặt chất lượng, sản phẩm rau VietGAP Long An không thua kém bất cứ vùng rau an toàn nào khác ở TP.HCM hay Đà Lạt. Hơn nữa, vùng chuyên canh sản xuất RAT, VietGAP ở huyện Cần Giuộc, Cần Đước đã hình thành từ rất lâu, trình độ chuyên canh rất bài bản.

Tuy nhiên, do quá trình thực hiện, chuyển đổi qua SX rau VietGAP được thực hiện muộn (mới từ năm 2012 trở lại đây) nên việc xúc tiến thương mại (XTTM) đi sau các vùng chuyên canh rau VietGAP khác, từ đó mất đi lợi thế. Mặc khác, tại các huyện ven TP.HCM như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi đều hình thành các vùng chuyên canh RAT có quy mô khá lớn. Hầu hết các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM đều lấy hàng từ đây. Do đó, sản phẩm rau VietGAP của tỉnh không thể chen chân vào sâu được.

Ông Phan Văn Tân, Phó GĐ HTX Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước) cho biết, mỗi ngày HTX của ông chỉ có thể đưa 1,5 tấn rau các loại cung cấp cho siêu thị Coopmart tại TP.HCM, sản lượng hơn 2 tấn rau còn lại các xã viên phải tìm mọi cách để bán chợ.

img

 XTTM, kết nối thị trường đang bị “nghẽn” khiến sản phẩm rau sạch các HTX bí đầu ra.

Vài năm trước đây, HTX được sự hỗ trợ của Sở Công thương, Liên hiệp năm nào cũng đưa sản phẩm của HTX tham dự các hội chợ nông nghiệp, cũng như đưa hàng vào chợ đầu mối Bình Điền của TP. Hồ Chí Minh để bán và giới thiệu sản phẩm đến hệ thống các siêu thị, nhà hàng, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, HTX cũng như đi bán lẻ từng kg rau rồi về chớ không thu được kết quả.

Theo ông Tân, chính vì lượng tiêu thụ sản phẩm rau VietGAP của HTX không ổn định đã khiến cho các xã viên ngày càng không mặn mà. Thay vì tiếp tục đăng ký tái chứng SX theo hướng VietGAP, nhiều xã viên xin rút và chuyển sang canh tác truyền thống như trước đây.

“Sản xuất VietGAP đòi hỏi kiểm soát chặt về vệ sinh ATTP tới lúc thu hoạch, tốn nhiều chi phí, năng suất không cao hơn, nhưng lại không bán được thì xã viên không mặn mà là phải”, ông Tân nói.

Dạo quanh một số HTX sản xuất RAT khác như Phước Hiệp, Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc) tình hình tiêu thụ sản phẩm rau VietGAP tại các siêu thị trên TP.HCM cũng rất nhỏ lẻ. Mỗi ngày các HTX trên chỉ cung cấp được từ 1 – 1,5 tấn rau các loại, đa số sản lượng còn lại vẫn phải bán chợ là chủ yếu.

Theo ông Kiều Anh Dũng, ngoài việc kết nối vùng nguyên liệu sạch gặp khó khăn thì trong chuỗi thực phẩm an toàn hiện nay việc tham gia giữa các DN còn thiếu chặt chẽ. Có những chuỗi sản phẩm DN chỉ tham gia ở khâu cung ứng đầu vào, thiếu đơn vị đứng ra bao tiêu, chế biến, bảo quản và vận chuyển. Chính vì thế, sản phẩm nông dân làm ra dù đảm bảo an toàn, nhưng trong khâu vận chuyển, tiêu thụ chưa đảm bảo, khiến sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng chất lượng lại không đảm bảo.

Thanh Sa (Nông Nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem