“Tiêu chuẩn hộ nghèo với những quyền lợi đi kèm, nào là có bảo hiểm, được vay vốn hộ nghèo, được hỗ trợ xây nhà... đã “ru ngủ” một bộ phận lớn người dân miền núi. “Đã là hộ nghèo thì không ai muốn hết nghèo, người không được hộ nghèo thì “phấn đấu” tìm cách để “được” nghèo” - lời ông Bằng.
Theo ông Bằng, đồng bào coi “nghèo” là cái... lộc của một gia đình, một làng, thôn. Phát gạo cho hộ nghèo, dù huyện đã cẩn thận chia mỗi hộ 1 bao riêng (5 hoặc 10kg), về đến làng, bản là các hộ nghèo xé bao ra, đổ chung gạo lại rồi sau đó chia đều cho tất cả các hộ trong làng. Hộ nào cũng có phần. Đồng bào coi gạo cho người nghèo như cái lộc, là miếng thịt rừng, phải chia đều sau mỗi cuộc săn, dù bất kể ai là người bắn.
Như vậy người là hộ nghèo không thực sự được hưởng hết những hỗ trợ cho mình để vượt qua cái nghèo và họ cũng không có động cơ để hết nghèo. Nhiều người nghèo nhưng chỉ thích đi chơi, uống rượu, hết năm này sang năm khác. Đó là lý do thôn trưởng, bí thư chi bộ thôn đều vào hộ nghèo. Và nó không chỉ dừng ở thôn, xã, ở từng cá nhân. Ngay cả các xã, huyện ở Quảng Nam cũng nằng nặc xin cho được là huyện nghèo.
Chủ trương chia ra hộ nghèo, cận nghèo cùng những chính sách hỗ trợ kèm theo để những hộ như vậy có điều kiện vươn lên trong cuộc sống là đúng đắn. Tuy nhiên, nếu chủ trương này kéo dài mãi có khi không còn đúng nữa, thậm chí trở thành lực cản. Vì thế, nhiều đại biểu HĐND Quảng Nam cho rằng cần có giới hạn thời gian cho tiêu chuẩn hộ nghèo. Một hộ chỉ được công nhận là hộ nghèo không quá 3 hoặc 5 năm.
Trong “nhiệm kỳ” đó, với những điều kiện mà Nhà nước, cộng đồng đã hỗ trợ, giúp đỡ, nếu không nỗ lực phấn đấu để hết nghèo, tức là không câu được “cá” thì sẽ bị loại ra khỏi hộ nghèo, bị thu hồi lại “cần câu”. Đã đến lúc chính sách với hộ nghèo cũng cần sòng phẳng.
Cẩm Châu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.