Nghi án nhà sư “đạo văn”, Hội đồng khoa học nên làm rõ

Phạm Trung Tuyến Thứ ba, ngày 13/09/2016 06:00 AM (GMT+7)
Về lý thuyết, mục đích lấy bằng tiến sĩ của các nhà sư là để tìm kiếm uy tín khoa học của cá nhân. Nếu uy tín đó bị nghi ngờ, thì tấm bằng liệu có còn nguyên ý nghĩa?
Bình luận 0

Việc các nhà tu hành nghiên cứu khoa học và bảo vệ luận án tiến sĩ đang bị dư luận nghi vấn đạo văn là một câu chuyện hết sức nghiêm trọng! Nghi án này có thể sẽ dẫn đến sự lung lay niềm tin của hàng triệu Phật tử đối với những khuôn mặt đại diện của một tôn giáo phổ biến nhất Việt Nam hiện nay. Mặc dù vậy, các nhà tu hành hoàn toàn cô đơn trước búa rìu dư luận khi mà Hội đồng khoa học, những người đã công nhận thành tựu khoa học của các nhà sư chưa làm thỏa mãn được nghi vấn của công chúng. Ít nhất cho đến thời điểm này, các thành viên Hội đồng vẫn chưa giải thích được, các luận án này xuất sắc ở điểm nào, có giá trị gì cho cộng đồng. 

Nghi vấn về quá trình nghiên cứu khoa học của các nhà sư, nghiên cứu sinh Dương Tú, một người đang theo học chương trình tiến sĩ tại Vương quốc Bỉ đã sử dụng phần mềm kiểm tra đạo văn Turnitin để phân tích bản tóm tắt các luận án. Kết quả, tất cả các bản tóm tắt luận án tiến sĩ của 5 nhà sư đều giống với các tài liệu khác từ 30 đến gần 60% nội dung.

img

Buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của nhà sư Thích Đàm Lan ngày 31.8 vừa qua.

Phần mềm kiểm tra đạo văn Turnitin dù được coi là phương thức tham khảo phổ biến, song chưa được thừa nhận như một phương pháp bắt buộc tại Đại học Quốc gia Hà Nội (nơi các nhà sư bảo vệ luận án). Vì thế, kết quả kiểm tra đạo văn bằng phần mềm sẽ không ảnh hưởng gì đến kết quả bảo vệ luận án của các nhà sư. Tấm bằng tiến sĩ của các nhà sư không vì một nghi vấn mà bị thu hồi. Nhưng, về lý thuyết, mục đích lấy bằng tiến sĩ của các nhà sư là để tìm kiếm uy tín khoa học của cá nhân. Nếu uy tín đó bị nghi ngờ, thì tấm bằng liệu có còn nguyên ý nghĩa.

Cũng cần lưu ý thêm,  trong Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo,  Khoản 5 Điều 30 đã ghi rõ: “Việc sử dụng hoặc trích dẫn kết quả nghiên cứu của người khác, của đồng tác giả phải được dẫn nguồn đầy đủ và rõ ràng. Nếu sử dụng tài liệu của người khác (trích dẫn bảng, biểu, công thức, đồ thị cùng những tài liệu khác) mà không chú dẫn tác giả và nguồn tài liệu thì luận án không được duyệt để bảo vệ.”

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 40 cũng quy định: “Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xác định các luận án cần thẩm định theo cách lựa chọn ngẫu nhiên hoặc khi luận án bị khiếu nại, tố cáo hoặc khi có nghi vấn trong quá trình đào tạo, quá trình hoạt động của Hội đồng đánh giá luận án”.

Các nhà sư cần được bảo vệ danh dự, nếu có. Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cần bảo vệ uy tín khoa học của mình. Nếu như các nhà sư đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ luận án trước hội đồng khoa học, thì Hội đồng khoa học đã thừa nhận sự xuất sắc của những công trình khoa học đó cần phải bảo vệ uy tín khoa học của chính hội đồng, và của ngôi trường mà họ đại diện.

Ngày 31.8, nghiên cứu sinh Phan Thị Lan, tức ni sư Thích Đàm Lan đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về “Đạo đức Phật giáo đối với văn hóa đạo đức người dân quận Long Biên, Hà Nội” trước hội đồng khoa học gồm 7 thành viên. Theo bà Lan, đề tài này được hội đồng khoa học đánh giá cao, 7/7 thành viên của Hội đồng khoa học đều đánh giá đề tài là xuất sắc. Vì thế, nếu nghi vấn đề tài của bà Lan là đạo văn, thì đó là sự nghi vấn về khả năng thẩm định đề tài của Hội đồng khoa học. 

Được biết, trên một vài báo, thư ký của Hội đồng Khoa học là PGS.TS Trần Thị Kim Oanh- Ttrưởng khoa Tôn giáo học ĐHKHXHNV đã cho biết: “Tôi thấy không công bằng lắm khi mọi người đưa chuẩn quốc tế để đánh giá luận án trong nước. Tôi từng bảo vệ tiến sĩ tại Nga, HĐKH có tới 18 người, tóm tắt luận án phải in ra 100 bản gửi qua bưu điện cho các chuyên gia thẩm định. Qui trình ở ta không có những khâu như thế”. Về nghi vấn nghiên cứu sinh Phan Thị Lan không tự lực làm luận án, thư ký HĐKH khẳng định “Không có chuyện đạo văn".

Nhận xét cho rằng dư luận “đưa chuẩn quốc tế để đánh giá luận án trong nước”  của PGS. TS Kim Oanh đang gây hoang mang cho khá nhiều người, bởi vì không có chuẩn nào chấp nhận chuyện ăn cắp cả, kể cả chuẩn Việt Nam. Và không hiểu Hội đồng dựa trên cơ sở nào để có thể khẳng định “không có chuyện đạo văn”, có lẽ điều này nên tường minh cho dư luận được rõ.  

Các nhà khoa học trong hội đồng thẩm định đã đánh giá luận án này là xuất sắc, vậy sự xuất sắc của đề tài đó như thế nào? Trong trường hợp đặc biệt này, khi các nhà khoa học đồng thời là những người tu hành, có ảnh hưởng lớn đến tăng ni Phật tử thì việc làm rõ nhận định "xuất sắc" và "không đạo văn" lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Sự liêm chính trong quá trình nghiên cứu khoa học có thể là điều xa xỉ với nhiều nghiên cứu sinh, những người chỉ cốt có được một tấm bằng để trang trí cho hồ sơ của bản thân. Song, sự liêm chính là điều không thể thiếu đối với các hội đồng khoa học, những người có quyền năng để quyết định số phận những công trình khoa học. Để bảo vệ uy tín khoa học của mình, để bảo vệ uy tín của nhà trường, và để bảo vệ chất lượng của một nền khoa học, các thành viên Hội đồng khoa học đã chấm điểm xuất sắc cho đề tài khoa học nên có những thông tin rõ ràng hơn, để giải đáp thắc mắc của dư luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem