Nghi lễ mổ trâu trắng lúc 0 giờ trong lễ hội đền Đông Cuông
Người dân đội rét xem nghi lễ mổ trâu trắng lúc 0 giờ trong lễ hội đền Đông Cuông
Hoàng Hữu
Thứ năm, ngày 02/02/2023 14:14 PM (GMT+7)
Hàng nghìn người dân đội rét để được tận mắt chứng kiến nghi lễ mổ trâu trắng tế thần vào lúc 0 giờ trong lễ hội đền Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).
Nằm trong chuỗi hoạt động lễ hội đền Đông Cuông, nghi lễ mổ trâu tế thần theo truyền thống tại cây mít cổ thụ trước cửa đền chính - đền Đông Cuông được diễn ra vào thời khắc chuyển giao sang ngày Mão đầu tiên của năm Quý Mão.
Trước đó, ngay từ nửa đêm, hàng nghìn du khách thập phương đã đổ về đền Đông Cuông để tham gia lễ hội, ai ai cũng mong muốn được chứng kiến nghi lễ mổ trâu trắng tế thần.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Ngọc Ứng, Thường trực Ban quản lý, điều hành công việc tại đền Đông Cuông cho biết: "Đây là một hoạt động tâm linh tại đền Đông Cuông có từ xa xưa. Đền Đông Cuông hằng năm có 2 kỳ lễ hội. Theo tục lệ, đầu năm tế trâu trắng để cầu cho mưa thuận, gió hòa và cầu cho bách gia trăm họ được sức khỏe, bình an. Cuối năm mổ trâu đen để tạ ơn trời đất, cảm ơn thiên nhiên đã ban cho con người sức khỏe, mùa màng bội thu".
Đông Cuông là ngôi đền cổ nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Từ lâu, Đông Cuông nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng nằm ven sông Hồng và được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Ngôi đền là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Đồng thời, đây cũng là nơi thờ các vị anh hùng dân tộc đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII và các vị thủ lĩnh người Tày, người Dao đã anh dũng hy sinh trong cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm Giáp Dần (1914).
Trong dịp lễ hội đền Đông Cuông mỗi năm, mổ trâu trắng tế thần linh là nghi lễ được nhiều du khách quan tâm và muốn được chứng kiến nhất.
"Theo tục cổ, phải mổ trâu để tế thần vào giờ đầu tiên của ngày Mão đầu tiên theo năm âm lịch, do đó trâu phải được mổ đúng 0 giờ sáng. Tuy nhiên trước đó, muốn mổ trâu cần phải làm lễ xin đài. Nếu được thì mới mổ, có những năm xin đài đến 2, 3 lần mà không được thì phải lùi thời gian lại, khi nào xin được mới làm" - ông Vũ Ngọc Ứng cho biết thêm.
Trong lễ hội đền Đông Cuông, cùng với nghi lễ mổ trâu, trong 2 ngày 1-2/2 (tức ngày 11-12 tháng Giêng năm Qúy Mão) còn diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc khác như: Lễ dâng Chúc văn, nghi lễ rước Mẫu sang sông, nghi lễ cúng chính tiệc và các hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi… tạo không khí tưng bừng phấn khởi cho nhân dân những ngày đầu xuân mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.