Nghi phạm đầu độc 4 tấn tôm trị giá cả tỷ đồng của chủ cũ có thể bị xử lý thế nào?
Nghi phạm đầu độc 4 tấn tôm trị giá cả tỷ đồng của chủ cũ có thể bị xử lý thế nào?
Quang Trung
Thứ ba, ngày 23/08/2022 19:19 PM (GMT+7)
Võ Tấn Lợi bị điều tra về hành vi hủy hoại tài sản vì dùng thuốc trừ sâu đầu độc 4 tấn tôm của ông chủ cũ gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Pháp luật quy định thế nào về hành vi Lợi đang bị điều tra?
Ngày 22/8, cơ quan CSĐT Công an TP Cà Mau (Cà Mau) mời ông Võ Tấn Lợi (34 tuổi, ngụ tại xã Hòa Tân) làm việc để điều tra hành vi "hủy hoại tài sản".
Theo điều tra ban đầu, tối 17/8, ông Dương Quốc Cường (chủ đầm nuôi tôm công nghiệp ở xã Hòa Tân, TP Cà Mau) trình báo 4 tấn tôm trong đầm của ông chết bất thường, nghi bị đầu độc.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Cà Mau xác định Võ Tấn Lợi (SN 1988, ngụ ấp Gành Hào 2, xã Hòa Tân) là nghi phạm đầu độc đầm tôm của ông Cường. Bước đầu, Lợi thừa nhận hành vi ném thuốc trừ sâu vào đầm tôm của gia đình ông Cường.
Lợi từng làm công nhân tại đầm tôm của ông Cường và xảy ra mâu thuẫn với hai công nhân khác. Hồi tháng 2, Lợi nghỉ việc rồi nảy sinh ý định ném thuốc trừ sâu vào đầm tôm để ông Cường đuổi việc 2 công nhân nói trên.
Đến tháng 6 vừa qua, Lợi mua hai chai thuốc trừ sâu chờ cơ hội ra tay. Chiều 17/8, Lợi lại xảy ra mâu thuẫn với 1 nhân viên trông coi đầm tôm của ông Cường.
Đêm đó, nghi phạm ném thuốc trừ sâu vào đầm tôm của ông Cường gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Đầu độc 4 tấn tôm có thể bị xử lý thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định để xác định nguyên nhân tôm chết có phải do ngộ độc thuốc sâu hay không mới có căn cứ để xác định hành vi của nghi phạm Lợi.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy lời khai của nghi phạm phù hợp với lời khai của người bị hại, của người làm chứng và phù hợp với các kết luận giám định, vật chứng thu giữ được trên hiện trường vụ án, cơ quan điều tra sẽ khởi tố nghi phạm về tội "Hủy hoại tài sản" theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015.
Theo ông Cường, trong vụ việc này, ngoài việc xác định nguyên nhân tôm chết, xác định hành vi vi phạm pháp luật của nghi phạm, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ trị giá thiệt hại đã xảy ra làm căn cứ để giải quyết vụ việc theo quy định.
Nếu kết quả điều tra cho thấy số lượng tôm bị chết trị giá từ 500 triệu đồng trở lên, nghi phạm có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội hủy hoại tài sản là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 đồng triệu đồng, đây là hình phạt bổ sung. Ngoài ra theo quy định của pháp luật, nghi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với gia đình nạn nhân.
Theo một chuyên gia pháp lý khác, tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 bao gồm hai hành vi độc lập là hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Do đó, đối với mỗi hành vi phạm tội khác nhau sẽ có hành vi khách quan khác nhau, cụ thể:
Huỷ hoại tài sản là việc làm cho tài sản đó không còn giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được.
Làm hư hỏng tài sản là làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản nhưng giá trị sử dụng bị giảm đó vẫn có thể khôi phục được một phần hoặc thậm chí là toàn bộ.
Sự khác biệt giữa hành vi huỷ hoại tài sản và hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản chủ yếu căn cứ vào hậu quả của hành vi gây ra đối với tài sản.
Nếu tài sản bị hư hỏng hoàn toàn không có khả năng khôi phục thì coi là huỷ hoại, nếu tài sản không bị mất hẳn giá trị sử dụng và vẫn có khả năng khôi phục lại toàn bộ hoặc một phần thì coi là cố ý làm hư hỏng tài sản.
Hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau tuỳ thuộc vào thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.