Nghị quyết 31 cho TP.HCM - bài 1: Đầu tàu đang chạy chậm

Bạch Dương Thứ hai, ngày 01/05/2023 20:45 PM (GMT+7)
Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu TP.HCM phải là đầu tàu kinh tế số vào 2030. Doanh nghiệp kỳ vọng đoàn tàu này phải bứt tốc, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.
Bình luận 0

LTS: Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thay thế Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị khóa XI. Nghị quyết 31 đặt mục tiêu TP.HCM phải là đầu tàu kinh tế số vào 2030. 

Nghị quyết 31 cho TP.HCM - bài 1: Đầu tàu nhưng phát triển chưa tương xứng - Ảnh 1.

Lãnh đạo HĐND TP.HCM giám sát giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 khu vực Bình Chánh. Ảnh: P.V

Nhìn thẳng vào hạn chế

Trong lịch sử phát triển của TP.HCM, giai đoạn từ năm 1982 - 2022, Bộ Chính trị đã có 4 lần ban hành nghị quyết về TP.HCM (Nghị quyết 01-NQ/TƯ năm 1982, Nghị quyết 20-NQ/TƯ năm 2002; Nghị quyết 16-NQ/TƯ năm 2012; và cuối năm vừa qua là Nghị quyết 31-NQ/TƯ). Như vậy, từ năm 2002, cứ 10 năm thì có một cuộc tổng rà soát và định hướng chiến lược cập nhật cho TP.HCM.

Mỗi nghị quyết ra đời đều có giá trị và phụ thuộc vào bối cảnh của từng thời kỳ. Như Nghị quyết 01 thể hiện quá trình đổi mới tư duy trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế, đến hình thành các chương trình trọng điểm về chỉnh trang đô thị, tập trung vào giải tỏa các khu nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch bị ô nhiễm.

Nghị quyết 20 định hướng TP.HCM từng bước trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ của khu vực Đông Nam Á, đến đề ra và triển khai hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị kết nối như đại lộ Đông Tây, các cây cầu kết nối với bán đảo Thủ Thiêm, hay điều chỉnh quy hoạch TP đến năm 2025 theo mô hình TP đa trung tâm. 

NQ 16 tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của TP.HCM như một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.

Đặt trong từng bối cảnh của mỗi giai đoạn 10 năm đó, mới thấy rõ những điểm được và chưa được trong cách triển khai các nghị quyết này.

Trong buổi làm việc với TP.HCM về triển khai Nghị quyết 31, Chủ tich nước Võ Văn Thưởng, lúc đó còn là Thường trực Ban Bí thư, nhận định Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã đánh giá tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước của TP.HCM có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp.

Theo ông Thưởng, nếu nghiêm khắc ghi nhận thì đánh giá này "rất đau", bởi TP.HCM được coi là đầu tàu năng động, sáng tạo nhưng nay lại có chiều hướng suy giảm. "Mấy năm vừa qua, TP.HCM có chiều hướng sụt giảm rất rõ; năng động, sáng tạo không bằng các địa phương khác, tốc độ phát triển chậm. Mình vẫn là đầu tàu kinh tế nhưng quy mô của đầu tàu đang giảm xuống", ông Thưởng nói thêm.

"TP.HCM bao giờ cũng được xác định là đầu tàu, nhưng hạ tầng chưa tương xứng. Hà Nội đang làm Vành đai 4 còn TP.HCM đang khởi động Vành đai 3, Vành đai 2 thì 6 - 7 năm rồi chưa làm xong mấy cây số còn lại", ông Thưởng so sánh, đồng thời nhìn nhận hạn chế này ngoài trách nhiệm của TP.HCM còn có trách nhiệm của các cơ quan trung ương.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thụt lùi của TP.HCM, ngoài các yếu tố khách quan, cần nhìn thẳng vào những hạn chế.

 Trong nhiều năm, tỷ lệ ngân sách để lại cho TP HCM được đánh giá là thấp, chưa tương xứng với khả năng phát triển và đóng góp trở lại ngân sách trung ương của thành phố. Bên cạnh đó, nhiều quy định, thể chế dành cho thành phố không khác nhiều so với các địa phương, trong khi thành phố có thế mạnh, vị trí, vai trò rất riêng và rất đặc biệt. 

Thiếu nguồn lực và thiếu thể chế rộng mở là nút thắt lớn nhất khiến tốc độ phát triển, đổi mới của TP.HCM chưa đạt mức trung ương và chính thành phố kỳ vọng.

Nghị quyết 31 cho TP.HCM - bài 1: Đầu tàu nhưng phát triển chưa tương xứng - Ảnh 3.

Các tuyến đường vành đai của TP đều chưa hoàn thành. Ảnh: P.V

"Chiếc áo" cơ chế TP.HCM đang "mặc" giống 62 địa phương cả nước, là bất hợp lý

ThS. Phạm Thị Phương Thảo (Trường Đại học Luật TP.HCM), nhìn nhận việc kiểm soát tốt quyền lực nhà nước của chính quyền đô thị tại TP.HCM không những giúp Trung ương quản lý hiệu quả chính quyền đô thị tại thành phố lớn nhất nước, mà còn đảm bảo chất lượng dịch vụ công, đảm bảo quyền lợi của người dân và tránh được sự lạm dụng quyền hạn.

Tuy nhiên, cũng theo ThS. Phương Thảo, Trung ương đã thiết lập khung quyền lực nhà nước cho chính quyền đô thị tại TP.HCM không đồng bộ, thống nhất, toàn diện. Do đó đã dẫn đến sự lúng túng khi thành phố triển khai nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Tương tự, việc thiết lập khung quyền lực nhà nước cho chính quyền đô thị tại TP.HCM theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhưng khi thực hiện, nhiều nội dung mới chỉ dừng lại ở quy định chung, không có hướng dẫn thi hành.

Trong khi đó, TS. Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ, cơ quan đại diện phía Nam, cho rằng để phát huy tối đa các cơ chế vượt trội, đặc thù của mình, TP.HCM phải có đội ngũ cán bộ, công chức xứng tầm. Theo đó, cần có nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, nhằm tạo điều kiện có một đội ngũ cán bộ công chức đủ tầm quản lý chính quyền đô thị. 

Bên cạnh đó, cũng cần tăng thêm thu nhập và khen thưởng có giá trị hơn, nhằm khuyến khích cán bộ công chức đóng góp tích cực cho thành phố.

PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, nhìn nhận TP.HCM là trung tâm có trình độ phát triển cao nhất cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội lớn với một số quận, huyện có quy mô kinh tế, dân số bằng hoặc lớn hơn một tỉnh. Dẫu vậy, "chiếc áo" cơ chế pháp lý mà TP.HCM đang "mặc" lại giống như 62 địa phương trên cả nước, là điều bất hợp lý.

Bài 2: Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem