Nghị sĩ chuyên nghiệp

Thứ sáu, ngày 25/02/2011 16:42 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, bàn về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN tổ chức ngày 23.2, ông Võ Quốc Thắng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, góp ý: "Mất bao nhiêu tiền thuế của dân để bộ máy bầu ra được một đại biểu, nên ai đã làm đại biểu thì phải làm tròn trách nhiệm…
Bình luận 0

Thời tôi làm ĐBQH khóa XI, tôi tự cảm thấy có tội với dân vì 50% thời gian là làm việc riêng, trong khi dân tín nhiệm, bỏ phiếu cho mình làm đại biểu để dành toàn bộ tâm sức cho việc của dân, của nước".

Không chỉ riêng ông Thắng, các đại biểu khác đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, với mong muốn bầu ra được những đại biểu xứng đáng để gánh vác trọng trách cử tri giao phó. Thực tế cho thấy, có những người trong suốt nhiệm kỳ của mình, ngoài tham dự đầy đủ các kỳ họp, họ không làm được gì thực sự có ý nghĩa. Ngồi họp và đưa tay thì quá dễ, có chính kiến, có sáng kiến đóng góp cho quốc sách mới cần người có bản lĩnh và trí tuệ.

Không phải chỉ mất bao nhiêu tiền thuế của dân mới bầu ra được một đại biểu, mà khi bầu được rồi, còn tốn bao nhiêu tiền thuế của dân nữa để chi phí cho vị đại biểu đó làm việc, đi lại, họp hành. Nếu ai không làm được việc, dành thì giờ cho việc riêng hay những mục đích khác là không tròn bổn phận. Việc tự kiểm điểm mình "có tội với dân" của ông Thắng là thẳng thắn, có lẽ không ít người từng là ĐBQH nhận ra điều này.

Có những đại biểu thực sự tâm huyết, có năng lực, nhưng kiêm nhiệm quá nhiều việc, giữ cương vị lãnh đạo ở các bộ, ngành, địa phương. Sòng phẳng mà nói, nếu các vị chu toàn được phận sự ở đơn vị mình lãnh đạo là đã quá tốt. Thực tế cho thấy các địa phương, bộ, ngành còn rất nhiều việc bề bộn, các vị lãnh đạo dù nỗ lực rất nhiều nhưng chưa thể giải quyết nổi. Điển hình như các vấn đề về môi trường, hạ tầng giao thông, kẹt xe ngập nước, lo chưa xuể thì còn sức lực, thời gian đâu để làm tròn phận sự của một ĐBQH.

Ý kiến bàn về thành phần, cơ cấu, bớt đại biểu từ cơ quan hành pháp và lãnh đạo các địa phương tựu trung chỉ hướng đến một mục đích, đó là nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng của ĐBQH. Một nghị sĩ chuyên nghiệp phải kiện toàn nhiều phẩm chất và yêu cầu, ngoài đức độ, phẩm chất, trí tuệ còn phải có thời gian tập trung cho công việc. Cũng tại Hội nghị hiệp thương trên, GS Lưu Văn Đạt - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn pháp luật, đề cập đến tiêu chuẩn của một ĐBQH là am hiểu pháp luật. Ông nói: "Không hiểu pháp luật sao làm luật được? Đó là điều tối thiểu để tránh tình trạng ĐBQH bỏ phiếu mà không biết bỏ phiếu cái gì".

Không phải đại biểu nào cũng xuất thân có trình độ pháp luật nhưng với mặt bằng tri thức và văn hóa cao thì có thể tiếp cận, nghiên cứu để am hiểu được. Nhưng để làm được việc này thì cũng phải có thời gian và phương pháp làm việc của một nghị sĩ chuyên nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem