Nghĩ từ việc Đà Nẵng nói không với bằng tại chức

Chủ nhật, ngày 12/12/2010 13:44 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc TP. Đà Nẵng quyết định không tuyển dụng viên chức là người tốt nghiệp ĐH hệ tại chức đang khiến dư luận chú ý.
Bình luận 0

Một loại hình đào tạo được mở ra để tạo cơ hội học tập, nâng cao trình độ cho những người không có điều kiện học chính quy; vừa học vừa làm, bản thân việc này là đúng và cần thiết, đáp ứng yêu cầu và quyền lợi của người lao động. Nhưng khi tiến hành trong thực tế thì lại nảy sinh nhiều vấn đề.

Giáo viên dạy cũng có khi xem nhẹ, không đặt nặng vấn đề học vấn. Người học thì do bận công việc hoặc do cũng chỉ cốt học lấy cái bằng để đạt quy chuẩn, chuyển đổi ngạch bậc công chức nên học không tập trung, không chuyên chú.

Kết quả là chất lượng dạy và học tại chức không cao, có tốt nghiệp, có bằng cấp, nhưng kiến thức thu được không đủ đáp ứng các yêu cầu công việc. Câu thành ngữ mới "dốt như chuyên tu, ngu như tại chức" nghe nặng nề, xúc phạm, vơ đũa cả nắm, nhưng phải cay đắng nhìn thẳng sự thật là nó có phần đúng. Và đau lòng hơn là câu đó được nhiều người trong cuộc thừa nhận và chấp nhận.

Như vậy, phải giải quyết dứt điểm từ gốc chất lượng đào tạo. Mà chuyện này thì không riêng gì hệ tại chức. Trong hệ thống giáo dục của ta hiện nay, hệ đào tạo nào cũng có chuyện. Tình trạng bằng cấp lẫn lộn, bằng thật bằng giả, có bằng mà không có học, học ra không làm được việc... đang là một nguy cơ của giáo dục và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế và đời sống xã hội.

Như vậy, lãnh đạo TP. Đà Nẵng nói không với việc tuyển dụng sinh viên hệ tại chức trước hết nên hiểu là thái độ cảnh báo, từ chối một cung cách đào tạo đáng báo động.

Ngay ở bậc học cao nhất nếu làm nghiêm cũng sẽ phải loại nhiều. Ví như rồi đây một cơ quan nào đó kiểm tra các tiến sĩ trước khi tuyển dụng, nhận về, thì chắc rồi cũng té ngửa là nhiều tiến sĩ hiện nay rất kém ngoại ngữ. Khi một nền giáo dục coi nhẹ chất lượng, chạy theo hình thức mà buông lỏng thực chất, thì những sản phẩm của nó dù ở bậc nào đi nữa cũng không đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống là điều dễ hiểu.

Lỗi ở đây là lỗi hệ thống giáo dục. Muốn sửa nó thì phải xem lại hệ thống từ nguyên lý, nghĩa là đường hướng giáo dục, mô hình giáo dục, phương thức giáo dục. Việc này không phải ngày một ngày hai mà làm xong. Nhưng muốn làm xong thì phải làm đã. Tôi đánh giá cao quyết định của TP. Đà Nẵng ở chỗ dám làm đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem