Nghĩa vợ chồng lớn hơn ngọn núi Tấu

Thứ sáu, ngày 14/03/2014 13:48 PM (GMT+7)
Dưới gầm ngôi nhà sàn lợp tôn 5 gian rộng rãi ở bản Nà Tấu, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên (Điện Biên), ông Quàng Văn Hặc, gần 70 tuổi, đang mải miết đan chiếc sọt tre theo yêu cầu của khách.
Bình luận 0
Ngay bên cạnh đó, vợ ông-bà Quàng Thị Inh cũng đang đưa dao chuốt những nan tre cho hết xơ, bóng, gọn. "Thực ra cái nan sọt thì chẳng cần phải chuốt nhiều nhưng không làm vậy nhỡ ra khi đan, dằm sẽ cắm vào tay ông ấy. Trẻ mắc dằm đã đau, nhức, già mà dính dằm tre thì khổ lắm…"- bà Inh bảo vậy.

Vợ chồng ông Hặc lấy nhau đã ngót 50 năm. "Nhưng hơn nửa thời gian chung sống là những tháng ngày đói ăn, vất vả, lo bát cơm, manh áo cho cả nhà. Lúc ấy còn trẻ, tuy thương nhau lắm nhưng mải làm ăn nên chúng tôi chẳng chăm sóc được nhau. Giờ già yếu rồi, nghĩ lại, thấy thương, thấy quý nhau hơn…"- ông Hặc tâm sự.
Học nghề mây, tre đan ở bản Nà Tấu (Ảnh minh hoạ)
Học nghề mây, tre đan ở bản Nà Tấu (Ảnh minh hoạ)

Mảnh đất Nà Tấu vốn khô cằn, thiếu nước. Bà con ở đấy hầu hết là người Thái và làm nông nghiệp là chính nên cái đói nghèo cứ đeo đẳng như định mệnh truyền kiếp. Cưới nhau xong, 2 ông bà được chia mảnh đất nương trên núi Tấu sau nhà. Ông Hặc bộc bạch: "Mỗi năm chỉ được 1 mùa ngô, năng suất thấp lắm.

Nương xa nhà, đi nương phải mang cơm theo. Những bữa ăn, bà ấy cứ dồn cơm và chẩm chéo (món chấm cay mặn của người Thái) cho tôi. Nghĩ bà ấy ăn yếu nên mình cứ vô tư chén. Sau này mới biết đấy là vợ thương mình, nhịn cho mình ăn bõ với sức trai. Nhưng bù lại, tôi cũng làm hết việc nặng cho bà ấy. Con cháu sau này cũng nhìn chúng tôi sống với nhau mà học”.

Đưa cho chồng bó nan vừa chuốt xong, bà Inh nhỏ nhẹ: "Nếu cái nào chưa sạch xơ, ông đưa lại cho tôi chuốt nhé. Cẩn thận kẻo lại cắm dằm vào tay như hôm trước". Ông Hặc cười: “Cái dằm hôm trước nó cắm vào tay tôi là để cho vui thôi. Chứ dằm tre, dằm gỗ hay gai góc xứ này đều biết cái tài cầm kim khâu vá của bà, có cắm vào tay tôi thì bà cũng lấy ra ngay, nằm trong ấy làm sao được”.

Không chỉ vợ chồng ông bà Hặc-Inh, mà ở Nà Tấu, tình nghĩa vợ chồng rất được coi trọng. Anh Lò Văn Cương - Chủ nhiệm Hợp tác xã mây-tre đan xuất khẩu Nà Tấu, bảo: Ít có nơi nào mà bà con dân tộc ít người lại có mỗi quan hệ nam-nữ thân thiện, bình đẳng như ở Nà Tấu. Cũng chính nhờ sự bình đẳng, thương yêu nhau ấy mà tinh thần đoàn kết ở đây rất cao.

“Khi tôi mở hợp tác xã này, chỉ tuyên truyền mấy hôm là có tới 150 hộ tham gia. Nhiều nhà cả vợ chồng, con cháu cùng học nghề, cùng làm. Nhìn họ bên nhau chuốt nan, vào cạp, chồng chẻ tre, vợ so nan… thật vui và hạnh phúc. Có lẽ cũng bởi sự chắt chiu cho nhau ấy mà sản phẩm của họ cũng tốt, cũng đẹp hơn”– anh Cương khoe vậy.
Minh Ngọc (Minh Ngọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem