Nghịch lý

Thứ hai, ngày 22/11/2010 02:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) – Ngồi uống cốc nước mía trước chợ Đồng Văn, nghe cô bán nước mía bảo, cân mỡ bây giờ giá 60.000 đồng. So với cân mỡ ở Hà Nội thì giá cao gấp 3 lần. Tôi bảo đời sống người cao nguyên đá vẫn quá thấp thì một người bạn đi từ Hà Nội hỏi sao anh biết?
Bình luận 0

Sao tôi lại không biết chứ! Tôi đã ở miền núi nhiều năm, bao giờ cũng thấy miền núi giá mỡ cao hơn thịt nạc, vì người rẻo cao cần mỡ rang, rán, xào mà chưa thể đủ tiền ăn thịt. Cân mỡ với gia đình ăn cả tháng, còn cân thịt thì chỉ trong 1-2 ngày.

Ăn mỡ mà cái bụng gầy tong teo. Không ăn mỡ mà bụng phệ chỉ có thể là dân bia, rượu hoặc ở hàng chức sắc. Chức sắc luôn biết nói tiết kiệm, nói đúng về các chủ trương chính sách và hiểu ăn mỡ là có hại. Những cái đó luôn thiếu ở người dân, dù người dân luôn được thừa hưởng chính sách đúng, ăn mỡ thường xuyên, dường như luôn làm ngược với khoa học và góp phần đẩy giá mỡ lên cao...

Chẳng cứ miền núi, nông thôn cũng vậy thôi. Không mấy người có bụng bự. Rau cỏ vẫn là cái ăn hàng ngày mặc dù nhà cửa đã có vẻ tử tế hơn. Nhưng khi thấy mấy cái nhà tầng xây đẹp đẽ thì y như chủ nhân của nó là người đến mua đất vì đánh hơi thấy sắp có con đường đi qua, xây dựng để chờ thời cơ. Dân sở tại nếu có nhà to như thế thì lại là do con cái làm ăn ở nơi xa đem tiền về.

Ở thành phố thì những khu đô thị nhà chưa xây xong đã được bán hết nhưng người mua không phải người thiếu nhà.

Nhưng cái yên tĩnh lại chỉ có ở những con người theo thói quen xưa là chỉ biết ăn mỡ mà không béo bự, và không biết có con đường sắp đi qua để đi tắt đón đầu và cũng chẳng có tiền để mà mua nhiều căn hộ chờ bán lại với giá cao hơn.

Những nghịch lý ấy bây giờ đang có nhiều. Chẳng nhẽ đó là thành quả của sự phát triển? Có lẽ không phải, vậy thì đó là cái gì? Một câu hỏi treo trên đầu mỗi chúng ta…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem