Nghịch lý: Buôn bán hổ trái phép lại được cấp phép nuôi hổ bảo tồn

Hải Phong – Hoàng Thắng Thứ sáu, ngày 09/06/2017 07:31 AM (GMT+7)
Đầu năm 2008, UBND tỉnh Thanh Hóa từng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi nuôi nhốt 12 cá thể hổ trái phép của ông Nguyễn Mậu Chiến. Song điều bất ngờ là sau đó chính quyền lại giao ông này nuôi thí điểm 12 cá thể hổ trên vì mục đích… nghiên cứu bảo tồn.
Bình luận 0

Ngay sau vụ việc em Mai Văn Chiến (13 tuổi, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân) và hai bạn rủ nhau tới trang trại nuôi hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến (xã Xuân Tín) chơi và bất cẩn nên bị một con hổ vồ trúng chân, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc Tổ chức ENV (Education for Nature Vietnam) – tổ chức phi chính phủ hoạt động với mục đích bảo vệ các động vật hoang dã - để tìm hiểu sâu hơn về tình trạng nuôi nhốt hổ tại các cơ sở tư nhân ở Việt Nam.

5 năm, số cá thể hổ không đổi dù được ghép đôi (?)

img

 Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Tổ chức ENV trong buổi trao đổi với Dân Việt. 

Được biết ENV nắm thông tin khá kỹ về trang trại nuôi hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến từ lâu. Bà có thể cho biết ENV thu thập những thông tin này từ nguồn nào, có xác thực hay không?

- Thực tế, ENV vẫn duy trì đường dây nóng miễn phí (1800 1522). Qua đường dây này, chúng tôi tiếp nhận thông tin từ bất kỳ ai khi họ cảm thấy nghi ngờ về hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới động vật hoang dã.

Năm 2007, ENV bất ngờ nhận được thông tin một một đối tượng đang nuôi nhốt hổ tại gia đình ở Thanh Hóa (chính là gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến-PV). Qua kiểm chứng, chúng tôi xác định việc nuôi nhốt hổ tại gia đình này là bất hợp pháp. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã chưa thực sự chặt chẽ.

Hành vi nuôi nhốt hổ trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính, đồng thời, các cá thể hổ sẽ bị tịch thu. Tại thời điểm đó, không chỉ riêng Thanh Hóa mà tại một số địa phương khác cũng có xảy ra tình trạng nuôi nhốt hổ như Bình Dương, Thái Nguyên…

Sau khi có ý kiến từ Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan, chúng ta đã tiến hành cấp phép cho một số cá nhân tại các địa phương này được nuôi nhốt hổ vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học.

img

Các cá thể hổ trong cơ sở nuôi nhốt của ông Nguyễn Mậu Chiến. (Ảnh do ENV cung cấp)

Quay lại trường hợp của ông Nguyễn Mậu Chiến, sau khi bị phát hiện, ông này đã bị xử phạt hành chính. Tới năm 2008, sau khi được Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương, điều bất ngờ với ENV là UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp phép, giao cho chính ông Nguyễn Mậu Chiến nuôi thí điểm với mục đích... nghiên cứu bảo tồn 12 cá thể hổ trước đó bị phát hiện nuôi nhốt bất hợp pháp.

Tới năm 2012, 1 trong số 12 cá thể hổ bị chết, số lượng hổ còn lại tại cơ sở của ông Chiến là 11 cá thể. Điều đáng chú ý là từ thời điểm đó tới nay, dù các cá thể hổ tại trang trại của ông Chiến luôn được ghép đôi với nhau, nhưng số lượng cá thể hổ vẫn không hề thay đổi trên giấy tờ, chỉ là 11 cá thể (?)

Làm sao ENV có thể chắc chắn điều này, thưa bà?

-  Hàng năm, ENV có chương trình ghi nhận số liệu, chụp ảnh tư liệu về các loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm được nuôi trong các trang trại ĐVHD và các khu du lịch sinh thái trên cả nước.

Qua chương trình kết hợp với kinh nghiệm nhận dạng động vật qua hình thái, ENV nhận thấy sự khác biệt của một số cá thể hổ qua các năm tại trang trại này. Như vậy là rõ ràng tại cơ sở nuôi nhốt có sự thay đổi về các cá thể hổ riêng lẻ, nhưng số lượng tổng thì vẫn giữ nguyên.

Qua những dấu hiệu trên, ENV có thể khẳng định được điều gì?

- Chúng tôi chưa đủ cơ sở để khẳng định điều gì, nhưng vẫn đặt ra nghi vấn cơ sở nuôi nhốt hổ của ông Chiến được sử dụng như một vỏ bọc để hợp thức hóa những cá thể hổ bất hợp pháp mà ông này mua bán, săn bắt trái phép trong tự nhiên...

img

Các cá thể hổ của cơ sở ông Nguyễn Mậu Chiến dù được ghép đôi nhưng số lượng vẫn không đổi trong 5 năm qua. (Ảnh do ENV cung cấp)

Có vẻ như nhận định này của ENV là hợp lý khi tháng 4 vừa qua, cơ quan chức năng đã bắt một số đối tượng với tang vật gồm 36kg sừng tê giác, 2 cá thể hổ đông lạnh, 3 bộ da sư tử... Sau đó, các đối tượng đã khai nhận 2 cá thể hổ đông lạnh bị tịch thu có nguồn gốc từ cơ sở nuôi nhốt hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến?

- Đúng vậy! ENV phối hợp khá chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong vụ việc này nên họ đã cung cấp thông tin là lời khai nhận của đối tượng về 2 cá thể hổ đông lạnh bị tịch thu có nguồn gốc từ cơ sở nuôi nhốt hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến. Từ vụ việc này, có 3 đối tượng đã bị khởi tố và bắt giam, bao gồm cả ông Nguyễn Mậu Chiến và 2 người là họ hàng của ông.

Cũng khá ngẫu nhiên là qua báo chí, chúng tôi cũng được biết là trước đó vài ngày, vào ngày 21.4, ông Chiến đã có văn bản ủy quyền cho vợ mình trực tiếp quản lý cơ sở nuôi nhốt này.

Từ đầu tháng 5.2017, ENV đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở nuôi nhốt hổ của đối tượng Nguyễn Mậu Chiến; làm rõ những hoạt động bất hợp pháp đã và đang diễn ra ở đây, xem xét không tiếp tục gia hạn hoặc cấp mới giấy chứng nhận nuôi nhốt hổ cho cơ sở này. Những nội dung này đã được địa phương xử lý thế nào, thưa bà?

- Sau khi ENV gửi văn bản kiến nghị với các nội dung trên, ngày 6.6, văn bản đã được chuyển tới Sở NNPTNT Thanh Hóa, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa. Theo thông tin chúng tôi nắm được, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp cùng Sở TNMT và một số cơ quan khác để kiểm tra cơ sở nuôi nhốt hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến theo đề xuất của ENV.

Ngoài ra, giấy phép cấp cho cơ sở nuôi nhốt hổ của ông Chiến cũng đã hết hạn vào ngày 22.5.2017. Theo thông tin chúng tôi nắm được, các cơ quan chức năng đang đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa không cấp phép nuôi nhốt hổ cho ông Nguyễn Mậu Chiến nữa.

Gần 50% cơ sở nuôi nhốt tư nhân có dấu hiệu bất hợp pháp

img

Một cá thể hổ của cơ sở ông Nguyễn Mậu Chiến. Các cá thể hổ có thể được phân biệt bằng nhiều cách khác nhau. (Ảnh do ENV cung cấp)

Với tình trạng nuôi nhốt hổ như hiện nay, ENV có cho rằng Nhà nước cần cụ thể hóa các quy định hiện hành về điều kiện cấp phép cũng như quản lý và xử lý vi phạm tại các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm không, thưa bà?

- Đúng vậy, đây là điều rất cần thiết và cấp bách hiện nay. Chính ENV cũng đã có văn bản kiến nghị. gửi lên nhiều cơ quan chức năng. Hiện nay, có 2 hệ thống quy định pháp luật liên quan tới nuôi nhốt các loài động vật hoang dã quý hiếm.

Thứ nhất là hệ thống văn bản liên quan tới đa dạng sinh học. Trong đó, hổ là loài động vật nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ. Thứ hai, loài hổ cũng thuộc Phụ lục I, công ước CITES, trước đây là loài thuộc nhóm 1b, Nghị định 32 là loài động vật nguy cấp, quý hiếm, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Song tất cả những văn bản trong 2 hệ thống quy định pháp luật trên và những quy định về điều kiện nuôi nhốt hổ đều khá sơ lược. Vì vậy, ENV cho rằng cần phải có những quy định pháp luật rõ ràng, chặt chẽ, cụ thể, không chỉ trong quá trình cấp phép, mà cả quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm xảy ra tại cơ sở nuôi nhốt...

Ngoài ra, theo chúng tôi, Nhà nước chỉ nên cấp phép cho những cơ sở có dự án bảo tồn cụ thể, được các cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt. Đối với các cơ sở không có dự án bảo tồn, nên có những cách quản lý cá thể hổ như gắn chip, triệt sản cho những cá thể hổ bị nuôi nhốt bởi chúng không có giá trị nhiều cho công tác bảo tồn.

Đánh giá chung của ENV về mục đích của các cơ sở nuôi nhốt tư nhân ở Việt Nam ra sao?

- Hiện cả nước có 13 cơ sở tư nhân được cấp phép nuôi nhốt động vật hoang dã, với khá nhiều mục đích nhưng tuyệt đối không được vì mục đích thương mại, như buôn bán... Tuy nhiên, đến thời điểm này, ENV đã có những bằng chứng cụ thể về việc 6/13 số cơ sở nuôi nhốt được sử dụng nhằm hợp pháp hóa các cá thể bất hợp pháp trong tự nhiên, nhằm mục đích thương mại. Trong số này, có một số sự việc cụ thể đã được ENV gửi tới cơ quan chức năng, còn những sự việc khác đang được tổng hợp thông tin.

Xin cảm ơn bà!

Việt Nam đang tồn tại tình trạng hợp pháp hóa các cơ sở nuôi nhốt bất hợp pháp. Chúng tôi từng đề cập tới trường hợp cơ sở của ông Phạm Văn T, ông này từng 2 lần bị kết án vì hành vi buôn bán hổ trái phép, nhưng vợ ông ta lại được cấp phép nuôi nhốt hổ vì mục đích… bảo tồn.

Vấn đề quản lý việc nuôi nhốt những loài nguy cấp, quý hiếm như hổ hay gấu vẫn là vấn đề rất nóng ở Việt Nam. Không chỉ bởi chúng là loài thú dữ nguy hiểm, ảnh hưởng tới dân cư sinh sống xung quanh khu vực nuôi nhốt, mà còn bởi cơ sở nuôi nhốt có thể là nơi để hợp pháp hóa những cá thể bất hợp pháp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem