Nghịch lý: Có thế mạnh nông nghiệp nhưng Việt Nam vẫn chi 3 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi
Nghịch lý: Có thế mạnh nông nghiệp nhưng Việt Nam vẫn chi 3 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 21/09/2021 18:34 PM (GMT+7)
Chỉ trong 8 tháng năm 2021, Việt Nam đã chi tới 3 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã khiến giá thức ăn tăng phi mã. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để tránh lãng phí và giảm nhập khẩu.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, nông dân méo mặt
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó việc giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, trong khi giá heo hơi, giá gia cầm lại giảm.
"Nhiều doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ mất vốn, không thể tái sản xuất do sản phẩm khó tiêu thụ, trong khi giá vật tư đầu vào lại tăng quá cao" - ông Sơn nói.
Theo khảo sát của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, chỉ tính riêng ngành chăn nuôi gia cầm, trong 8 tháng năm 2021, sản lượng thịt đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.
"Tổng đàn gà 8 tháng năm 2021 là 32 triệu con, trong khi cùng kỳ năm 2019 là 50 - 60 triệu con, đàn vịt từ 7 triệu con xuống còn 5 - 6 triệu con; trứng gà từ 40- 41 triệu quả/ngày xuống còn 30 - 31 triệu quả. Đáng lo ngại là, giá con giống gà 1 ngày tuổi đã giảm 10 - 15%; giá gà lông màu giảm 17%, gà lông trắng giảm 59%, giá vịt thịt giảm 30 - 35%" - ông Sơn nêu ví dụ.
Trong khi đó, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 8 lần, thậm chí có loại tăng tới 9 lần, trung bình mỗi lần tăng từ 3-5% (tăng khoảng 30-35%).
Trong bối cảnh giá heo hơi, giá gia cầm đều giảm mạnh, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đang vượt quá sức chịu đựng của người chăn nuôi.
Khảo sát thị trường đầu tháng 8/2021 cho thấy, giá thức ăn chăn nuôi gồm cám heo, các loại thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm của các công ty, doanh nghiệp đều tăng từ 200 - 400 đồng/kg tùy loại; riêng các loại thức ăn đậm đặc tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi tăng, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây khó trong khâu nhập nguyên liệu, trong khi chi phí vận chuyển tăng từ 200 - 300%.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cũng thừa nhận, giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao đã ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm.
"Hiện chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn trong việc tái đàn bởi giá thức ăn chăn nuôi đang tăng quá cao, nhiều đối tác nước ngoài không tiếp tục ký kết liên kết trong năm 2022" - bà Hà nêu một thực tế.
Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng đột biến
Trong khi giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 9 lần liên tiếp thì từ đầu năm đến nay Việt Nam đã chi tới 3 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.
Theo Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2021, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2020, với kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 3,33 tỷ USD. Trong đó, Argentina tiếp tục là thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn nhất cho Việt Nam, đạt gần 1,14 tỷ USD.
Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ Mỹ cũng tăng đáng kể, đạt 552,39 triệu USD, tăng 67,5% so với cùng kỳ, chiếm 16,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Đứng thứ 3 là Brazil với 393,49 triệu USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ, chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch.
Trước tình hình này, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị giảm thuế về ngô, đỗ nhập khẩu, các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi...
Theo Bộ NNPTNT, hiện Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu MFN (đối xử tối huệ quốc) của mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%, giảm thuế nhập khẩu của lúa mì xuống 0%, nhằm giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Nếu đề xuất trên được thông qua, sẽ tác động tích cực tới việc phục hồi hoạt động chăn nuôi của người dân, đảm bảo cung ứng lương thực dịp cuối năm.
Ngoài ra, Cục Chăn nuôi khuyến cáo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, chế biến và bảo quản nguồn phụ phẩm trong sản xuất công - nông nghiệp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như rơm, cỏ xanh, thân cây bắp, vỏ trái điều, xương và mỡ cá tra, đầu vỏ tôm... để dần thay thế một số nguyên liệu nhập khẩu.
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước một cách căn cơ, giảm phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu như hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.