Nghịch lý giá heo hơi giảm, giá thịt heo cao: Phải cân đối lợi nhuận giữa các khâu
Nghịch lý giá heo hơi giảm, giá thịt heo cao: Phải cân đối lợi nhuận giữa các khâu
Trần Khánh
Thứ bảy, ngày 30/10/2021 16:10 PM (GMT+7)
Ngành chăn nuôi chưa thể bỏ qua nhóm nông hộ vì đây là phương thức giúp bà con, nhất là lao động lớn tuổi ở nông thôn có thêm thu nhập. Tuy nhiên, trình độ và năng lực sản xuất của nông hộ là điều đáng ngại.
Tại diễn đàn trực tuyến kết nối giao thương về sản phẩm chăn nuôi do Bộ NNPTNT tổ chức sáng 30/10, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, ngành chăn nuôi chưa thể bỏ qua nhóm nông hộ.
Chăn nuôi nông hộ vẫn là phương thức giúp bà con, nhất là lao động lớn tuổi ở nông thôn có thêm thu nhập.
Tuy nhiên, trình độ và năng lực sản xuất của nông hộ là điều đáng ngại.
Ông Công dẫn chứng báo cáo tài chính năm 2020 của Công ty chăn nuôi CP đạt lợi nhuận gần 1 tỷ USD.
Các công ty chăn nuôi nói chung đang làm rất tốt trong chuỗi khép kín của mình.
Ngược lại, chăn nuôi nông hộ vẫn triền miên trầy trật với bài toán kinh doanh.
Năng suất của chăn nuôi từ nông hộ cũng rất thấp. Heo nái từ công ty có thể sinh 26 con heo con mỗi lứa nhưng heo nái của nông hộ chỉ sinh được 12 con.
Thời gian qua, Bộ NNPTNT đã làm rất tốt việc phát triển chăn nuôi, quản lý dịch bệnh. "Tuy nhiên, khâu tiêu thụ vẫn cần thêm sự cuộc của Bộ Công Thương, giúp kích hoạt thêm các kênh phân phối ra thị trường", ông Công đề nghị.
Còn theo GS. Lã Văn Kính - Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, trong chuỗi sản xuất hiện nay, người chăn nuôi yếu thế và dễ bị tổn thương nhất.
Theo phân tích của GS. Lã Văn Kính, sự phân bổ lợi ích trong chuỗi sản xuất chăn nuôi hiện nay rất bất hợp lý.
Cụ thể, đầu vào của người chăn nuôi do người bán quyết định. Công ty thức ăn chăn nuôi quyết định giá thức ăn chăn nuôi. Công ty thuốc thú y thì quyết định giá thuốc thú y và vaccine.
Trong khi đó, người nuôi cũng chỉ mong muốn giá bán đầu ra đảm bảo đủ để trả chi phí đầu vào.
Thế nhưng trong khi giá heo hơi đang rất rẻ thì giá thịt heo thành phẩm ngoài thị trường lại rất cao.
Giá heo hơi thấp dưới giá thành, doanh nghiệp chăn nuôi heo cũng thua lỗ
GS. Kính đề nghị các cơ quan chức năng cần cân đối lợi nhuận cho các khâu tham gia vào chuỗi sản xuất chăn nuôi.
GS. Kính dẫn chứng ví dụ ở Đài Loan, giá thức ăn chăn nuôi không phải do các công ty tự quyết mà còn có sự kiểm soát của cơ quan quản lý.
Nếu muốn tăng giá, các công ty phải xin phép và chứng minh được giá đầu vào, chi phí tăng mới phải điều chỉnh giá. Và khi được cơ quan quản lý cho phép, họ mới được tăng giá bán sản phẩm.
Giá thành chăn nuôi ở Việt Nam vẫn còn cao so với thế giới. Điều đó cho thấy ứng dụng công nghệ vào sản xuất chưa được nhiều.
Đại diện khối doanh nghiệp, ông Lê Thanh Phương - Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam (Bình Dương) cho biết, hiện giá heo hơi đang thấp hơn giá thành khoảng 20.000 đồng/kg.
Những doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín như Emivest với hệ thống sản xuất cám, thuốc thú ý, giống gà, heo cũng đang rơi vào tình thế khó khăn.
Mỗi ngày, Công ty Emivest cung cấp ra thị trường 2.000 con heo. "Giá bán heo hơi và các sản phẩm chăn nuôi khác thấp hơn giá thành, nghĩa là doanh nghiệp đang chịu tổn thất nặng nề", ông Phương nói.
141 chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản của Hà Nội hoạt động hiệu quả
Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, 141 chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản của TP vẫn hoạt động thông suốt trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Các chuỗi này có thế mạnh nhờ nông sản được kiểm soát tốt chất lượng, đảm bảo an toàn, người tiêu dùng tin tưởng.
Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai, Hà Nội) Nguyễn Đình Tường cho biết, chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Nhằm bảo đảm tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, HTX đã chủ động liên kết với một số cửa hàng tiện ích; đẩy mạnh bán hàng trực tuyến nên lượng thịt lợn tiêu thụ tăng 30%. Chỉ tính trong 1 tháng gần đây, HTX đã bán ra thị trường 25 tấn thịt lợn hơi với giá ổn định.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, thời gian quá giá xuất chuồng giảm là nhu cầu tiêu thụ ở các địa phương giảm mạnh, lượng heo ứ đọng lại trong chuồng.
Còn giá thành phẩm tại siêu thị tăng cao bao gồm nguyên nhân. "Trong đó có khó khăn và phát sinh chi phí trong khâu vận chuyển", ông Trọng giải thích.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, chỉ còn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán.
Đây là thời điểm nhu cầu về lương thực, thực phẩm thường tăng khoảng 10-15%. Việc đảm bảo nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi cuối năm, trong đó có thịt heo là rất cần thiết.
Thứ trưởng Tiến cho rằng, nhiệm vụ trước mắt của ngành chăn nuôi là tập trung vận động tái đàn, khi các tỉnh, thành mở cửa trở lại sau giãn cách.
Với độ bao phủ tiêm phòng vaccine trên cả nước, Thứ trưởng Tiến tin tưởng ngành chăn nuôi sẽ sớm phục hồi khâu tiêu thụ.
Bộ NNPTNT cũng đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp các địa phương dự báo nhu cầu sản lượng thị trường đến cuối năm. Đồng thời tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi.
Đẩy mạnh chăn nuôi theo chuỗi
Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhằm phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.
Cùng với sự bùng nổ của các chuỗi liên kết với sự tham gia của các tập đoàn lớn, gần đây các chuỗi liên kết quy mô nhỏ hơn cũng thể hiện rõ điểm mạnh trong bối cảnh dịch bệnh.
Tại Tây Ninh, mô hình liên kết trong chăn nuôi từ sản xuất đến tiêu thụ giữa một số trang trại trên địa bàn tỉnh với Công ty CP chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri đang được thực hiện tốt, tạo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Ngành chăn nuôi phải tập trung giải quyết đồng bộ nhiều giải pháp cả trước mắt lẫn lâu dài.
Chi phí thức ăn chăn nuôi chi phối khoảng 65 – 70% giá thành sản xuất. Vì thế, không giải quyết được vấn đề giá thức ăn chăn nuôi thì rất khó giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh.
Muốn phát triển quy mô chăn nuôi bền vững thì xu thế chuỗi khép kín là không thể đảo ngược được.
"Giá thịt heo ảnh hưởng vào rổ hàng hóa CPI rất lớn. Đó là lý do, ngành nông nghiệp cần tập trung trí tuệ, nguồn lực để đảm bảo nguồn cung chăn nuôi, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.