Nghịch lý: Giá rẻ, gia cầm vẫn ế

Thiên Hương Thứ tư, ngày 23/09/2020 19:13 PM (GMT+7)
Giữa năm 2019, đàn gia cầm cả nước có xu hướng tăng mạnh với kỳ vọng bổ sung cho nguồn thịt lợn bị thiếu hụt bởi ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi. Việc tăng đàn quá nóng đã khiến giá các sản phẩm gia cầm xuống thấp trong thời gian dài, kéo theo nhiều hộ nông dân thua lỗ nặng nề.
Bình luận 0

Thế nhưng, việc tăng đàn quá nóng, số lượng tăng cao đã khiến giá các sản phẩm gia cầm xuống thấp trong thời gian dài, kéo theo nhiều hộ nông dân thua lỗ nặng nề, có nguy cơ phải bỏ trống chuồng.

Giá trứng gà, trứng vịt liên tục rớt giá

Theo phản ánh của một số bà con chăn nuôi gia cầm đẻ trứng ở Hà Nội, giá trứng gia cầm, đặc biệt là trứng gà dịp này giảm thê thảm. Người chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ phải phá đàn bởi không thể cầm cự khi tháng nào cũng chịu lỗ. Trại nhỏ lỗ ít, còn trại lớn có khi mỗi tháng lỗ từ vài chục tới vài trăm triệu đồng.

Nghịch lý: Giá rẻ, gia cầm vẫn ế  - Ảnh 1.

Tiểu thương buôn bán gia cầm tại chợ đầu mối Hà Vỹ (huyện Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng

"Nếu người tiêu dùng sử dụng thịt gia cầm nhiều hơn, giảm thịt lợn thì người nuôi gia cầm không phải lo thua lỗ, còn giá thịt lợn sẽ tự giảm, không cần nhà nước kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá lợn nữa".

Ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ

Anh Nguyễn Quang Kiên - chủ trang trại chăn nuôi vịt tại huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, gia đình anh đang nuôi 2.000 con vịt đẻ, mỗi ngày thu khoảng 1.700 quả trứng. Tuy nhiên giá trứng xuất bán tại chuồng đang giảm mạnh, chỉ còn từ 1.600 - 1.800 đồng/quả, tức giảm 400 đồng/quả so với tháng trước.

"Giá trứng quá thấp, lại tiêu thụ chậm khiến gia đình tôi thua lỗ triền miên. Hộ nào càng chăn nuôi quy mô lớn thì thua lỗ càng nặng, thậm chí có hộ lỗ vài trăm triệu đồng mỗi tháng. Đợt nắng nóng, tôi biết có hộ còn phá sản vì đàn gà bị sốc nhiệt chết hàng loạt" - anh Kiên nói.

"Người chăn nuôi gia cầm chưa kịp mừng vì giá trứng tăng trở lại sau một thời gian dài giảm giá sâu thì nay lại phải đối mặt với tình trạng mất giá. Nếu giá trứng cứ tiếp đà giảm thế này, gia đình tôi phải tính đến bài giảm đàn để giảm chi phí" - ông Cấn Văn Mai, một hộ đang nuôi gà đẻ Ai Cập ở xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội) than thở.

Trong khi đó, tại thủ phủ chăn nuôi phía Nam là tỉnh Đồng Nai, trong 8 tháng của năm 2020, toàn tỉnh này cung cấp cho thị trường trên 794 triệu trứng gia cầm, tăng gần 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 8, sản lượng trứng gia cầm đạt gần 92 triệu quả, tăng hơn 23% so với cùng kỳ và tăng cao hơn hẳn so với các tháng khác trong năm.

Nguồn cung tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ chậm hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến trứng gia cầm rớt giá. Hiện giá trứng gà công nghiệp bán tại trại chỉ còn từ 1.000-1.100 đồng/quả. Giá trứng vịt chỉ từ 1.600-1.800 đồng/quả. Với mức giá này, người chăn nuôi đang lỗ nặng.

Bà Phạm Thi Mơn (ở Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, những ngày qua gia đình bà liên tục gọi điện tìm đầu mối thu mua gà trắng, giá cũng chỉ 17.000 đồng/kg, nhưng phần lớn các thương lái đều từ chối mua hoặc ép giá khiến bà Mơn và các hộ khác rất chán nản. 

Đến giờ đàn gà hơn 10.000 con của bà Mơn đã quá tuổi xuất chuồng khoảng trên 50 ngày nhưng không có người mua, gia đình bà đành chấp nhận nuôi thêm ít ngày, hy vọng khi các trường học hoạt động ổn định, việc tiêu thụ sản phẩm gà thịt sẽ được cải thiện.

Nghịch lý: Giá rẻ, gia cầm vẫn ế  - Ảnh 3.

Với giá sản phẩm gia cầm như hiện nay, người chăn nuôi đang thua lỗ từ 4.000 - 6.000 đồng/kg. Ảnh: H.Đ

Tương tự, tại Tiền Giang hiện có 16,7 triệu con gia cầm, tăng 12% so với cùng kỳ. Do có khó khăn trong tái đàn lợn vì dịch tả lợn châu Phi nên nông dân chuyển mạnh sang chăn nuôi gia cầm.

Mất cân đối cung cầu

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ khẳng định: "Giá gà thịt ở các tỉnh Đông Nam Bộ đang xuống rất thấp, thê thảm nhất là giá gà trắng, hiện chỉ còn 14.000 - 17.000 đồng. Với mức giá này, người chăn nuôi đang bị thua lỗ nặng".

Theo ông Quyết, nguyên nhân chính khiến giá gà giảm sâu là do nguồn cung tăng quá cao dẫn đến cung vượt cầu. Bên cạnh gà trắng, nhiều tháng nay giá gà lông màu tại các tỉnh Đông Nam Bộ cũng chững ở mức thấp 40.000 đồng/kg. Giá này dù tăng hơn so với thời điểm thấp nhất trong tháng 5/2020, nhưng người chăn nuôi vẫn bị thua lỗ nặng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg.

Một số chuyên gia cho rằng, giá gia cầm và trứng đang ở mức thấp nếu so với 5 - 10 năm trở lại đây, nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song phần lớn là mất cân đối cung cầu khi các trang trại nuôi lợn trước đây sau khi bị thiệt hại vì dịch tả lợn châu Phi đã chuyển sang nuôi gia cầm.

Về tình trạng giá thịt lợn ở mức cao trong thời gian dài, trong khi giá thịt gà, thịt vịt, trứng gia cầm rất rẻ nhưng tiêu thụ vẫn không tăng, TS Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam lý giải do thói quen ẩm thực, tỷ trọng sử dụng thịt lợn để nấu ăn tại nhà của người Việt rất cao (trên 60%), tỷ lệ sử dụng thịt gia cầm và thịt bò còn thấp khiến việc tiêu thụ thịt, trứng gia cầm trong mùa dịch Covid-19 vẫn không tăng nhiều như kỳ vọng của các nhà quản lý. 

"Đối với trứng gia cầm cũng tương tự, nước ta tiêu thụ còn ít, năm 2019, mỗi người tiêu thụ bình quân 130 quả, chỉ bằng 60% so với mức tiêu thụ trung bình toàn châu Á, dù đây là một trong những nguồn dinh dưỡng chất lượng cao nhất, là nguồn thực phẩm hoàn thiện nhất, cân bằng dinh dưỡng tốt nhất và cũng dễ hấp thu nhất" - ông Sơn nói. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem