Tại Bình Thuận, giá thanh long ruột trắng bất ngờ quay đầu giảm từ 16.000 – 20.000 đồng/kg xuống còn 12.000 – 15.000 đồng/kg.
Bà Huỳnh Thị Tuyết Phương ở Phan Thiết cho biết, đây là thời điểm cuối vụ thanh long chong đèn. Sắp vào mùa mưa nên nông dân sẽ không chong đèn làm vụ nghịch nữa.
Thanh long chong đèn lo rớt giá. Ảnh: Nguyễn Vy
“Ai cũng muốn bán được cho trọn vẹn mùa thanh long giá cao suốt từ Tết Nguyên đán đến nay. Với mức giá dưới 15.000 đồng/kg nhiều nông dân trồng vụ nghịch sẽ không có lời hoặc lỗ sau khi trừ các chi phí đầu tư”, bà Tuyết lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Te, nông dân ở huyện Châu Thành (Bến Tre) cho biết, hiện ông đang chong đèn cho 5.000 m2 thanh long ruột đỏ, chừng 10 ngày nữa là thu hoạch. Từ đầu năm, thanh long ruột đỏ được giá khiến nông dân hồ hởi. Nhưng giá thanh long đang giảm thấp bất ngờ.
Hiện, giá chỉ còn 28.000 – 30.000 đồng/kg. Sắp tới, giá có thể giảm xuống tiếp chỉ còn 25.000 đồng/kg. Tuần trước đó, các thương lái thu mua thanh long ruột đỏ tại vườn giá 35.000 – 37.000 đồng/kg.
Trong khi tại Đồng Nai, một số hộ trồng thanh long ruột đỏ ở huyện Thống Nhất cho biết, hiện giá vẫn đang được các thương lái thu mua từ 34.000 – 38.000 đồng/kg; tăng 10.000 đồng/kg so với thời điểm Tết Nguyên đán.
Thanh long ruột đỏ ở Đồng Nai vẫn đang được thu mua giá cao. Ảnh: Nguyễn Vy
Cũng tại Đồng Nai, sầu riêng đầu vụ đang giúp nhiều nông dân hồ hởi vì giá bán bán tại vườn lên đến 60.000 – 70.000 đồng/kg.
Ông Trần Công Tiến, nông dân huyện Long Khánh cho biết 400 gốc sầu riêng trong vườn nhà đang cho thu hoạch sớm. Gia đình ông vừa xuất bán lứa đầu khoảng 700 kg. Hơn 1 tuần nữa ông sẽ cắt bán tiếp lứa thứ 2. Ông Tiến hi vọng giá còn giữ được ở mức cao trước khi rộ vụ. Năm ngoái, vào thời điểm rộ vụ, giá sầu riêng chỉ khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thế Thắng ngụ xã Bàu Sen (Long Khánh) đang trồng chuyên canh 1,2 ha sầu riêng giải thích, do năm nay thời tiết đầu mùa thuận lợi nên quá trình ra hoa sớm.
Cùng với kỹ thuật xử lý ra hoa đồng loạt, những vườn thanh long chín sớm đang giúp nông dân hứng khởi vì hưởng lợi từ giá bán cao. Gia đình ông Thắng cũng vừa mới cắt bán gần 200 kg sầu riêng với giá khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg, tùy loại.
Sầu riêng chín sớm ở Đồng Nai đang cho giá cao. Ảnh: Nguyễn Vy
Ngược lại, ông Phạm Văn Lâm, một nông dân sản xuất giỏi ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cho biết hiện giá sầu riêng quanh vùng giảm xuống dưới mức 50.000 đồng/kg.
“Trước đó 1 tuần, sầu riêng loại 1 của tôi cũng chỉ bán được giá 55.000 đồng/kg. Hi vọng là giá sẽ dừng lại ở ngưỡng 45.000 đồng/kg chứ đừng giảm hơn”, ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, giá bất ngờ giảm như thế này là khá sớm vì còn 1 tháng nữa mới đến chính vụ sầu riêng ở Bến Tre. Thị trường Trung Quốc đang rất hút hàng trái cây.
“Tuy nhiên, sầu riêng lại không đáp ứng đủ số lượng lớn để xuất đơn hàng nên thương lái chỉ thu mua để bán tiêu dùng trong nội địa. Đây có thể là nguyên nhân khiến sầu riêng rớt giá” ông Lâm giải thích.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), cho biết, nhiều nông dân trồng trái cây ở miền Đông sở hữu những khu vườn lớn cả hàng chục hàng ha – điều mà nông dân miền Tây nhìn vào phải phát thèm.
Cần nắm rõ thông tin để định hướng sản xuất đảm bảo chất lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm và đáp ứng thị trường. Ảnh: Nguyễn Vy
Cùng với tập tính canh tác tự cung tự cấp lâu năm, chưa có tính chất chuyên sâu và tập trung nên nhiều lúc, nhiều nơi; vựa trái cây ĐBSCL không đáp ứng được kịp thời số lượng và chất lượng. Nhất là trong những thời điểm thị trường và doanh nghiệp có nhu cầu cao.
Ông Tùng cho rằng đừng thấy sản phẩm mới giá cao mà vội ồ ạt trồng theo. Khi thấy giá thấp thì cũng bình tĩnh để định vị được thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng.
“Các đầu mối thông tin từ ngành nông nghiệp, từ HTX và từ chính thương đều cần thiết để sản xuất theo hướng đảm bảo đồng đều từ chất lượng đến mẫu mã, và an toàn thực phẩm”, ông Tùng chia sẻ. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.