Nghịch lý: Xăng giảm, thực phẩm "viện lý do" tăng giá

Thứ ba, ngày 18/08/2015 09:43 AM (GMT+7)
Mặc dù xăng đã giảm, song giá thực phẩm không những giảm mà theo đà tăng giá mạnh. Một số tiểu thương cho rằng xăng giảm hay tăng không ảnh hưởng nhiều tới giá thực phẩm trên thị trường.
Bình luận 0

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã qua 5 lần điều chỉnh với tổng cộng 3.616 đồng/lít .Với đà giảm đó, người tiêu dùng kỳ vọng giá thực phẩm cũng theo đà cùng giảm. Tuy nhiên, trên thực tế, không có dấu hiệu nào cho việc thực phẩm được giảm giá bán.

Theo ghi nhận của Một Thế Giới, tại TP.HCM, giá các loại lương thực, thực phẩm vẫn giữ nguyên so với thời điểm trước khi giá xăng điều chỉnh giảm. Thậm chí, một số mặt hàng còn tăng giá.

Thực phẩm đồng loạt tăng giá

So với tháng 7, giá thịt gia cầm, thịt heo bán lẻ tại các chợ đã tăng từ 10% - 20%, giá thịt lợn tăng 10%. Giá thủy sản cũng tăng so với trước. Tăng giá mạnh nhất là mặt hàng rau xanh. Các loại rau thông thường có nguồn cung tại chỗ như mồng tơi, rau dền, rau muống… cũng tăng nhẹ.

Cụ thể, giá thịt bò dao động ở mức 250.000-300.000 đồng/kg, thịt heo 100.000 – 120.000 đồng/kg. Gà ta vẫn có giá cao là 120.000-140.000 đồng/kg.

Thịt, cánh, chân gà công nghiệp giá vẫn không giảm, thậm chí tăng ở mức 70.000-80.000 đồng/kg. Giá trứng gà, vịt vẫn lần lượt ở mức 33.000 - 37.000 đồng/chục. Ở một số chợ bán lẻ, giá rau, củ, quả tăng nhẹ và vẫn ở mức cao.

Cụ thể, rau cải xanh có giá là 13.000 đồng/bó, rau muống là 11.000 đồng/kg, rau ngót là 3.000 đồng/bó, rau mồng tơi tăng tới 13.000 đồng/kg.

Cà chua vẫn có giá khá cao là 10.000 đồng/kg trong khi đầu tháng 7, một ký cà chua chỉ có giá 8.000 đồng. Mướp đắng cũng duy trì ở mức 15.000 đồng/kg, thay cho 12.000 đồng.

Khoai tây Trung Quốc nhích nhẹ từ 15.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg. Cà rốt Đà Lạt cũng tăng 3.000 đồng/ kg, hiện có giá 23.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bông cải trắng lên 47.000 đồng/kg, đậu Hà Lan 40.000 đồng/kg... tăng ít nhất 5.000 đồng/kg so với tuần trước.

img

 Rau củ bán tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (Ảnh: Phan Diệu)

Đáng chú ý, trong khi bông cải trắng Trung Quốc có giá 45.000 - 47.000 đồng/kg thì bông cải Việt Nam hiện chỉ có giá 20.000 đồng/kg. Tương tự cà rốt Trung Quốc 23.000 đồng/kg nhưng giá cà rốt Đà Lạt chỉ 20.000 đồng/kg.

Tại chợ đầu mối Thủ Đức 
(TP.HCM), cà rốt và bông cải xanh Đà Lạt được bán sỉ với giá 18.000 đồng/ kg, xà lách búp 12.000 đồng/kg. Cải bẹ xanh là 13.000 đồng/ kg, trong khi đó cuối tháng 7 mặt hàng này chỉ có 8.000 đồng/kg. Giá hành tây 17.000 đồng/ kg, trước đó là 8.000 đồng/kg…

Tại các siêu thị, giá thực phẩm vẫn theo giá niêm yết từ trước nên không có nhiều thay đổi đáng kể.

Xăng giảm không ảnh hưởng tới giá thực phẩm

Lý giải nguyên nhân thực phẩm không giảm mà lại tăng, một số tiểu thương tại chợ Thị Nghè cho rằng do thời gian gần đây lượng hàng về chợ khan hiếm hơn trước nên dẫn đến tình trạng hàng hóa tăng giá nhẹ. Còn việc xăng tăng hay giảm không ảnh hưởng nhiều đến giá thực phẩm.

Không chỉ vậy, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc về tăng đáng kể vài ngày gần đây nhưng thị trường này đang trái mùa rau củ nên giá cũng được đội lên cao hơn. Số lượng nhập nhiều mặt hàng thất thường nên cũng ảnh hưởng đến giá cả.

img

Giá thực phẩm duy trì ở mức cao khiến sức mua của người dân rất chậm (Ảnh: Phan Diệu)

Theo một tiểu thương N.T.Oanh tại chợ Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), giá thực phẩm duy trì ở mức cao khiến sức mua của người dân rất chậm, nhất là mặt hàng thịt và hải sản: “Người mua ai cũng than thở là tại sao xăng giảm mà giá không giảm, ai cũng kêu đắt kêu rẻ. Giờ tăng giá người mua lại kêu nữa. Nói thiệt là ai bán mà chả muốn rẻ cho có người mua nhiều, tui cũng muốn giảm lắm mà nguồn cung họ không giảm thì tui cũng chịu thua”.

Mặt khác, cũng theo tiểu thương này, thời gian này bắt đầu bước vào mùa ăn chay tháng 7 âm lịch nên thị trường tiêu thụ mạnh các sản phẩm nông sản như rau, củ, quả…nên cũng kéo theo giá tăng.

Như vậy, trước những nghịch lý: giá xăng tăng hàng hóa cũng tăng theo, giá xăng giảm hàng hóa không hề giảm lại có xu hướng tăng, người tiêu dùng đành chọn cách “thắt lưng buộc bụng” để chi tiêu hàng ngày. Dù tăng hay giảm thì người tiêu dùng vẫn luôn thiệt thòi nhất.

Phan Diệu (Một thế giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem