Nghìn năm để lại tiếng linh thiêng

Chủ nhật, ngày 21/04/2013 07:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đã hơn 4.000 năm, những người dân xứ Kinh Bắc luôn tự hào khi quê hương mình vẫn lưu giữ phần lăng mộ của thủy tổ Kinh Dương Vương - người được sử sách ghi lại là đã sinh thành Vua Hùng đầu tiên.
Bình luận 0

Người dân huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đang chăm lo, giữ gìn phần mộ ấy, để phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn...

Theo thạc sĩ Đỗ Thủy công tác tại Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, quần thể di tích đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ đều thuộc làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành. Làng cổ này nằm sát sông Đuống, khu dân cư nằm trong đê, đền thờ các bậc thủy tổ nằm trong làng, riêng lăng mộ Kinh Dương Vương nằm ở ngoài đê trên bãi bồi quanh năm cây cối um tùm xanh tốt.

img
Rước lễ về lăng Kinh Dương Vương ngày 18.1 âm lịch.

Về nơi cội nguồn dân tộc

Ở làng Á Lữ, xa xưa còn có tên là Phúc Khang, từ lâu đời các bậc tiền nhân dựng 2 ngôi đền thờ phía tây làng thờ các bậc thủy tổ dân tộc: Đền Thượng thờ Kinh Dương Vương, đền Hạ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ. Trước năm 1949, khi giặc Pháp chưa kéo đến phá hoại thì 2 ngôi đền có quy mô rộng lớn, kiến trúc hoành tráng, chạm khắc trang trí “tứ linh, tứ quý” lộng lẫy. Hòa bình lập lại, dân làng Á Lữ đã chuyển toàn bộ đồ thờ tự quý như: Ngai, kiệu, thần phả, sắc phong vào thờ tạm ở Văn chỉ giữa làng.

Năm 2000, một ngôi đền chung thờ các bậc thủy tổ được phục dựng lại theo kiểu thức truyền thống. Kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm: Tiền tế 5 gian 4 mái đao cong và hậu cung 3 gian. Trên tất cả các bộ phận kiến trúc như con rường, cốn, bẩy đều được chạm nổi “tứ linh, tứ quý” và hoa lá cách điệu.

Phía ngoài đê là Bãi Lăng - nơi có lăng mộ Kinh Dương Vương cũng được tu tạo, quy hoạch khang trang. Thuyết phục ý thức, tâm linh mọi người chính là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của di tích như: Thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối, tín ngưỡng, lễ hội... Tại khu lăng mộ Kinh Dương Vương còn bảo lưu được tấm bia đá có niên đại “Minh Mệnh nhị thập nhất niên” (1840). Lần theo sử cổ, sách “Đại Nam thực lục chính biên” cho biết, thời Vua Minh Mệnh đã ban ân điển 18 điều, trong đó 4 điều nói rõ: “Lăng tẩm đế vương các triều đại có hỏng nát chỗ nào thì thuê dân sửa chữa, lập bia chí”. Còn sách “Đại Nam nhất thống chí” đã cho biết rõ hơn về việc trùng tu lăng Kinh Dương Vương như sau: “Lăng Kinh Dương Vương ở xã Á Lữ huyện Siêu Loại, năm Minh Mệnh thứ 21 cho tu sửa và lập bia”.

Sách “Bắc Ninh địa dư chí” còn cho biết rõ hơn về việc thờ phụng ở đền và lăng như sau: “Đền Kinh Dương Vương ở xã Á Lữ huyện Siêu Loại, gần sông Thiên Đức, lăng của vua cũng ở phía trên bờ sông, cách đền vài trăm bước. Xưa nơi này vốn rậm rạp, triều Vua Minh Mệnh tu sửa lại, dựng bia. Xếp vào loại miếu thờ đế vương, các triều đại mỗi lần quốc khánh, vua sai quan đến tế”. Như vậy, qua sử sách thì đền và lăng Kinh Dương Vương vốn có từ lâu đời, đến thời Vua Minh Mệnh được tu bổ, lập bia và việc thờ phụng ở đây mang tính quốc gia.

Rước nước sông tế lễ quanh năm...

Tại đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, hiện còn bảo lưu một số hoành phi và câu đối phản ánh ca ngợi về người được thờ, như các bức hoành phi “Nam bang thủy tổ” (Thủy tổ nước Nam), “Nam tổ miếu” (Miếu tổ nước Nam); bộ câu đối: “Việt Nam hoàng đồ vạn lý giang sơn đế tạo thủy/Hồng Bàng đế trụ thiên thu hà lạc tú linh chung” (dịch nghĩa: Cương vực Việt Nam núi sông vạn dặm được đế vương tạo dựng từ trước/Họ Hồng Bàng đế vương gìn giữ ngàn năm còn để lại tiếng linh thiêng)...

Ngày nay, mỗi khi đến ngày khai hội đền Hùng thì đại diện nhân dân và chính quyền tỉnh Phú Thọ vẫn cử đoàn về Đại Đồng Thành dâng hương, lễ vật để kính cáo với bậc thủy tổ và xin phép được mở hội đền Hùng và cầu cho quốc thái dân an.

Tục truyền, xưa hàng năm cứ đến ngày 18 tháng Giêng, đền, đình làng Á Lữ lại được mở hội. Ngày 16, làng tổ chức rước nước từ sông Đuống về đình để tế lễ quanh năm. Ngày 17, làng tổ chức rước kiệu từ đình xuống đền Thượng và đền Hạ để xin rước các bậc thủy tổ dân tộc về đình để tế lễ và mở hội. Từ ngày 18 - 24, mỗi ngày một tuần tế. Lễ vật có lợn cả con, bánh chưng, bánh giầy. Đến ngày 25, tế giã đám tại đền Thượng và đền Hạ bằng cá gỏi. Trong những ngày lễ hội, sau phần tế là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: Tuồng, chèo, đu, vật... thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Ngoài ngày đình đám 18 tháng Giêng, còn có ngày sự lệ riêng của đền Thượng và đền Hạ. Tục truyền, cứ đến ngày 15 tháng 8 (âm lịch), dân làng làm 3 mâm xôi, 3 mâm trám đen và 3 mâm gỏi cá để tế các bậc thủy tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ tại đền Thượng và Hạ. Các mâm tế trám đen tượng trưng cho 50 người con theo mẹ lên vùng rừng núi sinh cơ lập nghiệp. Còn cá gỏi tượng trưng cho 50 người con theo cha xuống vùng biển khai lập...

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem