Ngỡ ngàng trước "khối vàng ròng lộ thiên" ở Hồ Gươm
Ngỡ ngàng trước "khối vàng ròng lộ thiên" ở Hồ Gươm
Kim Duyên
Thứ hai, ngày 04/07/2022 10:52 AM (GMT+7)
Quanh khu vực Hồ Gươm (Hà Nội) có nhiều cây xanh cổ thụ, nhưng ít ai biết tại đây có trồng một loại cây quý như "vàng", đó là cây sưa đỏ. Những cây sưa đỏ hàng trăm năm tuổi trị giá tiền tỉ, hàng ngày phủ bóng lên mặt Hồ Gươm.
Video "khối vàng ròng lộ thiên" ở Hồ Gươm (Hà Nội). Thực hiện: Kim Duyên
Hồ Gươm (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi thu hút nhiều người dân, du khách đến ngắm cảnh, dạo chơi, chụp ảnh bởi cảnh đẹp và có nhiều cây cổ thụ, toả bóng mát quanh năm.
Xung quanh Hồ Gươm có hàng chục cây sưa đỏ quý hiếm, trong đó có cây sưa có tuổi đời hơn 100 năm tuổi. Nhiều du khách đến với Hồ Gươm đã thích thú, chụp ảnh lưu niệm bên dưới tán cây.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, ven Hồ Gươm (gần khu vực cửa đền Ngọc Sơn) có một cây sưa đỏ cổ thụ nhiều năm tuổi. Tán của cây tỏa bóng mát sum suê khiến nhiều người dân thích thú.
Cây gỗ sưa cao khoảng hơn 10m, đường kính gốc khoảng 70cm, vừa bằng một vòng tay người lớn ôm.
Cây sưa có tán rộng, nhiều cây rủ bóng xuống mặt hồ, làm cảnh quan hồ Hoàn Kiếm thêm cổ kính, lãng mạn.
Không chỉ riêng khu vực cửa đền Ngọc Sơn, những cây xưa hàng chục năm tuổi còn nằm rải rác quanh hồ: Vườn hoa Lý Thái Tổ; ven hồ khu vực đường Lê Thái Tổ...
Những cây sưa lớn ở Hồ Gươm tương đương với cây sưa ở đình Quán Xá (Hoài Đức), thôn Phụ Chính, Chương Mỹ, Hà Nội. Cây gỗ sưa ở đây từng được thương lái trả giá hàng chục tỷ đồng.
Sưa là loài cây thân gỗ thuộc họ đậu. Vỏ cây màu vàng nâu hay xám, nứt dọc. Gỗ sưa cho mùi thơm thoảng nhẹ kiểu hương trầm. Khi đốt tàn có màu trắng đục, mùi khó chịu nên được gọi là trắc thối. Trao đổi với Dân Việt, một lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho hay, hiện tại, cán bộ của Ban quản lý Hồ Gươm vẫn thường xuyên túc trực, đảm bảo an ninh quanh khu vực hồ, 24/24h. Ngoài ra, một tổ công tác của công an phường cũng thường xuyên đi tuần tra quanh hồ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân du khách. Đồng thời, hỗ trợ người dân khi gặp sự cố xảy ra.
Là người dân sống tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, bà Nguyễn Thị Nhài (80 tuổi) cho biết: "Chính vì sự đắt đỏ của loại gỗ này nên nhiều năm trước xảy ra hiện tượng cắt trộm cành. Những năm gần đây hiện tượng này không còn vì bảo vệ đã cử người trông coi, lập chốt an ninh, lắp camera… để bảo vệ những cây gỗ quý".
Lần nào ra Hà Nội, anh Nguyễn Văn Luật (Hải Phòng) đều đến hồ Hoàn Kiếm ngồi tại gốc sưa quen thuộc để nhớ lại thời sinh viên đã qua. Anh tâm sự: "Biết tại bờ hồ có một số cây hàng trăm tuổi, một số cây sưa có giá trị lớn, mỗi lần đến Hà Nội tôi lại thấy một thay đổi. Nhưng mình để ý sau nhiều lần quay lại thăm Hà Nội, hệ thống cây xanh quanh hồ đặc biệt là những cây sưa vẫn luôn được chăm sóc bảo vệ tốt".
Anh Trần Đức Thiện (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, nhà anh có trồng vài cây sưa đỏ, nhưng do không để ý nên dù đã đến Hồ Gươm nhiều lần cũng không biết ở đây có loài cây quý hiếm này. Anh kể, gỗ sưa rất quý hiếm nên được bán với giá rất cao, thậm chí nhiều người còn ví cây gỗ sưa giống như "vàng ròng lộ thiên" ở Hồ Gươm.
Thời phong kiến, vua chúa thường dùng gỗ sưa để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì vừa là hương liệu, vừa là dược liệu. Thời nay, gỗ sưa đỏ rất quý hiếm, giá trị trường có lúc tới hàng tỉ đồng/m3.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.