Ngỡ ngàng với nông dân quê lúa

Thứ ba, ngày 26/04/2011 10:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn 400 nông dân yêu văn thơ ở thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã có dịp hội ngộ chiều 24.4 để giao lưu với 2 khách mời là nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bình luận 0

Bất ngờ nối bất ngờ

Theo thông báo, chương trình sẽ diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 24.4, nhưng bắt đầu từ lúc 13 giờ, hơn 400 ghế trong rạp 19.5 đã không còn một chỗ trống. Hai khách mời đã cùng hơn 400 khán giả là nông dân, giáo viên, học sinh, viên chức ở huyện Quỳnh Phụ và tỉnh Thái Bình nhìn lại đời sống văn học Việt Nam hiện nay, mối liên hệ giữa văn học Việt Nam đương đại với đời sống đất nước hiện nay...

img
Nhà thơ Trần Đăng Khoa ký tặng người hâm mộ.

Các tác giả cũng nhận được nhiều câu hỏi khá… dễ thương từ bạn đọc như tại sao nhà thơ Trần Đăng Khoa lại sáng tác bài thơ “Sao không về Vàng ơi”?, con chó trong bài thơ có phải tên là Vàng, hay có màu vàng? Hay tại sao nhà văn Nguyễn Văn Thọ lại để một nhân vật nam người nước ngoài đánh thức tình yêu của một cô gái Việt Nam? Liệu tiểu thuyết “Quyên” có phải là một chuyện sex?... Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “Tôi thật sự bất ngờ với tình yêu của những nông dân quê lúa dành cho văn học”.

Tại buổi giao lưu, 2 khách mời cùng với khán giả đã chia sẻ những kinh nghiệm đọc sách, nhất là sách văn học và những trải nghiệm khi mới bắt đầu viết văn, làm thơ của chính bản thân mình. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Giải Nhì cuộc thi tiểu thuyết, Hội Nhà văn Việt Nam 2007 – 2010) tâm sự: “Tôi thật sự ngỡ ngàng với khả năng cảm thụ văn học, tình yêu văn thơ của những người nông dân nơi đây. Những câu hỏi mà họ đưa ra cho tôi và nhà thơ Trần Đăng Khoa đã thể hiện rất rõ điều này”.

Điểm sáng về đọc sách

Không có nhiều thế mạnh về kinh tế cũng như không thuận tiện về giao thông, nhưng gần 3 năm trở lại đây, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã trở thành điểm sáng về phong trào đọc sách. Mô hình “Tủ sách dòng họ” do anh Nguyễn Quang Thạch sáng lập đã triển khai được 71 điểm trên cả nước, riêng ở xã An Dục đã phát triển tới 10 điểm, thu hút hàng trăm lượt bạn đọc miễn phí mỗi ngày.

Mô hình này tại Quỳnh Phụ, Thái Bình vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là điểm điển hình và khuyến khích nhân rộng ra cả nước.

“Người dân nông thôn hiện nay không phải là không có nhu cầu đọc sách mà do không có điều kiện tiếp cận với sách. Tủ sách của dòng họ, tủ sách của mỗi gia đình hay mở rộng không gian đọc cho mọi người có điều kiện tiếp cận với sách có ý nghĩa rất lớn. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các dự án triển khai thí điểm ở huyện Quỳnh Phụ” - ông Nguyễn Viết Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem