Nhưng theo dõi nhiều cuộc thi nhan sắc gần đây, khán giả không khỏi ngớ người vì những màn ứng xử của các người đẹp.
Chết cười với người đẹpCuộc thi sắc đẹp gần nhất vừa mới kết thúc là Nữ hoàng Trang sức Việt Nam đã diễn ra với nhiều vụ việc lình xình. Kể cả đến khi kết thúc, người đẹp nhận giải vô tình để lộ một phần vòng một vô cùng phản cảm.
Thí sinh Ngọc Bích trong phần thi ứng xử.
Phần ứng xử, ban giám khảo đưa ra những câu hỏi thuộc vào loại “biết rồi, khổ lắm, hỏi mãi” nhưng khán giả có mặt ở Cung văn hóa Việt Xô vẫn được dịp "cười ra nước mắt" với màn trả lời của thí sinh cho câu hỏi: "Người xưa có câu "Im lặng là vàng", vậy theo bạn vàng ở đây có được xem như là trang sức hay không?".
Ngọc Bích đến từ Thanh Hóa nói: "Theo em, vàng ở đây người ta không muốn nói đến có nghĩa là vàng trang sức mà người ta muốn nói đến giá trị của nó. Và sự im lặng được ví như vật trang sức cho con người, nhất là đối với người phụ nữ. Người phụ nữ đẹp thì cần phải biết im lặng. Theo em thì người phụ nữ phải biết lắng nghe''.
Câu trả lời không liên quan gì với câu hỏi của người đẹp xứ Thanh khiến khán giả cau mày khó hiểu nhưng dù gì nó vẫn có thể tạm nghe được. Nhưng đến phần ứng xử của người đẹp Phạm Thị Hương ngay sau đó thì đúng là “bó tay”. Trả lời câu hỏi: "Theo em, bộ trang sức làm tăng thêm giá trị của người phụ nữ hay vẻ đẹp của người phụ nữ làm tăng thêm giá trị của bộ trang sức.
Và em hiểu thế nào về lòng nhân đạo?", cô làm một tràng không đầu không cuối: "Theo em được hiểu, tạo hóa đã sinh ra người phụ nữ đẹp và hoạt động có tâm hồn và ý thức. Và bộ trang sức đẹp là do bàn tay con người tạo nên. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc rằng bộ trang sức làm đẹp cho con người và thông qua con người giúp thổi hồn vào bộ trang sức cũng như làm cho nó tăng thêm vẻ đẹp, sự hấp dẫn”.
Đỉnh điểm gây cười phải kể đến phần trả lời của người đẹp Kim Anh đến từ Hải Phòng. Ban giám khảo hỏi: "Cuộc sống hiện nay ở nước ta những vấn đề nhức nhối về môi trường, tai nạn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, em quan tâm nhất đến vấn đề nào và tại sao?".
Người đẹp vô tư: "Trong các vấn đề trên, em thiết nghĩ vấn đề em quan tâm nhất là tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông được coi như một đại dịch đe dọa mạng sống, cuộc sống của con người. Em mong có biện pháp giáo dục ý thức người dân về giao thông và có biện pháp hiệu quả ngăn chặn đại dịch này".
Cô vừa dứt câu trả lời, khán giả đã ồ lên cười. Nhiều khán giả không thể ngờ một cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ lại có thí sinh ngớ ngẩn đến mức ví tai nạn giao thông như... bệnh tật.
Hài như hoa khôi sinh viênNữ hoàng trang sức là cuộc thi lớn nên dẫu sao những câu trả lời của người đẹp không đến mức thê thảm. Rất nhiều những cuộc thi sắc đẹp cấp khu vực có phần thi ứng xử không khác gì những tiết mục tấu hài. Đến những cuộc thi cấp tỉnh thành thì không ít nơi khán giả ôm bụng cười rũ rượi. Trường đại học là nơi hội tụ tài năng và sự hiểu biết nhưng cũng không ít sinh viên ứng xử gây... choáng.
Ở một cuộc thi Duyên dáng sinh viên Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, trước câu hỏi: "Hiện nay, tình trạng học sinh nữ đánh nhau trong các nhà trường đang thực sự là vấn đề gây nhức nhối cho xã hội. Vậy, bạn sẽ làm gì để góp phần làm cho tình hình được tốt hơn?".
Một thí sinh dõng dạc: “Em nghĩ, chắc thầy và các bạn sẽ không hài lòng lắm về câu trả lời của mình. Nếu mà em trả lời khéo léo quá mọi người sẽ nghĩ là em khôn, em trả lời khờ khạo quá mọi người sẽ cho là em ngu. Nên em sẽ trả lời suy nghĩ của chính mình, một sinh viên khối kỹ thuật”.
Cô vừa vào đề, khán phòng ồ lên không ngớt. Ban giám khảo tiếp tục hỏi thêm để làm rõ ý. Cô này “chưởng” tiếp: “Cũng may, em không phải là nạn nhân. Cuộc sống này có biết bao điều tốt đẹp, sao mọi người lại phải đánh nhau làm gì? Em nghĩ những người có hành động đánh người kia chắc chắn là có vấn đề về thần kinh” (?!).
Trong một cuộc thi Tài sắc nữ sinh báo chí, ban giám khảo hỏi: “Lợi thế của sắc đẹp trong công việc của người nữ phóng viên”, một nữ sinh nói thẳng: “Phóng viên báo phát thanh - truyền hình mới cần phải đẹp còn phóng viên báo viết không thể hiện được cái đẹp của mình nên không cần phải đẹp”. Cũng trong cuộc thi này, khi ban giám khảo đưa ra câu hỏi: “Vì sao em thi vào Học viện Báo chí?”.
Một nữ sinh lọt vào top 5 đã thành thật khai: “Thật ra, mơ ước của em khi còn là học sinh đó là trở thành một sinh viên của Học viện Cảnh sát, nhưng đáng tiếc là em không vượt qua vòng kiểm tra sức khỏe. Sau đó, em đã nộp hồ sơ dự thi vào trường Học viện Báo chí và đã may mắn trở thành một sinh viên của trường. Em gửi đến Ban giám khảo những lời tâm sự chân thành nhất của mình”.
Không chỉ chết cười vì những câu trả lời “vu vơ”, nhiều cuộc thi sắc đẹp trong các trường học, thí sinh còn học thuộc lòng những bài ứng xử của mình. Đến khi thi, họ xổ ra một tràng trơn tuột từ đầu đến cuối, không chút cảm xúc khiến người xem không biết nên cười hay khóc.
Hoa hậu cũng... gây cườiKể cả cuộc thi tầm cỡ như Hoa hậu Việt Nam, khán giả cũng không ít lần ngớ người với những màn ứng xử vô tiền khoáng hậu. Được hỏi: "Thế nào là một người sống có ích?". Thí sinh Lâm Thị Thúy trả lời: “Phải biết sống vì người khác. Người khác hạnh phúc thì cũng là hạnh phúc của mình… Khi mình sống cho người khác thì người khác cũng sẽ phải sống lại cho mình, khi mình cho đi thì phải nhận lại được một ít".
Câu trả lời vừa lủng củng vừa buồn cười, thể hiện quan điểm “cho đi phải được nhận lại” của người đẹp này khiến khán giả chỉ còn biết bật lên tiếng cười ngao ngán. Cô đáp lại tràng cười một cách hồn nhiên: "Có thể các khán giả thấy mắc cười nhưng em nghĩ, khi mình cho đi mà không nhận lại được một ít thì mình sẽ cảm thấy buồn và day dứt lắm đó".
Cũng trong cuộc thi hoa hậu, Bích Phượng khiến cả hội trường sốt ruột khi đứng trên sân khấu loay hoay mãi mà vẫn không tìm được câu trả lời ưng ý cho câu hỏi "Nấu ăn ngon là cách giữ hạnh phúc gia đình?". Người dẫn chương trình tế nhị "cứu cánh" bằng câu hỏi nhắc khéo: "Bạn có biết nấu ăn hay không?" thì thí sinh này đáp ngắn gọn: "Em không nấu ăn giỏi, chỉ biết nấu vài món thôi", rồi đứng im và mỉm cười lãng xẹt.
So với hai thí sinh đi trước, hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan còn “đẳng cấp” hơn nhiều. Sau khi nghe xong câu hỏi từ ban giám khảo đã phải dừng lại để… thở, lấy hơi cười thật tươi rồi nói ngọng từ niềm tự hào thành “liềm tự hào”. Sau hồi ấp úng, cô tâm tình: “Kiến thức của em còn hạn hẹp, xin ban giám khảo cuộc thi cho em xin phép trả lời ở cuộc thi sau
Cả một cuộc thi tầm cỡ như Hoa hậu Việt Nam nhưng không ít lần phần thi ứng xử trở thành màn tấu hài. Năm 2012, cuộc thi gần nhất, ban tổ chức đã phải bỏ giải “ứng xử hay nhất” vì... sợ những màn ứng đáp gây choáng. Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ người đẹp Việt Nam thường “trượt vỏ chuối” ở các cuộc thi quốc tế là do chưa tìm được người vẹn toàn tài sắc. Những cuộc thi sắc đẹp được tổ chức tràn lan nhưng ít chất lượng. Trong đó, có một lỗ hổng lớn đến từ việc thiếu hiểu biết và khả năng ứng xử kém cỏi của các thí sinh.
Tiến Tường (Dòng Đời) (Tiến Tường (Dòng Đời))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.