Ngoài dịch tả lợn, nhiều bệnh nguy hiểm khác đang đe dọa đàn gia cầm

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 14/09/2018 18:45 PM (GMT+7)
Khi nhiều nơi đang ráo riết các biện pháp phòng chống dịch tả ở lợn, một số chủng vi rút cúm gia cầm(CGC) như A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8 tiếp tục có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm nhập lậu.
Bình luận 0

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu - Đông ngày 14.9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh động vật trên cạn có chiều hướng gia tăng.

Nguyên nhân là do sau một thời gian dài, dịch bệnh ít xuất hiện nên người chăn nuôi và một số địa phương đã chủ quan và chưa tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cần thiết trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán động vật.

img

Vi rút cúm gia cầm A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8 tuy chưa có ở Việt Nam nhưng nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta rất cao. Ảnh Nguyên Vỹ

Công tác vệ sinh, khử trùng và tiêu độc chưa được thực hiện đầy đủ, dẫn đến các loại mầm bệnh lưu hành ở nhiều địa phương. Công tác chủ động phòng bệnh cho vật nuôi, nhất là tiêm phòng các bệnh đạt tỷ lệ thấp, chậm so với các thời điểm có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh.

Sau khi một số địa phương tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp cấp huyện, trong đó sáp nhập trạm thú y huyện mà chưa có giải pháp phù hợp, có nơi bị buông lỏng, không nắm sát tình hình thực tế.

Mặt khác, thời gian qua, mưa lũ đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, cây trồng và vật nuôi của người dân.

“Đây là môi trường thuận lợi cho dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan. Nếu không có biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, sẽ có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh”, Thứ trưởng nhận định.

img

Tình hình dịch bệnh động vật trên cạn có chiều hướng gia tăng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2013 đến tháng 7.2018, Trung Quốc đã có 1.625 người bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9. Trong đó có 623 ca đã tử vong.

Trung Quốc đã lấy tổng cộng 2.500 mẫu gà, vịt, bồ câu, vẹt và mẫu môi trường tại các chợ gia cầm để xét nghiệm. Kết quả phát hiện 280 mẫu dương tính với CGC độc lực thấp A/H7N9 và 49 mẫu dương tính với CGC độc lực cao A/H7N9.

Bộ NNPTNT cũng cho hay, vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút khác như A/H5N2, A/H5N8 chưa có ở Việt Nam. Tuy nhiên nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta là rất cao, là mối nguy đối với sức khỏe cộng đồng.

Trong nước, tình hình dịch bệnh do virut A/H5N1 và A/H5N6 vẫn đang được kiểm soát tốt. Trên phạm vi toàn quốc chỉ có 4 ổ dịch CGC do vi rút cúm A/H5N6 gây ra tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Nghệ An. So với cùng kỳ năm 2017, số xã có dịch giảm 90% và số gia cầm tiêu hủy giảm 74%.

Trên đàn lợn, 8 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 9 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) típ O tại 3 huyện của tỉnh Sơn La làm 612 con gia súc mắc bệnh. Mặc dù dịch xuất hiện tại 1 tỉnh, nhưng số lượng ổ dịch nhiều hơn.

img

Công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương chưa được thực hiện tốt. Ảnh: Bình An

Các ổ dịch vừa qua chủ yếu xảy ra trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ. Hiện, dịch LMLM đã được kiểm soát tốt và không lây lan sang các tỉnh, thành khác.

Ngoài ra, 1 ổ dịch dại trên đàn chó được báo cáo đã xảy ra ở tỉnh Bắc Kạn. Giám sát cho thấy vi rút dại vẫn còn lưu hành ở nhiều nơi. Đây là mối nguy lớn đối với người dân và đàn động vật mẫn cảm.

img

Dịch tả lợn châu Phi đang đe dọa đàn lợn trong nước. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đáng lưu ý, tình hình bệnh dại ở người trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 50 ca người mắc bệnh. Tất cả đều đã tử vong tại 22 tỉnh, thành phố.

Bộ NN&PTNT nhận định nguy cơ bệnh dại tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới là rất cao do công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương chưa được thực hiện tốt.

Cụ thể, 18/63 tỉnh chưa thống kê, không có báo cáo về số hộ nuôi chó, tổng đàn chó để phục vụ cho công tác tiêm phòng. Tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó nuôi đạt thấp và công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại chưa tốt.

img

Nếu không có biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, sẽ có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiện nay, tổng đàn lợn của Việt Nam đạt 27 triệu con (đứng thứ 7 trên thế giới); tổng đàn gia cầm khoảng 385 triệu con; bò là 5,6 triệu con; trâu là 2,5 triệu con; dê đạt 2,6 triệu con.

Đánh giá chung, Bộ NNPTNT cho rằng tình hình chăn nuôi vẫn tồn tại một số khó khăn khi chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán chiếm tỷ lệ cao; năng suất chăn nuôi thấp, giá thành sản phẩm cao. Việc kiểm soát dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm; an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; giết mổ, chế biến và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bất cập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem