Ngoài nỗi lo ATIGA, mía đường Việt Nam đang gặp những khó khăn gì?

Thanh Phong Thứ sáu, ngày 30/08/2019 08:45 AM (GMT+7)
Ông Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP) cho rằng cùng với thách thức hội nhập ATIGA thì việc một số DN nhập đường thô về tinh luyện rồi tiêu thụ nội địa, tình trạng tạm nhập nhưng không tái xuất đang "giết" ngành đường Việt Nam.
Bình luận 0

Theo lộ trình, từ 1/1/2020, Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (Atiga) có hiệu lực, hạn ngạch nhập khẩu mía đường từ ASEAN chính thức được xóa bỏ và mức thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam sẽ là 0%. Trong bối cảnh ngành đường trong nước đang đối diện với nhiều khó khăn do khí hậu, thời tiết, do đường nhập lậu tràn lan khó kiểm soát... việc thực thi ATIGA sẽ càng khiến ngành đường lâm vào thế "khó chồng thêm khó".

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP) - một DN lớn trong ngành mía đường Việt Nam với 100% vốn đầu tư từ Ấn Độ.

Trước thời điểm Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực, ông đánh giá thế nào về hiện trạng ngành mía đường Việt Nam hiện tại, các DN đang gặp những vướng mắc, khó khăn gì?

- Ông Subbaiah: Hiện tại, chúng tôi cũng không biết chính sách hội nhập cụ thể cho ngành mía đường của Chính phủ ra sao nhưng lượng đường lậu đã tràn vào Việt Nam với một số lượng rất lớn. Khi hội nhập chính thức, lượng đường tràn vào càng lớn thì giá đường sẽ phải giảm xuống 15-20% .

Giá đường xuống thấp dẫn đến giá thu mua mía của người nông dân chắc chắn sẽ giảm. Một khi người nông dân không có lãi họ sẽ chuyển sang trồng cây khác. Điều này sẽ gây khó khăn cho nhà máy do thiếu nguyên liệu đầu vào.

Ngành mía đường Việt Nam trong những năm gần đây đã phát triển mạnh. Nhưng 2 năm vừa qua, do thời tiết hạn hán ảnh hưởng đến hoạt động trồng mía, năng suất giảm mạnh so với trước. Điều này đặt ra nhiệm vụ cấp bách cho các DN, nhà máy là phải đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, phát triển nguồn nguyên liệu ổn định. Đầu tư cho nông dân cải tiến kỹ thuật để từng bước nâng cao năng suất và chất lượng cây mía. 

img

Ông Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP)

Một vấn đề nữa là về thị trường, các DN được nhập đường thô về tinh luyện để tiêu thụ nội địa mà không xuất khẩu. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến thị trường đường trong nước. Hiệp hội mía đường cũng đã phản ánh rất nhiều, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tận dụng kẽ hở pháp luật để đưa đường nhập vào tiêu thụ trong nước. Với việc tạm nhập nhưng không tái xuất, bán ngay ở thị trường trong nước sẽ “giết” ngành sản xuất đường nội địa.

Hiệp định ATIGA mặc dù chính thức có hiệu lực đầu năm 2020 nhưng thực tế ngành đường đã “hội nhập” rồi. Lượng đường nhập lậu đã có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong nước.

Ông nhận định vị thế, năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, đặc biệt là Thái Lan thế nào? 

- Ông Subbaiah: Theo tôi, hiện nay, trong khu vực, nếu so với Trung Quốc giá đường của mình rẻ hơn rất nhiều. Còn Thái Lan là đất nước đã có ngành công nghiệp mía đường từ lâu đời và rất phát triển. Giá mía nguyên liệu giữa Việt Nam và Thái Lan có sự chênh lệch rất lớn, khoảng 200.000 đồng/ tấn. Nhưng người dân Thái Lan vẫn trồng mía và sống được nhờ vào cây mía do Chính phủ Thái Lan đã có những chính sách hỗ trợ đối với người dân trồng mía nên người nông dân vẫn sống tốt dù giá thu mua mía thấp. 

Chính vì điều này mà vừa qua Brazil đã khởi kiện Thái Lan ra WTO vì đã hội nhập thì phải bình đẳng. Thái Lan phải cam kết là không hỗ trợ người nông dân nữa nhưng thực tế họ có hỗ trợ hay không thì cũng chưa ai có thể kiểm soát được. 

Ngoài ra, Thái Lan có một lợi thế nữa là đất đai của họ với diện tích cánh đồng lớn, bằng phẳng. Đặc biệt, họ có nguồn giống riêng phù hợp với địa hình và thổ nhưỡng, khí hậu của họ, do đó, cây mía đảm bảo được chất lượng cũng như năng suất cao. 

Bên cạnh đó, năng suất lao động bên Thái Lan ổn định hơn. Trong khi ở Việt Nam lực lượng lao động thường rời các vùng nông thôn đến làm tại các khu công nghiệp nên việc tuyển dụng lao động tại địa phương gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại, giá đường trong nước của Thái Lan rất cao nhưng giá đường xuất khẩu lại thấp vì chính phủ Thái Lan có chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp mía đường của họ. Nói chung, trong khối Đông Nam Á đối với đường mình chỉ thua Thái Lan còn với Trung Quốc đã có chính sách nên có thể cạnh tranh.

Chúng tôi mong muốn chính phủ có chính sách đúng đắn, phù hợp như tạm hoãn thời gian hội nhập và có cơ chế để các DN ngành mía đường có thể tự quyết với những sản phẩm của chính mình để tiếp tục đầu tư phát triển.

Theo ông, tương lai ngành đường sắp tới sẽ như thế nào? Liệu có xảy ra tình trạng người dân bỏ mía trồng cây khác khiến DN thiếu hụt nguyên liệu không?

- Ông Subbaiah: Mía là loại cây trồng được trồng ở vùng sâu vùng xa những vùng có địa hình, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng lại giải quyết vấn đề xã hội rất lớn. Cây mía là loại cây trồng mang lại nhiều giá trị kinh tế và được các nhà máy bao tiêu sản phẩm. 

Nếu chuyển sang cây trồng khác người nông dân không thể biết được những loại cây trồng mới có đem lại hiệu quả kinh tế không khi chưa có đầu ra, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân. 

Ở Phú Yên, cây mía phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng ở đây. Nhà máy có chính sách hỗ trợ người dân nhưng chỉ trong ngắn hạn chứ không thể trong thời gian dài vì bản thân DN cũng đang giảm sút lợi nhuận.

Theo tôi, chính phủ cần có những chính sách nghiêm túc về phát triển cây mía. Ngoài sản phẩm chính là đường, nó còn có thể sản xuất ra các phụ phẩm, năng lượng tái tạo.

Ví dụ, bây giờ, các nhà máy đường thu được lợi nhuận từ giá đường thì đem lợi nhuận đó đi đầu tư cho người nông dân. Nguồn lợi nhuận chính của các nhà máy thu từ các sản phẩm phụ như cồn, điện. Cần phát triển các dự án điện, như giá điện tại KCP chỉ 5,8cent trong khi ở Thái Lan là 14cent, rõ ràng có một sự chệnh lệch về giá rất lớn. Nếu có chính sách cho sản xuất ethanol nhiên liệu, công ty xăng dầu có nhu cầu họ đến các DN sản xuất nhiên liệu mua, giá cả hai bên tự thỏa thuận hoặc có chính sách hỗ trợ về thuế.

Hiệp hội mía đường đã nhiều lần kiến nghị chính phủ có chính sách mới, gia hạn thời gian hội nhập để các DN mía đường ổn định sản xuất, đầu tư phát triển đảm bảo đời sống cho người nông dân.

Xin cảm ơn ông!

Trong Công văn số 106/CV-HHMĐ gửi tới ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, hiện nay ngành mía đường Việt Nam đang khẩn trương chuẩn bị vào vụ ép mía 2019-2020. Dự kiến trung tuần tháng 9/2019 một số nhà máy thuộc Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào vụ ép. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị vào vụ ép năm nay đang gặp phải những trở ngại chưa từng có trong lịch sử của ngành, cộng hưởng từ những khó khăn của ngành mía đường trong suốt 3 niên vụ gần đây.

Trong bối cảnh đó, việc xoá bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) đồng nghĩa với việc từ sau ngày 1/1/2020 lượng đường không hạn chế với mức giá dự kiến 8.000-9.000 đồng/kg từ Thái Lan sẽ tràn vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Mức giá này thấp hơn so với giá bán của các nhà máy đường trong nước khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Hệ quả là các DN đường trong nước, các hộ gia đình trồng mía chắc chắn không có chỗ đứng và phá sản là điều không tránh khỏi.

..“Trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện nay của ngành đường và nông dân trồng mía, việc vận dụng Điều khoản số 23 để trì hoãn là hợp lẽ và hết sức cần thiết để tránh việc phá sản quy mô lớn của các DN mía đường và đẩy hàng vạn hộ nông dân vào nguy cơ thất nghiệp, nợ nần”, HHMĐ đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem