Ngoài SAT và IELTS, muốn vào ghi danh vào trường đại học top đầu cần có yếu tố nào?
Ngoài SAT và IELTS, muốn vào ghi danh vào trường đại học top đầu cần có yếu tố nào?
Tào Nga
Chủ nhật, ngày 12/02/2023 10:35 AM (GMT+7)
Theo TS Nguyễn Chí Hiếu, nếu cả 3 năm THPT chỉ chuẩn bị về điểm số thì hơi phí và đó cũng chưa đủ để sinh viên khai thác môi trường, nguồn lực, cái tầm để phát triển trong trường đại học top đầu.
"Để giúp một học sinh bước vào đại học top đầu là khó. Nhưng khó hơn rất nhiều lần là việc chuẩn bị sao cho học sinh có thể trụ vững, học tốt và phát triển tốt trong đại học.
Thế nhưng, việc học phổ thông thời nay hầu hết chỉ chăm chăm giúp cho học sinh vào được đại học (top đầu), chứ rất ít khi nghĩ đến việc bọn trẻ vào được đại học... rồi sao. Khi chúng sẽ phải tự thân bước đi", TS Nguyễn Chí Hiếu nhấn mạnh trong hội thảo "Cánh cửa vào Đại học Top đầu: chìa khóa nào ngoài SAT và IELTS?" tổ chức ngày 11/2 tại Hà Nội.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu được biết đến là Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Stanford theo chương trình học bổng của IMF; thủ khoa MBA tại Đại học Oxford; giành học bổng Eisenhower Fellowship. Anh hiện là Giám đốc học thuật Trường PTLC Olympia và đang theo học chương trình Thạc sĩ Triết học và Giáo dục tại Đại học Sư phạm, Columbia, Mỹ. Anh cũng là tác giả và dịch giả của nhiều cuốn sách về giáo dục.
Theo TS Hiếu, phụ huynh khi đến các trung tâm du học thường được tư vấn những điều học sinh nhất định cần có để là TOEFL/IELTS, SAT I/II, điểm trung bình và nhiều hoạt động ngoại khóa. "Tôi khẳng định những thứ này quan trọng để cho con đi du học nhưng có 2 câu hỏi cha mẹ nên suy nghĩ liệu đó có phải là thứ duy nhất đứa trẻ nên chuẩn bị không và đó có phải là quan trọng nhất không?
Tôi cho rằng, nếu cả 3 năm THPT chỉ chuẩn bị cho 4 điều này hơi phí và đó cũng chưa đủ để con khai thác môi trường, nguồn lực, cái tầm để phát triển trong trường đại học top đầu. Chúng ta đừng nên chỉ nhìn chặng đường con bước vào trường đại học nào vì đó chỉ là bước khởi đầu. Vào đại học rồi, một mình một thế giới liệu các bạn ấy có trụ được và phát triển trong trường đó hay không", TS Hiếu chia sẻ.
TS Chí Hiếu lấy dẫn chứng, khi phỏng vấn 500 lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn thì có 90% đồng ý rằng sinh viên ra trường không đủ năng lực để làm việc. Tại Google, có 15% nhân sự không có bằng đại học. Điều đó nghĩa là họ sẵn sàng từ chối những người có bằng đại học để nhận những người làm được việc. Có 81% sinh viên ước được dạy kỹ năng để sống trong cuộc sống này.
"Tôi bất ngờ vì một học sinh cho biết có tới 9 gia sư đến nhà để dạy học. Việc học giống như vitamin hay ăn trứng gà vậy, ít thì được chứ không nhiều quá không nên. Đừng để các em mất đi khả năng tự học.
Hay có trường hợp học sinh mới lớp 6 đã luyện thi IELTS. Điểm số cao ai cũng vui nhưng đó chỉ là những thứ hữu hình, còn những điều vô hình trong đứa trẻ không ai để ý. Cha mẹ cần phát triển hài hòa cho các em", TS Hiếu nói.
Theo TS Hiếu, có 7 "vốn" cần được ươm mầm và xây dựng cho con từ khi còn nhỏ đó là: Vốn ngôn ngữ, vốn kỹ năng học, vốn xã hội, vốn kiên định, vốn hoa tiêu, vốn gia đình, vốn đam mê.
Khi đã có 7 vốn này, trường đại học top đầu đơn giản là trường đại học nào phù hợp với con và con tự thân vào, tự thân trụ vững. Cha mẹ hãy nhìn mặt trái vấn đề và điều chỉnh cho con.
SAT và IELTS không phải là tất cả
Theo Ths Nguyễn Vũ Thanh An, Thạc sĩ Harvard chuyên ngành Khoa học và thực hành phòng ngừa trong giáo dục và có kinh nghiệm 5 năm tư vấn du học, hướng nghiệp cho học sinh lứa tuổi phổ thông tại Mỹ và Việt Nam, có nhiều yếu tố cần chuẩn bị để nộp hồ sơ vào các trường đại học.
Ths An cho biết, trong khảo sát của các trường ở Mỹ về tỷ lệ phần trăm mức độ đánh giá các yếu tố tuyển sinh của các trường đại học, có 17 điều cần có. Trong đó, điểm bài thi tiếng Anh luôn để vị trí quan trọng nhất. Tuy nhiên, ngôn ngữ là yếu tố cần đủ để thích ứng với học tập và cuộc sống khi đi du học. Còn nhiều nội dung khác như độ khó của chương trình, hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu... Ngoài ra, nhiều trường top ở các lĩnh vực khác nhau lại cần các kỹ năng khác nhau.
Ths Thanh An cho hay, mỗi người có thế mạnh riêng. Có người 26 tuổi đã trải qua nhiều công việc và tiết lộ tốt nghiệp Đại học Harvard năm 16 tuổi. Hay một trường hợp khác là một học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ở nhà bạn không có bàn học mà học toàn bộ bằng đọc truyện trên mạng và giành nhiều giải về tiếng Anh hay tự học ôn 5 buổi đạt IELTS 8.5... Khi thấy bạn có nền tảng ngôn ngữ, nền tảng tư duy tốt sẽ được nhà tuyển sinh lựa chọn.
Theo Ths Thanh An, hoạt động ngoại khóa là yếu tố quan trọng để ghi điểm trong hồ sơ của học sinh. Tuy nhiên, dù bạn tham gia hoạt động năng nổ hay chỉ đơn giản là ngồi luyện vẽ, chơi đàn, viết nghiên cứu..., phải tự hỏi mình có thể tự làm được bao nhiêu trong quá trình đó và mình nhận được giá trị gì. Nếu hoạt động đó xây dựng tính cách, giá trị cá nhân thì xứng đáng tham gia. Còn nếu hoạt động mình làm chỉ vì ai đó thì không nên.
Điều cuối cùng Ths Thanh An muốn nhắn nhủ là các bạn phải xây dựng cho mình thói quen, sắp xếp thời gian, sức khỏe, vượt qua khó khăn. Có như vậy, các bạn mới có thể thành công trong môi trường đại học và sau khi tốt nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.