Theo khảo sát mới nhất về hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, tỉ lệ doanh nghiệp (DN) thỉnh thoảng gặp hành vi gây khó khăn khi giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước là 43%, thường xuyên là 5%.
Doanh nghiệp chết như rạ vì tiền lót tay
Khảo sát cho biết công ty liên doanh là loại hình có tỉ lệ DN thừa nhận “thỉnh thoảng” gặp hành vi gây khó khăn khi giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước (như thuế, hải quan) ở mức cao nhất, với 60%. Xét theo lĩnh vực kinh doanh thì da giày; ngân hàng; chế biến lương thực, thực phẩm có tần suất gặp hành vi gây khó khăn của cơ quan quản lý nhà nước cao nhất. Cũng theo báo cáo, chính cơ quan nhà nước đang là tác nhân gây trở ngại cho DN thực hiện liêm chính trong kinh doanh.
UBND quận Bình Thạnh, TP HCM nỗ lực cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh Ảnh: Tấn Thạnh
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, những tác nhân gây trở ngại nói trên thực tế là chỉ việc DN phải chi tiền để “quan hệ”, “bôi trơn”. Điều này đã trở thành luật bất thành văn của các DN Việt Nam và tạo rào cản rất lớn cho sự phát triển của DN. Theo bà Lan, tại Việt Nam, chi phí mà DN phải trả cho các khoản phí và thuế chiếm tới 40,8% tổng số lợi nhuận, trong đó có rất nhiều loại thuế, phí không thể kiểm soát được. Tiền “bôi trơn” của DN Việt Nam chiếm 0,72-1,02 lần lợi nhuận của họ. Nghĩa là DN làm ra 1 đồng thì họ phải chi ít nhất 0,72 đồng cho phí tham nhũng, “bôi trơn”; thậm chí phải chịu phí “lót tay” vượt quá lợi nhuận đến 0,2 đồng.
“Ban đầu, tôi không thể tin có những chi phí “lót tay” ghê gớm đến vậy nhưng đó đúng là điều tra rất chuẩn xác của Ngân hàng Thế giới. Câu chuyện chi phí không chính thức tăng lên ở Việt Nam là điều không còn xa lạ với cả xã hội. Nó dẫn đến nghịch lý không lý giải được là tại sao kinh tế tăng trưởng nhưng DN vẫn chết.
Vị chuyên gia từng là chủ tịch VCCI cũng đánh giá việc DN phải gánh chịu chi phí không chính thức quá lớn chính là nguyên nhân khiến các DN khu vực tư nhân trong nước không… “lớn” được và rất khó có thể khởi động được tinh thần khởi sự kinh doanh của người Việt. “Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi hệ thống các giải pháp chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển DN, đặc biệt hỗ trợ DN nhỏ và vừa còn tản mát. Ngoài ra, các thể chế hỗ trợ thị trường hoạt động kém hiệu quả, DN phải chịu nhiều áp lực của thủ tục hành chính phức tạp, tốn kém; chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực” - bà Chi Lan phân tích.
Không “bôi” không yên
Bàn về kết quả khảo sát, nhiều doanh nhân cho rằng đây cũng là thực tiễn mà hằng ngày họ phải đối mặt. Phó giám đốc một DN trong lĩnh vực may túi xách ở huyện Bình Chánh, TP HCM cho biết những ngày qua phải tiếp nhiều đoàn thể, ban - ngành trên địa bàn đến xin hỗ trợ từ làm từ thiện, hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ địa phương… Mỗi đoàn chỉ vài triệu đồng. Theo doanh nhân này, số lượng đoàn thể đến “xin hỗ trợ” tuy có giảm so với trước đây nhưng cũng gây phiền hà cho DN. “Đây cũng là một dạng chi phí không chính thức mà DN “không chi không được”. Nếu nhà máy đóng ở trong KCN thì không sao nhưng DN tôi có nhà máy đóng ở địa phương nên rất nhiều các khoản ngoài sổ sách phát sinh. Ngay cả việc cơ quan quản lý ở địa phương thường xuyên đến kiểm tra, rồi có hoạt động hay công trình gì cũng gõ cửa DN nhờ “xã hội hóa”. Dù kinh doanh khó khăn, lợi nhuận ngày càng giảm và dù không muốn cũng buộc phải chi cho yên chuyện” - vị phó giám đốc than.
Rất nhiều doanh nhân thừa nhận các khoản phí bôi trơn đang ảnh hưởng rất lớn và gây phiền hà đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Nổi cộm nhất có lẽ là trong lĩnh vực thuế, hải quan. Chủ tịch một hội DN trên địa bàn TP HCM tâm tư: “Dù thuế, hải quan đã có cải thiện trong thời gian gần đây nhưng các DN trong hội ông vẫn kỳ vọng nhà nước có những cải thiện hơn nữa, luật phải rõ ràng được công bố công khai và có cơ chế để DN đối thoại, chất vấn và giám sát”.
“Có rất nhiều thủ tục, quy định mơ hồ nên cán bộ ngành thuế, hải quan dựa vào đó để “làm giá” hoặc vòi vĩnh DN. Cán bộ thuế thường không đòi hỏi nhưng nếu không có gì “vui vẻ” thì hồ sơ của DN sẽ bị ngâm, kéo dài hoặc bị hạch sách đủ điều. Như trường hợp hoàn thuế, DN thường phải chi một tỉ lệ nhất định trên tổng số tiền được hoàn, như vậy hồ sơ giấy tờ mới nhanh chóng. Hay như hải quan, muốn thông quan hàng nhanh cũng phải tốn chi phí ngoài sổ sách, nhất là với những mặt hàng có tên lạ, mới hoặc không phổ biến” - vị chủ tịch nêu thực tế.
Doanh nghiệp cũng có phần lỗi
Nhóm khảo sát của VCCI cũng lật ngược lại vấn đề khi chỉ ra một thực tế là có rất ít DN Việt Nam thực hiện cơ chế liêm chính trong kinh doanh, bao gồm cả thực hiện liêm chính trong nội bộ và trong quan hệ với các cơ quan chức năng bên ngoài. Theo đó, chỉ có 55% DN nhận thức đầy đủ và hiểu đúng về liêm chính trong kinh doanh và chỉ có 29% DN cho biết họ đã triển khai chính sách về liêm chính.
Nhóm khảo sát kêu gọi các DN cần chú trọng và ý thức hơn trong thực hiện cơ chế liêm chính trong kinh doanh; phải tích cực và chủ động tham gia chống tham nhũng, bắt đầu từ việc bản thân mình tự giác không tham gia “tiếp tay” cho các hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh phí “bôi trơn”. “Bản thân các DN cũng cần kiên quyết không thực hiện hành vi đưa hối lộ dưới mọi hình thức thì mới dần dần giành lại lợi thế của mình trong kinh doanh, trong quan hệ với các cơ quan nhà nước. Càng đưa tiền “bôi trơn” càng tạo thói quen cho một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu nhiều thêm” - đại diện nhóm nghiên cứu đề nghị.
Nhóm chuyên gia nghiên cứu cũng khuyến khích hình thành và kêu gọi DN tham gia các khóa đào tạo với nội dung về cách thức xử lý, ứng xử khi DN gặp một số tình huống gây khó khăn của các cá nhân trong cơ quan nhà nước nhằm hạn chế thấp nhất việc phải đưa tiền lót tay.
Thu hút đầu tư nước ngoài bị vạ lây
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong đánh giá tệ tham nhũng khiến dòng đầu tư chệch khỏi những địa chỉ cần đến và làm giảm sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà còn ảnh hưởng đến cả khối DN tư nhân trong nước, khối DN liên doanh đã hình thành và cả nền kinh tế.
|
Tạm giam cán bộ hải quan bị tố vòi vĩnh, thu 60 phong bì đựng 1 tỉ đồng
Chiều 9-1, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, xác nhận ông Nguyễn Tường Duy (SN 1968), cán bộ Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan TP HCM, vừa bị Cục An ninh Tiền tệ và Đầu tư (A84) - Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”. Quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Duy để phục vụ công tác điều tra đã được VKSND Tối cao phê chuẩn.
Ông Nguyễn Tường Duy Ảnh: AX
Theo hồ sơ vụ việc, rất nhiều DN cáo buộc ông Duy nhũng nhiễu. Để thông quan hàng hóa dễ dàng, họ phải chung chi cho ông từ 2-15 triệu đồng/lần.
Sau khi bắt ông Duy, cơ quan chức năng đã áp giải về nhà riêng để khám xét. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện trên 60 phong bì chứa tổng số tiền gần 1 tỉ đồng, nghi là tiền DN hối lộ trong thời gian ông đi Trung Quốc vào cuối tháng 12-2015.
Giám đốc một DN nộp đơn tố cáo ông Duy đến cơ quan an ninh, cho biết container nào bị nghi có dấu hiệu lạ thì phải chung chi cho ông Duy 15 triệu đồng/chiếc. Nếu không thực hiện theo “luật riêng”, hàng hóa buộc cất vào kho. Hàng hóa mà đợi lâu thì lỗ nên rất nhiều DN phải “bôi trơn”. Tôi biết có hàng trăm DN đã đút lót” - vị giám đốc này phản ánh trong đơn tố giác.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi được bố trí làm việc tại Cục Hải quan TP HCM, ông Nguyễn Tường Duy từng công tác tại Cục Hải quan tỉnh An Giang và trong quá trình làm việc vì mắc nhiều sai phạm nên đã bị kỷ luật và đuổi việc. Một nguồn tin cho biết gia đình ông Duy có nhiều người giữ chức vụ quan trọng trong ngành hải quan...
Theo một cán bộ của A84 - Bộ Công an, hiện tại vụ việc đang trong quá trình mở rộng điều tra nhằm xác định thêm các đối tượng khác có liên quan đến ông Duy hay không.
L.Phong
|
Phương Nhung - Thái Phương (Người Lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.