Ngôi làng hẻo lánh giúp Tập Cận Bình tôi luyện ý chí suốt 7 năm

Phương Đăng (tổng hợp) Thứ ba, ngày 10/10/2017 08:44 AM (GMT+7)
Đã gần 50 năm sau ngày Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu đặt chân tới làng Liangjiahe, vùng đất hoang vắng, khắc nghiệt ở phía Tây Bắc Trung Quốc, nơi ông tôi luyện trong suốt 7 năm. Hiện Liangjiahe được xem là "biểu tượng" cho quyền lực của ông Tập.
Bình luận 0

img

Khung cảnh làng Liangjiahe, nơi ông Tập Cận Bình sống và lao động suốt 7 năm. 

Những người dân ở làng Liangjiahe, tỉnh Thiểm Tây nói rằng, họ vẫn nhớ thời gian ông Tập Cận Bình, khi đó là một thanh niên cao gầy 15 tuổi cùng làm việc với họ trên những cánh đồng và ngủ trên tấm thảm rơm trong một hang động đầy bọ chét. Giờ đây, khi người thanh niên ngày ấy trở thành Chủ tịch Trung Quốc, làng Liangjiahe cũng trở thành một điểm du lịch rất thu hút khách du lịch. 

img

Hiện ngôi làng đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng

Những đoàn khách tới Liangjiahe được dẫn tham quan khắp làng, bao gồm một cái giếng ông Tập từng góp sức đào, con đập ông Tập từng cùng người dân xây dựng hay hang động ông đã sống trong suốt 7 năm.

"Khi ông đến Liangjiahe lần đầu tiên, ông ấy chưa chuẩn bị cho những khó khăn khi sống ở đây" một hướng dẫn viên nói với nhóm khách đang chăm chú lắng nghe.

img

Khách du lịch tham quan khung cảnh hoang sơ của ngôi làng Liangjiahe

Shi Yuxin, một người dân địa phương nói rằng, cuộc sống ở Liangjiahe thời đó cực kỳ khắc nghiệt. "Không ai đủ ăn và ông ấy (Tập Cận Bình) đã phải chịu khổ rất nhiều". 

img

Khách du lịch tham quan hang động nơi ông Tập Cận Bình sinh hoạt trong thời gian ở làng Liangjiahe.

Bản thân Tập Cận Bình cũng từng nói rằng, ông đã tôi luyện nhận thức chính trị khi được "gửi tới" làng Liangjiahe theo chủ trương để thanh niên thành thị có học vấn được trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn của người nông dân mà Cố Chủ tịch Mao Trạch Đông đưa ra. 

"Nhiều quan điểm và tính cách của tôi được hình thành ở làng Liangjiahe", Telegraph dẫn lời tuyên bố của ông Tập trong một chương trình truyền hình năm 2004. 

Sau đó, khi rời làng Liangjiahe năm 1975, ông Tập đã buồn và thậm chí đã khóc.

img

Khách tham quan chụp ảnh kỷ niệm ở làng Liangjiahe

"Khi tôi thức dậy vào ngày tôi rời đi, có rất nhiều người làng đứng bên ngoài hang động của tôi, nhưng mọi người không đánh thức tôi dậy. Họ chỉ đứng ngoài đợi. Lúc đó tôi đã khóc. Đây là lần thứ 2 tôi khóc trong 7 năm", đích thân ông Tập chia sẻ. 

img

Một khách du lịch chăm chú xem bức ảnh có mặt ông Tập thời trai trẻ ở làng Liangjiahe

Nhà phân tích chính trị Trey McArver, người đồng sáng lập Trivium/China, chuyên cố vấn cho các công ty làm việc ở Trung Quốc bình luận: "Ông Tập có lý lịch hoàn hảo. Ông là con trai của nhà cách mạng nhưng không đi lên từ những đặc quyền. Câu chuyện của ông Tập rất rõ ràng: Ông là người được sinh ra và lớn lên ở thành thị nhưng ông rất hiểu những người dân bình thường nhờ khoảng thời gian sống ở Liangjiahe". 

Theo các chuyên gia phân tích, việc ngôi làng Liangjiahe trở thành địa điểm du lịch hút khách như hiện nay chứng tỏ ông Tập Cận Bình là trung tâm chính trị của Trung Quốc và đã sẵn sàng để duy trì và củng cố quyền lực của ông tại Đại hội đảng Cộng sản toàn quốc vào tháng này. 

Theo đó, hướng tới Đại hội này, báo chí Trung Quốc đồng loạt đăng tải hàng loạt bài viết mô tả ông Tập là "một nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhưng gần gũi với người dân nhờ khoảng thời gian ở Liangjiahe".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem