Ngôi nhà cổ Nam bộ của anh Tuấn tọa lạc tại số 17, khóm 2, thị trấn Lai Vung. Nhà xây dựng theo kiến trúc “Đông - Tây hội ngộ”; có 3 gian, 2 chái; diện tích khoảng trên 200m2. Theo anh Tuấn, ngôi nhà cổ này là loại nhà rường Nam bộ được phục chế lại cách đây 2 năm bằng các loại gỗ quý, chi phí khoảng 2 - 3 tỷ đồng.
Ngôi nhà cổ của anh Tuấn ở khóm 2, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Để có ngôi nhà đậm chất Nam bộ như hiện tại, anh phải mua 3 ngôi nhà cổ khác rồi lựa chọn, tận dụng lại những cột, kèo, mái ngói... còn sử dụng được. Anh thuê nhiều thợ chuyên phục chế nhà cổ ở các tỉnh Tiền Giang, Bạc Liêu đến thi công.
Trong số 3 ngôi nhà cổ mà anh mua, có một ngôi nhà ở tỉnh Tiền Giang, anh phải rất khó khăn mới sở hữu được. Sau thời gian dài thuyết phục, chủ nhà phải họp họ tộc bàn bạc mới thống nhất bán. Dù đã 130 năm tuổi nhưng ngôi nhà chưa hư hao nhiều theo thời gian.
Điều đặc biệt là những tấm liễn khắc luôn vào thân cột, chứ không treo như nhiều ngôi nhà cổ Nam bộ khác.
Chiếc giường "độc đáo, lạ mắt" được anh Tuấn mua với giá 1,8 tỷ đồng thời điểm năm 2012.
Bên trong ngôi nhà hàng trăm năm tuổi của anh Tuấn có rất nhiều món đồ cổ lớn nhỏ do anh sưu tầm ở trong và ngoài tỉnh như: bàn, ghế, tủ thờ, giường ngủ, chậu kiểng, cặp lộc bình bằng đồng đỏ, cặp hạc đứng trên mai rùa bằng đồng, bộ tách trà có kiểu dáng như vỏ ốc, đèn treo có từ thời Pháp thuộc, tượng Phật, ổ khóa, bàn ủi, kiếm cổ...
Theo gia chủ, trong nhà có 3 cây tủ thờ, tượng trưng cho 3 miền Bắc - Trung - Nam nhưng anh thích nhất là cái đặt giữa nhà. Tủ khoảng 140 năm tuổi, được làm rất tinh xảo, tỉ mỉ với nhiều hoa văn. Đã có người hỏi mua lại với giá 500 triệu đồng mà anh Tuấn chưa bán. Anh Tuấn còn là chủ nhân của cặp lộc bình bằng đồng đỏ nặng trên 200kg (hơn 100kg/cái) và cặp hạc bằng đồng.
“Cách đây hơn 20 năm, tôi đến nhà một người bạn chơi, thấy có cặp liễn và giường ngủ mà chủ nhà không dùng nữa. Tôi đã mua về rồi bắt đầu từ đó, tôi đam mê chơi đồ cổ và bỏ công sức, tiền bạc đi “săn lùng” - anh Tuấn kể.
Bộ tách trà có kiểu dáng như vỏ ốc
Nhìn chung, “bộ sưu tập” đồ cổ của anh Tuấn chủ yếu là các vật dụng của giai cấp quý tộc xưa sử dụng. Trong số những món đồ mà anh Tuấn sở hữu, có nhiều món tuổi thọ hàng trăm năm, giá trị rất cao. Nổi bật nhất, độc đáo nhất là chiếc giường ngủ lát đá, khiến người nằm lên nó cảm thấy ấm vào mùa lạnh, mát mẻ vào mùa nắng nóng.
Chiếc giường dài khoảng 2,5m, rộng 2m được làm từ gỗ cây gõ; chạm khắc tinh xảo, khảm ốc xà cừ toàn bộ; mặt giường có gắn 8 tấm đá cẩm thạch. Phía trên trần của chiếc giường được ghép từ những thanh gỗ đen bóng, người lớn đu lên vẫn không gãy.
Anh Tuấn cho biết: “Sau gần 5 năm “canh me”, đến năm 2012, tôi mới mua được chiếc giường quý này ở tỉnh Tây Ninh với giá thời điểm đó là 1,8 tỷ đồng. Hiện tại, giá trị chiếc giường tăng lên nhưng tôi không có ý định đổi chủ cho nó”.
Ngôi nhà có nhiều món đồ gỗ quý, cẩn xà cừ
Niềm đam mê đồ cổ của anh Nguyễn Đình Tuấn dần dần “lây” sang người em ruột - anh Nguyễn Đình Kiệt, cùng ngụ thị trấn Lai Vung. Anh Kiệt cho hay: “Thấy anh Tuấn chơi đồ cổ, từ từ tôi cũng mê. Hai anh em thường để ý, tìm mua những món đồ cổ gần xa. Có khi, người nhiều tiền cũng không thể mua được món đồ cổ mà mình thích.
Ngôi nhà cổ Nam bộ cùng những món đồ cổ bên trong là nơi để thờ cúng ông bà, tổ tiên của chúng tôi. Những vật dụng xưa cũ giúp chúng tôi hoài niệm về quá khứ; con cháu biết nhiều hơn về lịch sử, truyền thống của dân tộc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục trưng bày một số vận dụng có tuổi thọ cao như chén, dĩa, ấm nước, bộ tách trà...”.
Do có sự yêu thích đặc biệt với đồ cổ nên đối với anh Tuấn và anh Kiệt, những món đồ mà hai anh sưu tầm được đều vô giá và cũng chưa có ý định bán lại. Việc sẵn sàng chi mạnh tay để sở hữu món đồ mình ưng ý, có lẽ chỉ những người thật sự đam mê đồ cổ mới hiểu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.