PCI là bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2005, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Những năm đầu tham gia vào “đường đua” PCI, Quảng Ninh đứng ở vị trí khá khiêm tốn, tuy nhiên sau hành trình 13 năm, tỉnh này đã vươn lên đứng đầu trong 2 năm liên tiếp 2017, 2018.
Năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp, Quảng Ninh giữ ngôi vị quán quân trong Bảng Xếp hạng PCI cả nước.
“Ngoài những chỉ số vượt trội như Tính minh bạch và Tiếp cận đất đai, Quảng Ninh vẫn còn 4 chỉ số thành phần ngoài top 10 (Gia nhập thị trường, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Tính năng động; Thiết chế pháp lý & An ninh trật tự), điều này cho thấy áp lực với tỉnh nhà là rất lớn nếu muốn tiếp tục giữ ngôi quán quân PCI” - Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ.
Thực tế năm 2018, so với những mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch số 2614/KH-UBND ngày 17.4.2018, Quảng Ninh chỉ có 3/10 chỉ số đạt và vượt mục tiêu (chiếm 30%); Còn lại 7/10 chỉ số không đạt mục tiêu (chiếm 70%). Trong tổng số 128 chỉ số thành phần với năm 2017, có 16/128 chỉ số con đạt mục tiêu (chiếm 12,5%) và 112/128 chỉ số con không đạt mục tiêu (chiếm 87,5%). Đây là những con số “biết nói” khiến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh phải trăn trở, suy nghĩ và chưa thể vui mừng mặc dù đứng đầu PCI cả nước 2018.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhận định: “Khi phân tích từng chỉ số thành phần PCI, chúng tôi đã nhận diện được những điểm hạn chế cần tập trung ưu tiên trong năm 2019 là Chi phí không chính thức, dịch vụ Hỗ trợ Doanh nghiệp và Thiết chế pháp lý & An ninh trật tự. Các phân tích cũng cho thấy, mặc dù có những chỉ số cải thiện tăng điểm nhưng vẫn không tăng hạng, ngược lại một số chỉ số tăng hạng nhưng thực chất giảm điểm. Chúng ta cũng biết rằng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là cuộc đua thường xuyên liên tục trước yêu cầu đổi mới không ngừng; không chỉ so với chính mình mà quan trọng là so với các tỉnh/thành phố trong cả nước”.
Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn được khai thác, mở cánh cửa cho nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Quảng Ninh, việc điều tra, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương - DDCI năm 2018 đã có một điểm mới mà chưa địa phương nào làm được, đó là thu thập thông tin dữ liệu về doanh nghiệp để đánh giá năng lực điều hành (CMI) và trách nhiệm xã hội (CSR) của cộng đồng doanh nghiệp. “Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện điều này. Không chỉ sử dụng bộ chỉ số DDCI làm hàn thử biểu chính quyền, mà còn là thước đo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua tiếng nói của chính họ”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá.
Nhìn lại chặng đường qua hơn 5 năm triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết số 19/NQ-CP (nay là Nghị quyết 02) và gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: Quảng Ninh đã đạt những kết quả quan trọng và được coi là “một điển hình tốt với nhiều sáng kiến cải cách, gắn việc cải thiện môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Nghị quyết với nâng cao chất lượng quản lý, điều hành”. Duy trì trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước trong 6 năm liên tiếp (2013-2018), đặc biệt năm 2017 và 2018 tiến đến vị trí dẫn đầu trong số các tỉnh/thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất, tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng hơn và sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh...
Năm 2019 và các năm tiếp theo, Quảng Ninh sẽ còn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức và còn nhiều dư địa để cải cách, đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo của chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh, sự vào cuộc đồng lòng của các cấp, các ngành, các địa phương và của người dân, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung sức, chung tay để chuyển hóa những thách thức khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển bền vững, cải thiện hơn nữa điểm số và tiệm cận đến thang điểm tối ưu, đạt đến sự hài lòng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Điểm đáng lưu ý là sự vươn lên mạnh mẽ của tỉnh Đồng Tháp (ngay kề thứ hạng của Quảng Ninh) có tới 7 chỉ số thành phần nằm trong top 5 với 4 chỉ số thành phần dẫn đầu bảng xếp hạng và cũng là địa phương có hướng cải thiện PCI một cách bền vững khi duy trì 11 năm liên tiếp trong nhóm dẫn đầu cả nước PCI, nhưng PCI năm 2018 cho thấy sự hiện diện của hai thành phố lớn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong top 10, TP.Huế vươn lên mạnh mẽ với 2 chỉ số dẫn đầu cả nước, Bến Tre cũng có tới 5 chỉ số thành phần trong nhóm 5 địa phương xếp cao nhất.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.